Chuyện giữ nghề ở làng hoa trăm tuổi

29/01/2019 - 06:00

PNO - Với người Sa Đéc, trồng hoa, làm hoa không đơn giản là cái nghiệp sinh nhai mà đã trở thành nét văn hóa để nhớ, để thương, để giữ gìn qua bao thế hệ.

Về Sa Đéc những ngày tháng Chạp, không khí mơn man, se lạnh trong nắng vàng ấm áp cuối năm khiến lòng người nôn nao, chộn rộn. Len lỏi trong từng con đường, mỗi con rạch nhỏ, hoa lá chen chúc như mời gọi, báo hiệu xuân về trên khắp quê hương. Ẩn sau màn sương sớm dần hé mở khi nắng lên giữa đồng, làng hoa Sa Đéc hiện ra rực rỡ sắc màu. 

Chuyen giu nghe o lang hoa tram tuoi
Một góc làng hoa Sa Đéc nhìn từ trên cao

Người ta nao lòng trước những ruộng cúc mâm xôi vàng ươm trải dài hút mắt trong hương thơm thoang thoảng của buổi sớm mai. Sắc đỏ thắm, hồng đào, vàng tươi, trắng thanh khiết... của những cánh hoa hồng mỏng manh rung mình khe khẽ trước gió tạo nên chất thơ mộng, hữu tình của làng.

Chuyen giu nghe o lang hoa tram tuoi
Những ruộng cúc mâm xôi phủ lên sắc vàng rực rỡ cho làng hoa ngày vào xuân

Mào gà, tiger, dừa cạn, sao nhái, vạn thọ, xác pháo, đồng tiền, thạch thảo, mãn đình hồng, thược dược và hàng nghìn loài hoa khác góp hương khoe sắc tạo nên những “dải lụa” màu giữa sắc xanh ngút ngàn của ruộng đồng nơi miền Tây thôn dã. Mỗi độ xuân về, hai tiếng Sa Đéc được nhắc đến như miền ký ức tươi đẹp, nơi ươm mầm và mang mùa xuân đến nhiều nẻo đường đất nước trên những chuyến xe hàng hay những ghe, tàu neo đậu bến quê.

Chuyen giu nghe o lang hoa tram tuoi
Những sắc hoa rực rỡ tô điểm cho đất trời ngày cận tết.

Làm giàu từ làng

Nhắc đến Sa Đéc, người ta nghĩ ngay đến hoa như người bạn tri âm tri kỷ khó thể tách rời. Nhưng khi hỏi làng hoa bao nhiêu tuổi, chẳng ai biết chính xác. Người ta vẫn quen gọi Sa Đéc là làng hoa trăm tuổi, như một sự bảo chứng về lịch sử. Con số ước chừng ấy không chỉ biểu thị cho thời gian mà còn mang nặng tâm tình của người dân nơi đây khi hoa và người cùng nhau bước qua nhiều thế hệ.

Từ khi mở mắt chào đời, người Sa Đéc đã thấy hoa, được nghe kể, nghe nói về hoa. Vì thế, không quá bất ngờ khi trẻ con nơi đây có thể thuộc làu tên của hàng trăm loại hoa và nắm rõ hành trình của chúng từ đồng ruộng đến những phiên chợ Tết huyên náo, nhộn nhịp. Hoa và người tuy hai mà một bởi đời hoa cũng lắm thăng trầm.

Chuyen giu nghe o lang hoa tram tuoi
Người Sa Đéc gắn bó với hoa như máu thịt bởi ngay từ thuở nằm nôi hoa đã theo họ vào trong giấc ngủ.

Làng hoa ở Sa Đéc phần lớn được giữ gìn theo hình thức cha truyền con nối qua nhiều thế hệ. Gia đình ít nhất cũng qua 2 đời làm nghề trồng hoa, nhiều nhất có thể đến 4 hoặc 5 đời. Qua hơn trăm năm, hình thức nghề nối nghề vẫn không thay đổi. Câu cửa miệng thường được nghe nhất từ người dân nơi đây vẫn là: “Nghề hoa cực lắm!”.

Ấy vậy, họ dường như không phải than trách mà chỉ muốn tâm tình, chia sẻ với khách phương xa đến thăm. Nụ cười tươi rói hiện trên gương mặt với nước da ngăm đen mặn mòi khiến cái chất mộc mạc, dân dã của người miền Tây được khắc hoạ đầy thi vị.

Làng hoa bao nhiêu tuổi cũng là ngần ấy thời gian người Sa Đéc bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đặc biệt, vào vụ hoa tết, sự cực nhọc lại nhân lên gấp bội, nhưng nụ cười thì chưa bao giờ tắt trên môi. Thời gian qua đi, người Sa Đéc vẫn cần mẫn với hoa cỏ nhưng nay đã khác trước.

Chuyen giu nghe o lang hoa tram tuoi
Nghề làm hoa ở Sa Đéc phần lớn đều theo hình thức cha truyền con nối kéo dài đến vài đời.

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật giúp việc chăm sóc hoa dễ dàng hơn rất nhiều với hệ thống máy móc tưới tiêu tân tiến, giúp tiết kiệm công lao động. Phân, thuốc mới cũng giúp người nông dân kiểm soát sâu bệnh tốt hơn. Bên cạnh đó, việc sản xuất ở làng hoa hiện cũng đi theo hướng nông nghiệp sạch, vi sinh, hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc hoá học do lượng khách du lịch đến đây ngày càng nhiều.

Dưới cái nắng chói chang của tháng Chạp, ngồi giữa đồng hoa tỉa những chậu cúc trước khi giao cho thương lái, anh Tài cười hiền, tâm sự: “Nhà tôi có đến 3 đời trồng hoa. Bây giờ việc trồng, chăm sóc đỡ cực nhọc hơn đời cha và ông nội rất nhiều. Việc vận chuyển cũng thuận lợi hơn giúp hoa không chỉ có mặt ở miền Tây mà còn đi đến nhiều tỉnh thành phía Bắc. Cực thì vẫn còn nhưng công sức nay đã được đền đáp xứng đáng hơn”.

Chuyen giu nghe o lang hoa tram tuoi
Anh Tài tỉa lại những chậu hoa cúc trước khi giao cho thương lái mang chúng ra chợ tết.

Chuyện người làm hoa chỉ đủ ăn đủ mặc hoặc thậm chí thiếu thốn chỉ còn trong quá khứ bởi nay diện mạo làng hoa đã thay đổi rất nhiều. Ông Trần Văn Tiếp, một người trồng hoa có tiếng tại Sa Đéc cho biết từ khi quy hoạch mở rộng làng hoa đến nay, người dân ăn nên làm ra từ hoa rất nhiều.

“Lượng khách du lịch đổ về đây ngày một tăng. Sự phát triển của làng hoa trong 3, 4 năm gần đây không ai có thể ngờ tới được. Trước đó, người dân chủ yếu trồng hoa và mang ra chợ nên đời sống bấp bênh, còn nay giao thương phát triển mạnh nên họ chủ động trong việc điều tiết, định giá cả. Bây giờ, người trồng hoa đầu tư đều biết được khả năng thu lợi nhuận được bao nhiêu rồi”, ông Tiếp chia sẻ.

Chuyen giu nghe o lang hoa tram tuoi
Khách du lịch chèo xuồng nhỏ tham quan ruộng hoa.

Trong số đó, không ít người trẻ chọn cách khởi nghiệp từ hoa cũng thành công từ cái nghề trăm tuổi này. Họ tiếp cận khoa học kỹ thuật nhanh, nắm bắt xu hướng tốt nên thành thạo hơn bậc cha, ông rất nhiều. Nghề hoa cực nhưng nay làm ra nhiều tiền nên người trẻ cũng rất mê. Ngày trước làng hoa Sa Đéc chỉ nhộn nhịp khi bước vào mùa tết thì nay sôi động quanh năm. Hết mùa kiểng tết, người ta lại bắt tay ngay cho những vụ hoa tiếp theo. Cứ như thế, hoa từ làng toả đi khắp phố thị.

Chuyen giu nghe o lang hoa tram tuoi
Ông Trần Văn Tiếp, một nông dân nổi tiếng ở Sa Đéc với khu vườn trồng hoa, cỏ màu tím.

Ông Tiếp hồ hởi cho biết học trò ông ngày xưa nay đã thành nhiều ông chủ, bà chủ tại làng hoa này, nắm giữ khối tài sản lớn trong tay. Cũng nhờ thế, lực lượng nối nghiệp tại làng hoa cũng đang trẻ hoá dần. Giữa cánh đồng cúc đang trổ vàng ươm, anh Ngân chỉ tay về hướng xa nơi những người trẻ chỉ vừa đôi mươi đang thoăn thoắt chăm bón cho những chậu hoa đang chờ tết, như một tín hiệu vui của làng.

Men theo con rạch nhỏ, căn nhà của ông Năm khiến du khách thích thú bởi sắc tím, xanh trải rộng từ bến nước lên sân nhà của thạch thảo, nữ hoàng xanh. Con trai của ông, anh Lợi năm nay bước sang tuổi 35 đang cần mẫn đếm từng chậu hoa rồi thống kê lượng hàng đã xuất đi trong ngày. Cảnh cả gia đình cùng nhau quây quần lao động trong nắng chiều tháng Chạp càng khiến dư vị ngày cuối năm thêm đậm đà.

Chuyen giu nghe o lang hoa tram tuoi
Anh Lợi chăm sóc những luống hoa trước nhà đang vào độ nở rộ

Anh Lợi cười bảo trước khi tiếp nối nghề của gia đình, anh đã có 5 năm đi làm cơ quan nhưng cuối cùng vẫn rẽ hướng. “Đi làm bên ngoài dù đồng lương ổn định, nhàn hạ hơn nhưng gò bó về thời gian, không gian lắm. Còn nghề hoa tuy cực nhưng cho tôi điều tôi cần nhất là sự tự do, thong thả để mỗi ngày qua đi đều vui, đều đẹp”, anh nói bằng chất giọng miền Tây đặc sệt.

Giữ nghề, giữ làng

Hoa là đời, mà đời thì không có bức tranh nào được phủ hoàn toàn bởi sắc hồng. Đi đôi với sự phát triển của công nghệ, những người giữ làng cũng đối diện không ít khó khăn, đặc biệt khi yếu tố thật, giả trên thị trường còn lẫn lộn. Giữa cánh đồng cúc đang vào vụ thu hoạch, anh Ngân đăm chiêu nhìn sang thửa đất bên cạnh, nơi mùa tết trước người bạn của anh đã mất trắng. 

“Phân, thuốc bây giờ có tiến bộ thật nhưng lượng phân, thuốc giả trên thị trường cũng khiến người dân khó lường trước được. Năm trước, bạn nghề của tôi trồng cúc, đã đến ngày bung nụ, nhưng chỉ một lần rải phân, chúng chết sạch. Đến cửa hàng thì họ lại dửng dưng nên chỉ còn biết kêu trời. Xem như một mùa tết mất trắng”, anh trầm ngâm thở dài.

Chuyen giu nghe o lang hoa tram tuoi
Anh Ngân chăm sóc vườn hoa cúc cho kịp ra chợ tết

Nghề hoa nay đã tiến bộ, phát triển vượt bậc nhưng chuyện phụ thuộc thời tiết là điều không tránh khỏi. Buồn, vui của người làm nghề cũng lênh đênh theo từng tia nắng, hạt mưa, con nước lớn, nước ròng.

Hiện tại, thương lái đã đến tận vườn để thu mua nhưng cái lạ của người làng hoa ở chỗ cứ tết đến xuân về phải tự tay mang hoa ra chợ ngồi bán. Họ xem đây như thú vui khó  bỏ. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, họ phải đi để được giao lưu, để hiểu biết nhiều hơn và để cảm nhận rõ cái Tết đang về. Đã thành thông lệ, 23, 24 tháng Chạp trở đi, người làng hoa Sa Đéc lại tản đi khắp mọi khu chợ.

“Người làng hoa muốn làm giàu không khó, quan trọng là đầu óc phải nhạy bén, vừa học ở bậc lão thành, vừa tiếp thu cái mới, công nghệ tiên tiến. Chúng ta ra chợ không chỉ để buôn bán mà phải quan sát, tìm hiểu thị trường để biết khách hàng muốn gì. Có như thế mới tránh được cảnh buôn đổ bán tháo”, ông Trần Văn Tiếp chia sẻ.

“Bán hoa tại vườn 80.000 - 100.000 đồng/cặp lại không chịu, mang ra chợ nhiều lúc giá hoa xuống thấp phải bán đổ bán tháo 10.000, 20.000 đồng. Nhưng năm nào không đi thì tết buồn lắm. Nhiều lúc, chúng tôi nghĩ mình mang mùa xuân cho mọi người nhưng đôi khi mùa xuân cũng không về với người trồng hoa”, anh Ngân chia sẻ.

Tuy nhiên, cái tính của người miền Tây là vậy, sống thoáng, nghĩ thoáng nên nỗi buồn sau những phiên chợ tết cũng qua nhanh lắm. Thua keo này lại bày keo khác, cứ thế, hoa và người quấn quýt bên nhau không rời.

Chuyen giu nghe o lang hoa tram tuoi
Buồn vui của người trồng hoa cũng lênh đênh theo từng cơn mưa, đợt nắng

Làng hoa Sa Đéc giờ cũng đang đối diện với sự thâm nhập của nhiều loại hoa kiểng Trung Quốc với mẫu mã, màu sắc đẹp, bắt mắt. Theo chia sẻ của một lão nông kỳ cựu nơi đây, có hộ nhập hàng Trung Quốc lên đến 50% để bày bán. Trong khi đó, để vận chuyển lượng hoa này từ nơi xa xôi về đến Sa Đéc lại cần rất nhiều thuốc bảo quản nên có khả năng gây hại cho người tiêu dùng. Về mặt bằng chung, sức cạnh tranh của những loài hoa bản địa vẫn đang chiếm ưu thế, nhưng làng hoa cũng không được chủ quan.

Chuyen giu nghe o lang hoa tram tuoi
 
Chuyen giu nghe o lang hoa tram tuoi
Những giống hoa kiểng ngoại nhập cũng là mối nguy với loài hoa bản địa.

Làng hoa phát triển, người Sa Đéc có cuộc sống no ấm, đủ đầy hơn nhưng đôi lúc hoa cũng không phải là lựa chọn cho bước đường tương lai của họ. Lớp người giữ nghề ở làng đang trẻ hoá là có thật, nhưng không là số đông.

Chỉ tay về một căn nhà tường khang trang, chị Út bán nước cho biết gia đình này có truyền thống trồng hoa đã 3 đời nhưng nay 2 người con trai đều làm trong lĩnh vực kinh doanh, không liên quan gì đến hoa cỏ. Chuyện người nhưng chị cũng tự xem là chuyện mình bởi khi gắn bó với làng hoa, ai cũng mong thế hệ kế thừa ngày một đông đảo hơn. “Hai đứa trẻ không theo nghề, ai sẽ giữ nghề cho gia đình họ”, chị nhìn xa xăm.

Chuyen giu nghe o lang hoa tram tuoi
Anh Hoàng chăm những giàn hoa đang vào vụ

Sẽ không có đúng hoặc sai trong câu chuyện này, bởi đơn giản là sự lựa chọn. Nhưng người ta vẫn tin rằng khi thương hiệu làng hoa Sa Đéc vẫn còn đó, làng hoa ngày một phát triển và “máu” làm hoa kiểng luôn tồn tại trong mỗi con người xuất thân nơi đây thì chuyện giữ làng, giữ nghề không quá gian nan. Bởi với họ, nghề hoa không chỉ là kế sinh nhai mà còn là nét văn hoá ăn sâu vào tâm thức.

Bài, ảnh: Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI