Chuyện ít biết về dì Bảy Huệ, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh

07/06/2022 - 12:18

PNO - Biết rằng không ai cản được bánh xe thời gian và quy luật sinh - lão - bệnh - tử nhưng sự ra đi của dì Bảy Huệ vẫn làm nhiều người ngỡ ngàng, thương tiếc.

 

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và phu nhân Ngô Thị Huệ. (Ảnh: Thư viện quốc gia)
Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và phu nhân Ngô Thị Huệ (Ảnh: Thư viện quốc gia)

Bà Ngô Thị Huệ, mọi người vẫn quen gọi là dì Bảy, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vừa qua đời. Biết rằng không ai cản được bánh xe thời gian và qui luật sinh - lão - bệnh - tử nhưng sự ra đi của dì vẫn làm nhiều người ngỡ ngàng, thương tiếc.

Tôi biết dì Bảy Huệ hơi chậm. Lúc đó dì nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Khi đương chức (dì từng là Vụ trưởng Vụ Quản lý Cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương) nhưng người dân hầu như không biết về thân thế của dì. Qua các hoạt động xã hội, dì Bảy Huệ ngày càng trở nên thân thiết, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân Sài Gòn và các tỉnh phía Nam.

Ai cũng khen dì phúc hậu, đẹp lão. Ngày thường dì  giản dị với áo bà ba, quần lãnh đen, những dịp quan trọng dì chọn áo dài. Trang phục của dì lúc nào cũng hai màu trắng, đen. Hi hữu lắm, mới thấy dì khoác thêm áo vest choàng ngoài áo dài. Nếu không có người "bật mí", ít ai ngờ rằng, dì Bảy Huệ mà mọi người luôn quý mến, rặt Nam bộ với mái tóc dài, bạc trắng, búi sau cổ là phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Năm 1997, Trung tâm dã ngoại Lửa Việt (tiền thân của Công ty du lịch Lửa Việt) phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức chương trình Liên hoan Những người con hiếu thảo. Liên hoan gây tiếng vang, được nhân rộng thành mô hình của TPHCM, dù lúc đó, bảo tàng chưa được công nhận là đơn vị sự nghiệp, còn Lửa Việt đang hoạt động thể nghiệm. Khi đó, dì Bảy Huệ đang làm Tổ trưởng Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ, cố vấn cho bảo tàng. Tôi nhớ mãi ấn tượng ban đầu về dì. Dì có giọng nói nhỏ nhẹ, truyền cảm, chân tình, phúc hậu.

Tôi coi dì Bảy như mẹ, dì coi tôi như người thân, tôi biết thêm nhiều thông tin thú vị về dì. Dì sinh năm 1918 ở Ngã Năm (nay là Sóc Trăng), tên thật là Nguyễn Thị Ngỡi, gia đình có 8 anh chị em. Dì tham gia cách mạng từ năm 11 tuổi, ăn chay trường cho đến khi trưởng thành. 18 tuổi, dì dược kết nạp Đảng. 19 tuổi là Huyện ủy viên Huyện ủy Cầu Ngang. 20 tuổi dì là Tỉnh ủy viên Trà Vinh và Cần Thơ, 21 tuổi là Liên Tỉnh ủy viên 6 tỉnh miền Tây, 22 tuổi là Phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, tham gia lãnh đạo Nam kỳ khởi nghĩa (23/11/1940).

Năm 1941, dì bị bắt lần thứ nhất dù bị địch tra tấn dã man nhưng dì vẫn kiên trung. Địch không tìm được chứng cớ nên buộc phải thả dì. Năm 1944, dì bị bắt lần hai. Khi quân Nhật giải giáp lính Pháp, dì vượt ngục về Bạc Liêu, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa tháng 8/1945.

Tháng 1/1946, dì Bảy là một trong 10 nữ Đại biểu Quốc hội Việt Nam (Nam bộ có 3 đại biểu nữ là Ngô Thị Huệ, Nguyễn Thị Thập 1908-1996, Trịnh Thị Miếng 1912-1989) khóa đầu tiên và là Đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV.

Trong những lần trò chuyện, dì hóm hỉnh kể chuyện dì suýt... ế. Người yêu của dì là Bí thứ Tỉnh ủy Hậu Giang, bị thực dân Pháp xử bắn năm 1942; dì bị bắt 2 lần và sau đó khối lượng công việc ngày càng nhiều và nặng nề, hầu như không có thời gian nghĩ đến việc riêng.

Năm 1948, dì lập gia đình với Xứ ủy viên Nam kỳ Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc, 1915-1998). Thời đó, 30 tuổi mới lấy chồng là chuyện hiếm. Hai người rất ít khi được bên nhau. Năm 1952, chú Mười Cúc ra Bắc, rồi năm 1954 vào Nam. Năm 1959, đang làm Trưởng ban Phụ vận Thành ủy Sài Gòn Gia Định, dì được điều ra Bắc, cùng các con là Hòa, Bình, Linh. Dì làm Vụ trưởng Vụ Quản lý Cán bộ Ban Tổ chức Trung ương. Mãi đến tháng 10/1975, cả nhà mới sum họp tại TPHCM.

Dì Bảy là thành viên khởi xướng và sáng lập Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM (dì là Phó chủ tịch), Bệnh viện miễn phí An Bình; nòng cốt trong việc vận động tài trợ. Tôi có tham dự một số buổi đấu giá tranh từ thiện và đưa nhiều đoàn bác sĩ mổ mắt miễn phí cho người nghèo ở Campuchia, Lào của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM. Mọi người ai cũng đặc biệt quý mến và kính trọng dì.

Tôi nhớ có lần gặp dì ở Ban Tuyên huấn (nay là Tuyên giáo) Thành ủy. Dì vẫn mặc bà ba, đội nón lá. Không ai nghĩ phu nhân cố Tổng bí thư lại bình dân như vậy.

Đi công việc chung, dì mới nhờ ô tô cơ quan. Việc riêng, dì cứ xe ôm cho tiện. Dì không muốn phiền con cái lẫn nhân viên. Mấy người chạy xe ôm chỉ biết dì là "bà Bảy Nam bộ", hay lì xì thêm mấy ngàn lẻ “để mua kẹo cho mấy cháu nhỏ ở nhà”. Do tính chất công việc và thuận tiện với tập thể, dì Bảy hết ăn chay trường nhưng vẫn giữ thói quen ăn uống thanh đạm. “Ăn uống giản dị, không lo nghĩ nhiều”, dì bảo

Nhờ dì Bảy, tôi hiểu thêm về những thủ lĩnh và nữ trí thức Nam bộ thời tiền khởi nghĩa, trong đó có bà Nguyễn Lục Hà (Hồng Châu, 1920-2017), vợ đầu của nhà thơ Nguyễn Bính. Trước khi mất, bà Hồng Châu được tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, tôi cứ nghĩ bà Châu là người nhiều tuổi Đảng nhất nhưng năm 2020, dì Bảy Huệ được tặng Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng.

Đầu năm 1999, Thành đoàn TPHCM chủ trương không thể có 2 đơn vị du lịch trực thuộc nên Lửa Việt đành chia tay, chọn ngày 26/3 làm ngày thành lập công ty, vẫn tiếp tục chất Đoàn trong các hoạt động xã hội, mở đầu bằng Hội Trung thu 1999 tại Dinh Thống Nhất dành cho hơn 6.000 trẻ em đường phố.

Thi thoảng tôi vẫn đến thăm dì, gặp cả dì Chín và chị Hòa, chị Bình. Khi tôi về, dì vẫn hay gởi chút trái cây, có lần dì tặng cuốn hồi ký Tiếng sóng bủa ghềnh (xuất bản 2011) của dì. Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tôi chưa dám ghé lại thăm dì, dù rất muốn nhưng sợ chẳng may lây bệnh cho dì.

Vợ chồng chị Hòa, rồi chị Bình con của dì đã đi tour Campuchia bằng đường bộ với Lửa Việt. Các anh chị đều bình dị, khiêm cung như mẹ mình. Trong đoàn, không ai biết các anh chị là con của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Bạn bè và những người thân của dì còn cho biết, thời bao cấp rất khó khăn, dì một tay đảm đang cả việc nước lẫn việc nhà, để chồng tập trung công việc lãnh đạo, đưa thành phố và đất nước đổi mới ngoạn mục.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008) từng viết về dì Bảy Huệ: “Ý chí và nghị lực của chị Bảy thể hiện đúng nghĩa là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, là một biểu tượng rất đẹp của người phụ nữ Nam bộ, phụ nữ Việt Nam”.

Thiết nghĩ, với những công lao to lớn đóng góp cho Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM và Bệnh viện miễn phí An Bình, dì xứng đáng mấy lần Anh hùng lao động. Dì vốn khiêm cung nên chẳng quan tâm nhưng đó là lẽ công bằng. Muộn còn hơn không!

Dì mất khi bước vào 105 tuổi đời, 87 tuổi Đảng. Nhiều người bảo dì Bảy Huệ mất nhưng không chết bởi tinh thần, cốt cách, đặc trưng ròng phụ nữ Nam bộ; nhất là nụ cười lạc quan tỏa sáng vẫn sống mãi với đời.

Nguyễn Văn Mỹ 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI