Chuyện khó nói về phần thưởng

15/07/2020 - 07:05

PNO - Chúng ta đã hướng đến nền giáo dục nhân văn hơn, bỏ việc xếp hạng HS, để tránh cảm giác mặc cảm, tự ti. Nhưng không hiểu sao hình thức khen thưởng kiểu này vẫn còn lại và đang diễn ra ở rất nhiều trường tiểu học.

“Xin hỏi cô giáo, tiêu chí chọn năm học sinh (HS) đại diện cho lớp lên nhận thưởng trong ngày tổng kết là gì ạ?”.

Dòng tin nhắn trong một nhóm phụ huynh lớp Một trước ngày tổng kết năm học tại một trường tiểu học thuộc Q.7 (TP.HCM) đã làm bùng nổ cuộc tranh luận. Đó cũng là thắc mắc chung của nhiều phụ huynh bởi trong một lớp hơn 30 HS, thì đã có 28 em đạt loại giỏi. 

Chỉ có năm em được chọn để nhận thưởng trước toàn trường, vậy tiêu chí nào để chọn trong khi các em đều có những điểm 10 như nhau? 

“Các con giỏi như nhau. Năm bạn được chọn chỉ đại diện cho lớp”, lời xoa dịu của một phụ huynh trong nhóm không đủ để các phụ huynh khác hài lòng. Bởi, việc các bạn được gọi tên khen thưởng trước sân trường là sự vinh danh, chứ không đơn giản là đại diện cho lớp. Điều đó sẽ khiến các HS khác - cũng là HS giỏi, cũng có một quá trình phấn đấu để đạt kết quả ấy, không khỏi tổn thương.

Chúng ta đã hướng đến nền giáo dục nhân văn hơn, bỏ việc xếp hạng HS, để tránh cảm giác mặc cảm, tự ti. Nhưng không hiểu sao hình thức khen thưởng kiểu này vẫn còn lại và đang diễn ra ở rất nhiều trường tiểu học.

Chưa kể, hầu hết phụ huynh trong lớp ấy thừa nhận với nhau rằng, năm bạn được lựa chọn đều “vô tình” có phụ huynh nằm trong ban đại diện cha mẹ HS, là những người năng nổ nhất trong công tác đóng tiền, kêu gọi quỹ lớp. Vậy thì, việc khen thưởng HS trước toàn trường hóa ra là dịp để nhà trường “trả ơn” phụ huynh, chứ không hoàn toàn vì HS. 

Ngoài tiêu chí lựa chọn HS để khen thưởng như trên, trường học còn có những cách khen thưởng sao cho “lợi cả đôi đàng”. Một phụ huynh cho biết, chị rất ngán đi họp cuối năm, dù con mình cũng là HS giỏi. Tại cuộc họp vừa qua, theo gợi ý của giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện cha mẹ học sinh, phần thưởng dành cho HS giỏi là bộ sách giáo khoa năm học tới, bao gồm cả các loại sách tiếng Anh trị giá hơn 700.000 đồng. Tất cả sách đều do trường bán và phụ huynh phải đóng tiền mua để trường thưởng cho con mình.

Không có gì lạ khi chứng kiến hình ảnh cô bé lớp Một nhăn nhó quăng món quà (là phần thưởng HS giỏi) cái “phịch” xuống thềm trong ngày học cuối cùng, vì quá nặng. Gói quà là một chồng sách, không được bao bọc như cách người ta dùng để tặng thưởng, mà chỉ được đựng trong túi ni-lông. Trong đôi mắt HS ấy, không hề nhìn thấy sự trân trọng dành cho món quà - phần thưởng mà em nỗ lực đạt được trong suốt năm học.

Thái độ đó là tất yếu, bởi bản chất của việc tặng quà đâu còn hướng đến HS.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI