|
Cô đỡ H-Đông đang chăm sóc em bé sơ sinh ở một thôn bản tại tỉnh Đắk Lắk - Ảnh tư liệu: Minh Trâm |
Ngày 10/3, Bộ Y tế tổ chức “Hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn bản”. Tại đây, cô đỡ thôn bản Lò Thị Luấn (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cho biết, từ năm 2020 đến nay, phụ cấp cho y tế thôn bản miền núi đã bị cắt hoàn toàn, tiền đi lại, xăng xe không có. Từ 2013-2019, chính sách này được thực hiện, nhưng các cô đỡ cũng chỉ nhận được 550.000 đồng/tháng.
Trước đó một ngày, báo chí đưa tin, 60% cô đỡ thôn bản không có đủ trang thiết bị, gói đỡ đẻ sạch… Chuyện này thật khó tin nhưng đang diễn ra và nó cho thấy rất nhiều khó khăn mà các địa phương vùng cao đang gặp.
Tôi từng tham gia một dự án xóa đói giảm nghèo của 5 trường đại học cho đồng bào dân tộc kéo dài hơn 5 năm ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đến những vùng sâu, vùng xa, nên biết thế nào là bà đỡ thôn bản. Do quan niệm sống, phong tục tập quán và cả bối cảnh lịch sử mà một số bà con các dân tộc đã cư ngụ ở những nơi rất cheo leo, hẻo lánh, cách trung tâm huyện, đường giao thông cả ngày đi bộ. Ở những nơi này chỉ có vài chục, thậm chí vài ba nóc nhà, đường giao thông và giao thương không tới; không có nhà trẻ, trường học, tiệm tạp hóa và tất nhiên cũng không có trạm y tế.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết cả nước hiện có 5.111 thôn bản có khó khăn về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Kết quả khảo sát năm 2021 của Ủy ban dân tộc cũng cho thấy tại 18 tỉnh miền núi khó khăn có tới 4.346 thôn bản không có cơ sở y tế. Trong bối cảnh đó mới có sự tồn tại của bà đỡ thôn bản. Họ là những người đi thăm khám cho các bà mẹ mang thai và đỡ khi các bà mẹ chuyển dạ.
Nhìn lại lịch sử, xưa kia ở các bản làng xa xôi có 2 người được coi là “trí thức” là thầy mo và thầy lang. Thầy mo, thầy cúng là người coi sóc về tinh thần, còn thầy lang, bà đỡ là người lo về sức khỏe. Thầy mo, thầy cúng, bà đỡ một thời bị xem là tệ nạn phải bài trừ. Bài trừ nhưng lại không có người thay thế, nên cuối cùng đành phải chấp nhận.
Cũng cần nói thêm, người dân tộc có quan niệm chuyện phụ nữ mang thai, sinh đẻ là chuyện riêng tư, chỉ có chồng và những người phụ nữ thân thuộc mới được tiếp xúc tại nhà, do vậy mà nhiều nơi có trạm y tế nhưng họ không tới thăm khám. Họ chỉ muốn có bà đỡ địa phương.
Một số người trong số họ được coi là hành nghề gia truyền từ mẹ, từ bà, một số thì làm thiện nguyện. Ban đầu họ làm một cách tự phát (tạm gọi như thế), về sau nhận thấy giá trị của họ cho nên Bộ Y tế gọi họ là “bà đỡ thôn bản”, tập hợp họ lại và coi họ là “cánh tay nối dài” của ngành tới những vùng sâu, vùng xa, một số được ngành y tế mời tập huấn nghiệp vụ.
Thời cực thịnh có đến 3.077 cô đỡ thôn bản được đào tạo. Họ đã đóng góp rất lớn cho y tế cơ sở. Chỉ tính riêng năm 2019, mạng lưới cô đỡ thôn bản đã thăm khám khoảng 42.441 lượt cho các thai phụ, trong đó có 1.953 bà mẹ được khám thai đủ 3 lần. Cũng trong năm 2019, toàn quốc có 5.321 trường hợp được đỡ đẻ bởi các cô đỡ thôn bản, trong đó 3.340 trường hợp đẻ tại nhà, 1.229 trường hợp đẻ rơi và 662 trường hợp đẻ tại điểm y tế bản.
Nhờ họ mà tỉ lệ tử vong của thai phụ và trẻ sơ sinh ở những vùng sâu vùng xa giảm đáng kể. Nhưng đáng tiếc là cho đến năm 2022 cả nước chỉ còn 50% (1.549/3.077) cô đỡ thôn bản được đào tạo còn trụ lại, đạt tỉ lệ bao phủ 30,31%, còn lại họ đã bỏ nghề. Lý do là họ đã không nhận được bất cứ chính sách đãi ngộ nào trong thời gian dài vừa qua. Lạ hơn nữa là có đến 60% trong 1.549 cô đỡ thôn bản không có đủ trang thiết bị, gói đỡ đẻ sạch…
Tôi có tìm hiểu và được biết giá của một bộ dụng cụ thăm khám và đỡ đẻ (gồm 10-12 món) chưa đến 1 triệu đồng. Nếu trang bị cho mỗi người một bộ thì tổng số tiền phải chi cũng chỉ khoảng 1,5 tỉ đồng. Số tiền ấy là không lớn và chỉ là hạt bụi so với tiền tham nhũng trong các vụ kit test, chuyến bay giải cứu…
Một khoản tiền nhỏ xíu mà cả nước này không lo được cho các cô đỡ thôn bản được hay sao? Đó là chưa kể số cơ quan, ban ngành liên quan trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em của nước ta vào loại nhiều nhất thế giới. Có thể kể đến là Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc, Hội LHPN, Ủy ban Các vấn đề xã hội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội...
Tôi lại nghĩ, đất nước ta có rất nhiều doanh nghiệp, chỉ cần mỗi doanh nghiệp đỡ đầu một bản thôi thì bức tranh y tế - giáo dục, giao thông ở những nơi ấy sẽ khác lắm.
Điều gì xảy ra nếu 1-2 năm tới, tất cả các cô đỡ thôn bản bỏ nghề? Không nói, chắc mọi người đều hình dung được.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa