Chuyên gia Y tế Anh: Biến thể Omicron không đáng lo ngại bằng biến thể Delta

27/11/2021 - 21:34

PNO - Trái ngược với những hoang mang của nhiều quốc gia khi chứng kiến sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, chuyên gia Y tế Anh cho rằng, không nên quá lo lắng.

Biến thể Delta là đáng lo ngại đối với nước Anh hơn là biến thể COVID-19 mới xuất hiện, một chuyên gia y tế hàng đầu nước Anh phát biểu ngay trong thời điểm nhiều nước trên thế giới đang tỏ ra lo lắng vì biến thể Omicron.

Giáo sư Chris Whitty cho rằng, biến thể delta là đáng ngại hơn biến thể mới Omicron - Ảnh: Reuters
Giáo sư Chris Whitty cho rằng, biến thể Delta là đáng ngại hơn biến thể mới Omicron - Ảnh: Reuters

Giáo sư Chris Whitty, Giám đốc Y tế và là nhà tư vấn hàng đầu cho chính phủ Anh trong phòng chống dịch bệnh cho rằng, việc thực thi các biện pháp hạn chế nhập cảnh nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan biến thể mới vào nước Anh là điều cần thiết.

Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo rằng, việc áp đặt bất cứ hành động ngăn cấm nghiêm khắc hoặc cực đoan nào cũng sẽ không có được sự ủng hộ của công chúng. Thay vào đó, nên tập trung giải quyết các mối nguy hiểm trước mắt, đó là biến thể Delta “vốn rõ ràng là mối quan tâm chính của chúng ta trong thời điểm từ nay cho đến Giáng sinh”.

Hôm thứ Sáu (26/11), tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt lại tên cho biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 là Omicron, đồng thời tuyên bố đây là biến thể đáng quan ngại với những ca mới được phát hiện tại Israel và Bỉ. Các nhà khoa học lo ngại biến chủng mới này có số lượng đột biến cao đồng nghĩa với việc nó trở nên “lờn” với vắc xin COVID-19 hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế đang cố trấn an công chúng khi nói rằng, sự xuất hiện của biến thể mới này “không phải là ngày tận thế”.

“Chúng ta hiểu rằng, các biến thể mới sẽ xuất hiện liên tục… Và sẽ có những điều chúng ta chưa kịp hiểu biết. Vì vậy, sẽ không hữu ích nếu cứ hành động dựa vào sự suy đoán”, giáo sư Chris Whitty nói.

Giáo sư John Bell, một trong những cố vấn cao cấp nhất về vắc xin của chính phủ Anh đồng thời là giáo sư ngành dược tại Đại học Oxford cho rằng, biến chủng mới này chỉ có thể gây nên “triệu chứng đau đầu và chảy nước mũi” cho những người đã tiêm vắc xin mà thôi, chứ không đến mức khiến người mắc phải nhập viện.

Tiến sĩ Angelique Coetzee, chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi thì mô tả các biện pháp hạn chế đi lại đang áp đặt lên quốc gia này cũng như phản ứng của các nước khác là "vội vàng một cách không cần thiết”, và không khác gì đang đối phó với “một cơn bão trong tách trà”.

Ngay trong tối thứ Sáu (26/11, giờ địa phương), Mỹ đã trở thành quốc gia mới nhất áp đặt lệnh hạn chế di chuyển cho các chuyến bay đến từ một loạt các nước châu Phi.

Nhiều du khách phải cắt ngắn lịch trình chuyến đi của mình do lo ngại biến thể mới sẽ khiến các quốc gia đóng cửa biên giới - Ảnh: Guardian
Nhiều du khách phải cắt ngắn lịch trình chuyến đi của mình do lo ngại biến thể mới sẽ khiến các quốc gia đóng cửa biên giới - Ảnh: Guardian

Các chuyên gia y tế nhận định rằng, Nam Phi có thể sẽ là nơi “đáng lo ngại hơn cả” bởi tỷ lệ tiêm vắc xin hiện đang ở mức thấp, chỉ 24% người dân được tiêm đủ 2 mũi.

“Có 2 phương pháp tiếp cận cho những gì đang xảy ra, đó là: chờ thêm các bằng chứng khoa học hoặc hành động ngay và điều chỉnh khi có thêm thông tin mới về biến chủng này”, Giáo sư Sharon Peacock, Giám đốc tổ chức COG-UK - một nhóm chuyên gia đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu của Anh chuyên theo dõi các biến chủng mới - nêu quan điểm.

Bà cũng cho rằng, sẽ tốt hơn nếu có những hành động quyết đoán, kịp thời và nhanh chóng hơn là chờ đợi cho đến khi có thêm bằng chứng rồi mới hành động "bởi có thể sẽ là quá muộn".

Nguyễn Thuận (theo Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI