Tôi viết về Cheo Leo trong tình cảnh hơn 3 tuần chưa được về Sài Gòn. Theo đoàn quay phim, tôi tự dưng bị cầm chân ở vùng biển vắng. Yên lành thật, hoang vắng thật nhưng mọi thứ chỉ làm tăng thêm nỗi nhớ quán quen. Tiếng sóng vỗ, tiếng gió reo sao sánh cho bằng ly cà phê và những câu chuyện ở Cheo Leo nhiều sắc, tràn màu của đời sống thị dân.
Một thoáng ngót 80 năm
Tôi chợt ao ước phải chi mình đón chuyến xe xuyên đêm về Sài Gòn kịp sáng, chạy ùa tới Cheo Leo ngồi vào cái ghế “độc cô cầu bại” - chiếc ghế nhựa được kê riêng lẻ không dính dáng đến bất kỳ bàn nào - kêu ly bạc xỉu rồi đắm mình vào cái không khí riêng biệt của quán. Chắc chắn rồi, sẽ có các bô lão từ sớm đã tụ họp về cái bàn nhôm to dài nhất quán, đặc cách án ngữ trước mặt tiền.
Như một luật bất thành văn, mấy đứa nhỏ đừng hòng bén mảng đến bàn các chú già. Nhiều khi tôi tự hỏi, bao giờ mình mới được can dự vào chiếc bàn này. Chắc cũng nhanh thôi, vài cái chục năm chỉ như chớp mắt.
Chẳng phải Cheo Leo thoáng cái đã gần 80 tuổi đời đó sao? Nghe vừa mừng, vừa thấy xót xa cho cái tuổi “xưa nay hiếm” của một quán cà phê. Chợt ngậm ngùi khi nghĩ đến bao đời người đi qua quán biền biệt không quay lại. Ông chủ Vĩnh Ngô ra người thiên cổ. Các con gái tiếp quản, có người đã ngấp nghé tuổi “cổ lai hy”.
Sống sao cho hợp thời
Đến quán thân thiết, tôi lại được nghe chuyện xưa, từ thời quán này trơ trọi ở một khu đồng không mông quạnh nhiều thứ hỗn tạp xung quanh. Để rồi ông chủ Vĩnh Ngô mới cao hứng nghĩ ra hai từ Cheo Leo khi khách hỏi tên cho tiện bề hẹn bạn bè. Ông chủ vốn là con cháu hoàng tộc nên cũng phải thi văn hơn người là vậy. Giờ xung quanh Cheo Leo ken đặc nhà cửa, khu quận 3 nhà đất nóng phỏng tay chứ chẳng chơi. Nhưng mặc kệ mọi cơn biến dời, mọi thứ kể cả sự đổi vị thưởng thức cà phê của dân Sài Gòn, Cheo Leo vẫn ở đó, vẫn theo kiểu trăm năm như một từ trước đến giờ.
Ở lâu với Cheo Leo mới biết, quán không “khăng khăng” giữ nét xưa của mình mà vẫn có những đợt… tống tiễn mấy món đồ đã lỗi thời. Nhưng cái kệ của ông Vĩnh Ngô, cái chậu trầu bà, lối pha chế, lu khạp, bếp lửa thùng phuy là phải giữ. Cheo Leo lại bừng sáng, sạch đẹp hơn và hồn vía vẫn ở đó.
Bọn trẻ như tôi ở đây nhiều lắm. Yêu cái không khí Sài gòn xưa thì còn đâu tuyệt hơn nơi đây. Đúng từ chất đến hình. Không cần giả cổ, không cần vặn vẹo cho cái cũ, mọi thứ xưa - nay cứ tự nhiên đan xen nhau mà không bị phân biệt đối xử.
Vị ngon gây nhớ
Dù trăm sự đổi dời nhưng ly cà phê vợt ở đây vẫn thế. Công thức pha chế từ thời ông Vĩnh Ngô để lại vẫn hút khách đến hôm nay. Lắm kẻ như tôi đến Cheo Leo khởi đầu vì mỹ từ “quán cà phê xưa nhất Sài Gòn” nhưng rồi ở lại mải miết vì người, vì ly cà phê ngon gây nhớ. Vô góc bếp, khách vẫn thấy những chiếc lu lắng nước máy màu men vàng nâu vẫn còn đó. Nhiều người nói bí quyết Cheo Leo là đây, nước pha cà phê mất mùi khó chịu từ hóa chất xử lý của nhà máy cấp nước. Bếp nấu cà phê có từ thời xưa thiệt xưa được chế từ thùng phuy vẫn đỏ lửa ấm áp.
Giữa bếp là nồi nước được các cô chủ giữ cho sôi già để pha cà phê. Xung quanh là 3 siêu cà phê bằng sành - loại dùng để nấu thuốc bắc, bên trong đựng vợt vải chứa cà phê. Khi có khách gọi thì các cô rót cà phê nóng hổi trong siêu sành này ra. Nếu khi làm món cà phê đen hay cà phê sữa nóng thì còn thêm một bước khác là trụng ly để giữ mọi thứ luôn ấm nóng. Cô Ba cho biết: “Ông để lại sao, thì cô pha y chang vậy. Chỗ giao cà phê trước giờ, mấy chục năm, cũng không dám đổi vì sợ không ra Cheo Leo”.
Cà phê vợt nay đã hiếm nhưng để ngon được như Cheo Leo thì lại cực hiếm. Chỉ cần nhìn lượng khách tấp nập mua về là đủ thấy điều đó. Vị của Cheo Leo không đậm bằng kiểu cà phê phin thông thường. Nhưng chính vị nhẹ đó lại là điều gây nhớ. Ít đắng, ngọt hậu, mùi thơm kiểu “cổ điển” của cà phê Việt Nam và lưu hương lâu. Tôi thì mê ly bạc xỉu nơi đây vì cà phê thơm thoảng, lại béo sữa. Hai thứ nhẹ kết hợp với nhau tạo một cảm giác êm êm hơn nhiều nơi khác. Một món hơi khác của quán là cà phê sữa nóng với chút bơ lạt để tăng độ béo và mùi thơm ngậy.
Cheo leo nay đã cấm hút thuốc
“Ê Cheo Leo có phây kìa mày. Cô Ba có phây riêng luôn đó, dữ dằn hông?”, thằng bạn gọi điện thoại la toáng với tôi khi thấy quán chịu cập nhật công nghệ. Trang facebook dễ thương, kiểu trò chuyện cũng tâm tình y chang mấy cô ngoài đời. Hình ảnh, đồ họa được người cháu làm đẹp đẽ, có cả phần tiếng Anh cho khách nước ngoài.
Trước đây chưa có những kiểu chia sẻ công nghệ thì Cheo Leo yên tĩnh hơn, là của riêng một số người. Nhưng giờ quán thường vỡ trận vì lượng fan ngày càng đông đảo. Cheo Leo còn đón cả khách nước ngoài, mời vào tận bếp coi cách pha.
Cách đây gần hai năm, Cheo Leo làm chuyện rất… tày đình là thay đổi truyền thống “cà phê - thuốc lá” của quán khi mời mấy anh hút thuốc ra khu bàn phía trước nhà ngồi uống. Khu trong nhà chính thức trở thành phòng “máy lạnh”- theo cách nói cô Ba. “Chỉ có mấy ông trẻ là khó chịu, chứ mấy chú thì hiểu chuyện ủng hộ liền. Mà mất khách cũng chịu, chứ giờ nhiều khách đến thăm, có cả con nít thì mình phải phân thành khu cho văn minh thôi”- cô Ba cương quyết. Bởi vậy bọn tôi thường nói, quán đời xưa nhưng rất chịu sống cho đời nay là vậy.
Và tôi nhớ người
Ở Cheo Leo, ít ai ngồi đồng cả buổi, vì có lẽ quán chẳng có gì ngắm ngoài ly cà phê và mọi người xung quanh. Có thể ơi ới nói chuyện, dễ bắt thân, nhất là với sự xúc tác của cô Ba. Nếu không thì tập trung nhâm nhi ly cà phê và trôi trong dòng nhạc xưa của Cheo Leo. Cheo Leo có những nhân vật lạ lắm nhưng vắng mặt vài bữa thể nào cũng có người hỏi “ủa thằng đó đâu? Chú đó đâu rồi cô Ba”.
Còn tôi, giờ chợt nhớ cái lần cô Ba giận thằng em họ vì dám yêu cầu quán vặn nhỏ nhạc xuống. Nhớ cái chu đáo của cô Ba, ai dùng ghế thay bàn thì cô Ba phải để ly cà phê lên cái dĩa nhựa nhiều màu cho tươm tất rồi mới chịu đặt lên. Rồi bỗng thấy thèm khi vừa dừng xe, cởi khẩu trang cô Ba ồ lên: “Thằng quỷ P. tưởng ai. Để xe bên kia đi. Đi theo con ghệ nào mà giờ mới ghé cô Ba”. Mà tôi có bao giờ đi xa quá đâu.
Sài Gòn còn nhiều quán cà phê vợt nổi tiếng khác. Quán cà phê cô Tuyết trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận. Quán cũng có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, ngồi vỉa hè, nổi tiếng hoạt động 24/24 hiếm khi nào đóng cửa trong năm.
Quán cà phê ông Thanh trong khu chợ Thiếc, Q.11 lại theo kiểu Hoa. Quán nhỏ xíu nhưng nét xưa cực đẹp thu hút nhiều tay máy trẻ đến chụp hình. cà phê Ba Lù hơn 60 năm tuổi trong chợ Phùng Hưng, q.5 thì lại nổi tiếng với chuyện tự rang xay theo kiểu bếp củi lửa thời xưa.
|
Phạm Dzoãn Đoàn