Chuyện hết vui ở một khách sạn

23/11/2019 - 11:46

Chuyện dịch vụ cũng như chuyện hôn nhân, khi không phấn đấu nữa là hỏng

Ở một thành phố nhỏ kia có một khách sạn rất dễ thương. Nhưng giờ đây nó bắt đầu sa sút, và cái sự sa sút này biết đâu sẽ chỉ là ngắn hạn (hy vọng thế).

Khách sạn ấy hội tụ đủ những thứ cần thiết cho một khách trung bình. Phòng tầm 400-500K, bước một bước là ra khu chợ đêm, bước hai bước ra tới khu trung tâm, mặt trước là khu bia bọt Tây, mặt sau là con đường vắng với cảnh trí bình dân rất duyên của ngóc ngách phố nhỏ. Khách sạn thuở ấy lúc nào cũng đầy khách, có những người lần nào đến thành phố này cũng ở đây, khiến đám bạn địa phương phải hỏi, sao cứ ở mãi đây?

Chuyen het vui o mot khach san
 

Rồi khách sạn ấy đổi chủ. Thay đổi đầu tiên là nhân viên đồng phục hết và nói năng cứng cỏi. Thay đổi thứ hai là nhà tắm có thêm những chai dầu tắm, dầu gội rất to, rất thơm. Thay đổi thứ ba là một mùi khó chịu, chua chua hơi giống có người đi nhậu về nôn, cứ thế phảng phất trong phòng, đặc biệt là sau khi tắm ra. Tìm mãi mới phát hiện thủ phạm chính là mấy đôi dép tổ ong. Chúng bằng chất nhựa gì chẳng hiểu mà cầm lên cái nào cũng có mùi chua chua khó chịu kia, đặc biệt là khi ướt nước. Mách lại cho các cô lễ tân giờ đã đồng phục nghiêm chỉnh; các cô gật gù có vẻ ghi nhận; nhưng quay lại lần sau, lần sau nữa vẫn thế, vẫn những đôi dép tỏa ra mùi chua chua như mùi chất ói.

Nhưng lần này, chuyện bực mình nhất là wifi. Ai cũng biết thời này mà không có wifi thì cũng gần như bị cúp điện cúp nước. Phải làm việc trên cái laptop quên mang theo cục 3G, wifi chỉ có một vạch tí ti của sóng, chập chờn phập phều như màn hình nhịp tim người hấp hối, bấm vào trang nào là trang đó xoay chầm chậm như đến muôn thuở. Gọi cho lễ tân, lễ tân “Dạ, dạ”. Đến chiều đi uống cà phê về, lễ tân lại cũng “Dạ, dạ!”. Đến sáng hôm sau, lại vẫn “Dạ, dạ”. Đến trưa thì phải báo hủy phòng ngày tiếp theo, không phải vì không thể sống do thiếu wifi, mà vì cái màn “Dạ, dạ” cho qua chuyện rồi chẳng làm gì cả, cứ như coi mình là trẻ con. Lúc ấy dưới nhà mới hối hả chạy lên một anh kỹ thuật, cũng đồng phục áo cổ tàu, thử thử, bấm bấm, nhưng mọi việc đã muộn rồi. Chừng đó thời gian đủ để một người khách đã từng ở đây cả chục năm nhận ra thêm bao nhiêu là lỗi lầm của khách sạn…

Y như một cuộc hôn nhân tàm tạm không có chuyện gì thì phiên phiến cũng xong, nhưng nếu có chuyện thì mọi thiếu sót đều nổi lên to tướng. Khách bỗng nhận ra nào là khách sạn này suốt bao năm, qua hai đời chủ vẫn không lắp nổi cái giá để bàn chải; cái bồn cầu hóa ra cọ rất ẩu; đèn đọc sách đã hỏng công tắc bấm mà người ta không chịu thay; chăn gối có mùi dầu gió như mới đắp cho cụ nào ốm. Rồi đến cả con đường sau lưng yên tĩnh thế mà đêm nào cũng có một con chó nhăng nhẳng sủa, chủ không hề mắng…

Vạch vòi ra những cái lỗi từ bé đến to chỉ để thấy việc mình sắp bỏ sang khách sạn khác là đúng. Khách thấy mình sao mà giống các ông chồng đang ngoại tình, phải nghĩ ra bao nhiêu sự thất thố của một bà vợ vì quá thân mà thành suồng sã….

Lên xe rồi, gật đầu chào anh trực cổng mà có phần ân hận. Nghĩ mình có cố chấp quá không… Nhưng đến khi bước vào căn phòng của một khách sạn mới giá cũng tương đương, không ngửi thấy mùi ói chua chua của nhựa dép, wifi chạy nhanh như ở nhà, thì bao nhiêu thương cảm trên xe đều bay biến. Nghĩ ở đời người với người gặp nhau cũng có kỳ hạn, nói kiểu mỹ miều và có tí hơi nhà Phật là khi hết duyên thì phải xa thôi. Người ta chỉ còn “duyên” với nhau khi còn phấn đấu vì nhau. Đây đã chẳng phấn đấu vì khách, lại là quan hệ có tính tiền, lúc này mới bỏ đi e cũng là hơi muộn.

Mạch Nha

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI