Mừng cưới: Tiền mặt hay… ting ting?

Chuyển khoản đám cưới - Người khen thực tế, người chê thực dụng

09/07/2024 - 06:05

PNO - Tiêu dùng không tiền mặt đang dần phổ biến trong đời sống, thậm chí ngay cả trong những dịp trọng đại như đám tiệc, cưới hỏi. Ở nhiều đám cưới ngày nay, thay vì để khách mang phong bì theo kiểu truyền thống, nhiều đôi đặt mã QR trước bàn lễ tân hay in thẳng vào thiệp cưới. Tuy nhiên, cách làm này cũng vấp phải những ý kiến trái chiều.

Dù hình thức đặt mã QR tại đám cưới chưa phổ biến  ở vùng quê, vẫn có người dân chuyển khoản tiền mừng  khi đi đám cưới - Ảnh minh họa: Nhã Chân
Dù hình thức đặt mã QR tại đám cưới chưa phổ biến ở vùng quê, vẫn có người dân chuyển khoản tiền mừng khi đi đám cưới - Ảnh minh họa: Nhã Chân

Chủ tiệc thấy vui, người dự thấy tiện

Sắp tổ chức đám cưới, anh Trí Vinh (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, anh sẽ đặt mã QR ngay tại đám cưới và in trên thiệp mời để những khách mời ở xa hoặc có việc bận không đến dự có thể chuyển khoản tiền mừng. Anh chia sẻ về lý do chọn đám cưới không dùng tiền mặt: “Nhiều lần đi công tác đột xuất, mình không thể dự tiệc cưới của đồng nghiệp, người thân. Thế là phải săn lùng, hỏi han, nhờ người này người kia bỏ phong bì giùm. Có khi nhờ rồi mà người ta quên, khiến tôi rất ngại với cô dâu chú rể. Lúc đó tôi ước phải chi biết số tài khoản của thân chủ để gửi mừng luôn cho khỏe”.

Chung quan điểm, chị Quỳnh Nga (quận 10, TPHCM) và chồng tương lai cũng thống nhất chọn mô hình đám cưới không dùng tiền mặt khi đãi tiệc bạn bè tại TPHCM. Chị cho biết, vì gia đình 2 bên ở xa nên ngày cưới tại TPHCM chỉ có cha mẹ vào tham dự. Nếu đặt thùng tiền mừng thì không có người thân trông coi. Thay vì phí thời gian “canh giữ” thùng tiền, chị mong muốn người thân của mình dành thời gian tiếp đón khách mời và chứng kiến khoảnh khắc hạnh phúc của anh chị.

Thường xuyên bị nhờ “đi đám giùm”, bà Hồng Sang (tỉnh Bạc Liêu) bày tỏ: dù rất không thích chuyện này, nhưng cũng đành chịu, vì sợ từ chối mất tình làng nghĩa xóm. Bà Sang bộc bạch: “Nói nào ngay, mỗi lần bỏ bao thơ đi đám giùm cũng chỉ vài trăm ngàn thôi, nhưng không phải ai cũng nhớ để trả cho mình. Nhiều khi họ nhờ mình rồi quên luôn, không lẽ có vài trăm ngàn mà mình đi đòi, ngại lắm. Mà đâu phải 1 người nhờ, nên cũng kẹt”.

Thấu hiểu nỗi khổ của người bị nhờ đi đám nên dù tuổi đã cao, không rành công nghệ, nhưng hễ có ai mời đám cưới mà không đi được là bà Sang nhờ con gái chuyển khoản tiền mừng cho gia chủ. “Cái vụ chuyển khoản đó tui thấy tiện ghê luôn, khỏi phải chạy đôn chạy đáo để đổi tiền mới. Người ta đi mình bao nhiêu thì mình đi lại bấy nhiêu. Nhiều khi đi đám 200.000, 300.000 đồng mà trong túi chỉ có tờ 500.000 đồng, những lúc như vậy phải đổi tiền, chứ không lẽ đi đám mà kêu người ta thối tiền lại” - bà Sang tâm đắc nói.

Còn chị Ngọc Bích (quận 10, TPHCM) thì lại có kỷ niệm “dở khóc dở cười” khi ăn cưới một người bạn. Lần đó, chị Bích để phong bì mừng cưới vào thùng tiền nhưng lại quên ghi tên. Dự tiệc về, chị cứ suy nghĩ mãi, không biết cô dâu chú rể có biết phong bì không để tên đó là của mình? Liệu họ có nghĩ mình đi dự tiệc mà không gửi quà mừng? Chị Bích bày tỏ: “Việc chuyển khoản tiền mừng không chỉ nhanh, tiện mà còn lưu lại lịch sử giao dịch, gia chủ có thể dễ dàng kiểm tra nên mình cũng không phải lo gặp tình huống “dở khóc, dở cười” như thế”.

Nên khéo léo kết hợp 2 hình thức

Nói về hành trình thuyết phục 2 bên gia đình đồng ý cho hình thức mừng cưới không tiền mặt, chị Quỳnh Nga cho biết, không phải trót lọt ngay từ đầu. Ban đầu, cha mẹ chị nhất quyết không chịu, vì sợ bị họ hàng đánh giá gia đình thực dụng. Chị phải thuyết phục thời gian dài, cha mẹ mới đồng ý… một nửa. Nghĩa là tiệc đãi bạn thì vợ chồng chị muốn “làm gì thì làm”, còn đám cưới ở quê vẫn giữ hình thức nhận tiền mừng truyền thống.

Trường hợp anh Trí Vinh cũng vậy. Trước khi quyết định chọn mô hình đám cưới không tiền mặt, anh có hỏi ý vợ và cha mẹ. Vợ anh rất ủng hộ, còn cha mẹ anh lại băn khoăn, lo họ hàng lời ra tiếng vào. Vì vậy, tại đám cưới, song song với mã QR, anh cũng đặt thùng mừng kế bên để họ hàng, bạn bè của cha mẹ bỏ tiền mừng. Còn bạn bè, đồng nghiệp của anh, anh đều thông báo từ trước về việc nhận tiền mừng qua hình thức chuyển khoản. Hầu hết mọi người đều vui vẻ đón nhận cách thức này.

Tuy vậy, cũng không ít đôi không mấy thiện cảm với việc quét mã QR mừng đám cưới. Theo chị Anh Thư (quận Bình Thạnh, TPHCM), việc đặt mã QR tại tiệc cưới cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Lợi dụng lúc cô dâu, chú rể không để ý, kẻ gian hoàn toàn có thể đổi mã QR hoặc dán mã QR của chúng đè lên mã QR của gia chủ hòng chiếm đoạt tiền. Cho nên, chị Thư chỉ nhận tiền mừng online với khách mời không thể dự tiệc. Còn tại tiệc cưới, chị chỉ đặt thùng nhận tiền mừng chứ không đặt mã QR.

Bên cạnh việc đặt mã QR tại bàn check-in, ngày nay, các đôi còn in mã QR tài khoản lên thiệp cưới. Theo ghi nhận tại một số cơ sở in thiệp cưới ở TPHCM, hình thức này còn khá mới nên không nhiều khách hàng lựa chọn, chiếm tỉ lệ khoảng 1/10 trong tổng số đơn đặt thiệp. Việc in mã QR lên thiệp cưới không mất thêm chi phí, cũng không giới hạn mẫu mã, chất liệu thiệp mời. Vị trí in tùy vào mong muốn của chủ tiệc, phổ biến nhất vẫn là in trên bao thiệp và ở cuối thiệp.

Đa phần, các đôi chỉ in mã QR lên thiệp báo hỉ hoặc thiệp mời bạn bè, đồng nghiệp. Đối với khách mời là người thân, bạn bè của cha, mẹ cô dâu chú rể, thiệp mời hầu như không in mã QR.

Nhiều người trẻ chọn hình thức quét mã QR mừng cưới  bạn bè, đồng nghiệp - Ảnh minh họa: Nhã Chân
Nhiều người trẻ chọn hình thức quét mã QR mừng cưới bạn bè, đồng nghiệp - Ảnh minh họa: Nhã Chân

Nhiều tiện ích cho người dùng khi chúc mừng online

Bên cạnh việc chuyển tiền mừng qua tài khoản ngân hàng, nhiều người trẻ còn thích thú với tính năng chuyển tiền mừng trên các ví điện tử. Bằng tính năng này, người dùng có thể gửi tiền kèm theo thiệp, hình ảnh và nhạc rất sinh động. Các lựa chọn thiệp khi chuyển - nhận tiền cũng được cập nhật liên tục theo nhiều chủ đề nhằm tăng thêm lựa chọn cho người dùng. Ngoài ra, trên một số ví điện tử còn có tính năng tặng quà online. Theo đó, người dùng có thể tìm kiếm các món quà phù hợp, đến từ nhiều thương hiệu và hệ thống cửa hàng trải dài khắp cả nước, hỗ trợ người dùng trong việc thay đổi cách thể hiện tình cảm đến bạn bè, người thân vào những dịp đặc biệt.

Ý kiến:

Mừng cưới cách nào cũng là thể hiện tấm lòng

Trong đời sống, có rất nhiều tiệc mừng để đánh dấu những kỷ niệm hoặc “chặng đường” đáng nhớ như tiệc thôi nôi, sinh nhật, tiệc trưởng thành (cha mẹ tổ chức cho con tròn 18 tuổi), tiệc cưới, kỷ niệm ngày cưới… Với tôi, mỗi bữa tiệc, tôi đều thu xếp để tham dự, nhất là tiệc cưới những người mà mình dành tình cảm thương quý. Tôi vẫn dùng hình thức bỏ tiền vào phong bì để mừng, chúc phúc cho cô dâu chú rể. Tiền mừng - như một cách góp chút “vốn liếng” để cô dâu chú rể trang trải chi phí đặt tiệc, dư dả chút ít thì họ còn nuôi được “con heo” nho nhỏ, mua sắm chút đỉnh vật dụng sinh hoạt cho tổ ấm mới. Tiền mừng cưới bằng hình thức bỏ vào bao thư trực tiếp hay chuyển khoản “ting ting” cho tiện cũng đều xuất phát từ tấm lòng của khách mời.


Tuy vậy, cá nhân tôi vẫn thấy hay hay khi cầm theo thiệp cưới bên ngoài ghi tên cô dâu chú rể, còn bên trong là tấm lòng, là lời chúc bằng “hiện vật” gửi đến chủ nhân của đêm tiệc. Còn với cô dâu chú rể, cảm giác được “khui” cái phong bì bên ngoài có tên của khách mời chính là cảm xúc yêu thương, trân quý, là kỷ niệm khó quên.

Chị Quý Hiền (Q.3, TPHCM)

Tiếp nhận khi cái mới hay hơn, tiện ích hơn

Hiện nay, cả Chính phủ và TPHCM đều chủ trương chuyển đổi số và khuyến khích không dùng tiền mặt trên nhiều phương diện. Năm 2017, trong dịp du lịch sang Đài Loan, tôi từng đến thăm một ngôi chùa mà ở đó, từ nhà hàng chay trong chùa cho tới hoạt động cúng dường, người ta đều quét mã để chuyển tiền. Chuyện cách đây 8 năm nên có thể hình dung đến hôm nay, xu hướng không dùng tiền mặt càng lan tỏa rộng đến mức nào và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Tôi cho rằng, việc chuyển tiền mừng online là cách làm hiện đại, hội nhập và văn minh. Thử nghĩ, nếu đám cưới có một thùng tiền mừng thì 2 họ phải cắt đặt người canh giữ; rồi đám cưới xong, vợ chồng lại phải lui cui ngồi đếm tiền nên nhiều người hay đùa “đêm tân hôn thành đêm… đếm tiền”. Trong khi đó, nếu khách chuyển khoản tiền mừng, sau tiệc, gia chủ có thể chuyển ngay tiền đặt tiệc cho nhà hàng, ai mừng bao nhiêu cũng có sẵn trong sao kê giao dịch, không cần ghi chép. Tình cảm và cách đối đãi giữa người và người, đâu phải đánh giá theo kiểu chuyển khoản là không có tình cảm. Mừng cưới là nét đẹp truyền thống, là món quà chúc phúc dành tặng cho cô dâu chú rể trong ngày trọng đại. Quan trọng hơn hết là sự góp mặt, chung vui và gửi lời chúc tốt đẹp đến đôi bạn, chứ không phải là việc gửi tiền mừng bằng phương cách nào.

Nên thay đổi cái cũ để tiếp nhận cái mới nếu cái mới hay hơn, tiện ích hơn. Riêng với những vùng sâu, vùng xa - nơi internet còn chưa bao phủ, người dân còn chưa tiếp cận với công nghệ thì có thể duy trì hình thức mừng cưới truyền thống. Tuy nhiên, tôi tin là trong tương lai, xu hướng không tiền mặt sẽ càng chiếm lĩnh.

Ngoài ra, tôi cũng ủng hộ việc mời đám cưới online. Ngày nay hầu như ai cũng dùng mạng xã hội. Cô dâu chú rể có thể thiết kế thiệp cưới điện tử rồi gửi online, kèm sơ đồ đường đi, sau đó gọi điện mời trực tiếp và nhắn tin nhắc lại trước ngày diễn ra tiệc. Như vậy vừa tiết kiệm thời gian, đỡ tốn công đi lại mà vẫn giữ được sự trân trọng cần có, thay vì cứ phải chạy đôn chạy đáo gửi thiệp, mà khách mời có khi cũng quên mất mình bỏ cái thiệp ở đâu.

Ông Nguyễn Văn Đắng

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn

Tiện ích, nhưng tránh để bị lợi dụng, biến tướng

Nhìn lại văn hóa Việt Nam, có thể thấy ngày trước, khi người ta “mời” (ăn cưới) đồng nghĩa với “mượn”. Chẳng hạn như gia chủ biết cô này giỏi nấu ăn, gói bánh thì “mời” đến đám để “mượn” cô nấu đám; biết anh kia giỏi dựng rạp thì mời đến ăn cưới để anh ta phụ dựng rạp giùm… Mối quan hệ xóm làng có qua có lại khiến xã hội xưa chưa hình thành nên dịch vụ cưới hỏi như bây giờ. Quà cưới lúc đó cũng chỉ được trao tặng trực tiếp cho đôi trẻ chứ không xuất hiện khái niệm “phong bì mừng cưới”. Phải đến thời Pháp thuộc, phong bì, giấy gói quà, hộp đựng quà, các dịch vụ chuyển phát như bưu điện mới trở nên phổ biến.

Tiến sĩ Trần Long

Đám cưới ngày xưa không ai đặt thùng tiền mừng. Người ta trao quà, nữ trang, tiền mừng trực tiếp vào tay cô dâu, chú rể. Người sáng tạo ra cái thùng tiền mừng, tôi cho là các nhà làm dịch vụ cưới hỏi hay nói cách khác đó là sản phẩm của dịch vụ thời hiện đại. Cũng như thời xưa không có xe hoa, thuyền hoa rước dâu mà chỉ có “kiệu anh đi trước, võng nàng theo sau” nếu là đám cưới nhà quan, còn dân thường thì đi bộ. Sau này, khi dịch vụ phát triển mới sinh ra các hình thức đa dạng như vậy.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các hình thức mừng cưới bằng tiền mặt vẫn còn rất phổ biến. Còn ở các đô thị, khi tính chất công việc của đại bộ phận người dân thay đổi thì hình thức tụ tập cùng nhau dựng rạp, nấu đám… như xưa đã không còn phù hợp. Dịch vụ cưới hỏi ra đời và được ủng hộ bởi tính tiện ích. Mừng cưới bằng cách chuyển khoản cũng vậy - ngày càng phổ biến bởi nó phù hợp với hoàn cảnh và mang lại nhiều tiện ích. Tuy nhiên, không phải tiếp nhận cái mới thì phải “xóa sổ” hoàn toàn cái cũ, nhất là khi cách mừng cưới bằng tiền, quà trực tiếp vẫn mang nét đẹp văn hóa đáng trân trọng và gìn giữ.
Tôi cho rằng, nên duy trì cả hình thức mừng cưới trực tiếp và chuyển khoản, ai thấy phù hợp cách nào thì làm, miễn sao giữ được mục đích quan trọng nhất là thể hiện tình cảm và sự chúc phúc cho gia chủ. Tuy nhiên, có một vấn đề tế nhị là mừng cưới bằng cách chuyển khoản có thể có khả năng biến tướng, phát sinh tiêu cực. Chẳng hạn như với người muốn chạy chọt, hối lộ… họ có thể lợi dụng việc mừng cưới, mừng sinh nhật, mừng thọ… để chuyển khoản số tiền khổng lồ một cách “rất hợp lý”. Trong khi nếu mừng cưới bằng tiền mặt hay quà trực tiếp thì có vẻ như việc này sẽ khó khăn hơn. Cách làm nào cũng có cái hay và cái hạn chế. Quan trọng là chúng ta phải biết cách ứng xử sao cho thích hợp, hạn chế các hệ quả tiêu cực.

Tiến sĩ Trần Long

nguyên Trưởng bộ môn văn hóa Việt Nam, Khoa Văn hóa học,

Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM

Mai Lâm (ghi)

Nhã Chân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • lan 09-07-2024 16:46:47

    Quan điểm của tôi thấy nó thực dụng,biết họ không đi còn mời, mời để lấy thiệp mừng à ????? nên hạn chế khách mời để không gian tiệc được ấm cúng, có trường hợp đi đám cưới mà không biết cô dâu chú rể là ai và tới đám chẳng biết ngồi đâu nói chuyện gì giữa chung quanh toàn người lạ

  • Maria 09-07-2024 09:28:02

    Vẫn thích cách truyền thống hơn vì nếu in mã QR lên thiệp nó giống như kiểu chỉ cần tiền chứ không nhất thiết phải có mặt người tham dự lễ cưới. Nếu ai đó vì tính chất công việc đột xuất và bất khả kháng phải vắng mặt thì lúc đó mới cần đến stk hoặc mã QR.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI