Chuyên gia thiết kế trang phục điện ảnh: Văn hoá Việt trong trang phục trên phim chưa tinh tế

17/11/2018 - 20:00

PNO - Jose Mari Basilio Pamintuan (Joji), chuyên gia người Philippines, chuyên đảm nhận việc tạo dựng bối cảnh, thiết kế trang phục trong nhiều phim điện ảnh cho biết nhiều NTK Việt khá vụng về khi đưa văn hoá truyền thống vào thời trang.

Từ sau bộ phim Platoon (năm 1986) của đạo diễn Oliver Stone, phim làm về chiến tranh Việt Nam nhận được giải Phim hay nhất Đạo diễn xuất sắc nhất tại Oscar 1987, Jose Mari Basilio Pamintuan (Joji) đã tìm hiểu và tham gia vào rất nhiều phim điện ảnh Việt, với vai trò thiết kế sản xuất. 

Chuyen gia thiet ke trang phuc dien anh: Van hoa Viet trong trang phuc tren phim chua tinh te
Ông Jose Mari Basilio Pamintuan đảm nhận vai trò giám đốc mỹ thuật phim Người bất tử

Theo Joji, trước khi thực hiện phim từ bối cảnh phải quay ở đâu, ánh sáng phải đánh vào góc nào, màu sắc chủ đạo của phim… đều được bộ phận thiết kế nghiên cứu cẩn thận. Và, nếu như 10 năm trước, các ê-kíp sản xuất phim trong nước không có cái nhìn đúng về vai trò của người tạo dựng bối cảnh, thiết kế trang phục, thì hiện tại những công việc của bộ phận này đã được nhìn nhận đúng đắn. Các diễn viên tham gia phim từ chỗ phản bác cũng đã dần tôn trọng ý tưởng của bộ phận này. 

“Trong vòng 4 năm trở lại đây, điện ảnh Việt đã có những thay đổi đáng ngạc nhiên về cách làm phim cũng như những công việc liên quan để tạo ra một sản phẩm chất lượng. Các bạn bắt đầu quan tâm đến vai trò của thiết kế sản xuất, quan tâm đến thời trang và phục trang trong phim, đã dành nhiều thời gian tìm kiếm những bối cảnh tốt hơn… Chúng ta sẽ rút ngắn khoảng cách với điện ảnh thế giới nếu cố gắng từng ngày như thế”, ông Joji chia sẻ.

Trailer phim Người bất tử:

Joji từng học tập về điện ảnh tại nhiều quốc gia, tham gia sản xuất phim quốc tế Tại Việt Nam, ông góp mặt trong nhiều dự án phim của Việt Nam ở vai trò thiết kế sản xuất như: Thiên mệnh anh hùng, Để mai tính, Cô dâu đại chiến, Scandal, Cô hầu gái, Người bất tử… Trong đó, Để mai tính (năm 2010) là bộ phim đầu tiên ông tham gia cùng ê-kíp sản xuất phim tại Việt Nam.

Ở khía cạnh quảng bá văn hoá Việt Nam thông qua các bộ trang phục, Joji cho rằng nhiều nhà thiết kế Việt vẫn còn rất vụng về trong thực hiện. Ví dụ mới nhất được Joji dẫn chứng, là 6 trang phục truyền thống được các nhà thiết kế chuẩn bị để H’hen Nie dự thi Hoa hậu Hoàn vũ Quốc tế sắp tới đây, ông gọi đó là sự phô trương, không tinh tế.

“Hình ảnh bánh mì, lồng đèn trong trang phục truyền thống không thể hiện được văn hóa của Việt Nam một cách tốt nhất. Đó là phô bày mọi thứ ra nhưng lại thiếu đi sự tinh tế, điều rất cần với thời trang. Nếu muốn thực hiện những trang phục gây ấn tượng thì Thái Lan là một quốc gia có những thiết kế tốt, tinh tế”, Joji nhận định.

Chuyen gia thiet ke trang phuc dien anh: Van hoa Viet trong trang phuc tren phim chua tinh te

Trang phục  Hoa hậu Hoàn vũ Quốc tế không được ông Joji đánh giá cao.

Riêng trong những tác phẩm điện ảnh, Cô Ba Sài Gòn là bộ phim được Joji đánh giá cao về tính thẩm mỹ. Các phục trang và thời trang trong phim có thể ứng dụng được nếu biết cách phối với nhau. Theo Joji, Hàn Quốc là một quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển mạnh, kéo theo được thời trang cùng phát triển.

“Thời trang trong điện ảnh Hàn Quốc tạo thành xu hướng sau mỗi bộ phim. Đó là một việc làm rất tốt vì nhân vật không chỉ tồn tại trên phim mà có nhiều phiên bản khác ngoài đời. Một sự chuyển biến từ phục trang thành thời trang ứng dụng đời sống mà điện ảnh nhiều quốc gia không làm được”, Joji nói.

Trailer phim Cô hầu gái:

Ông chia sẻ thêm về bộ phim Sắc đẹp ngàn cân, phim remake 200 Pounds Beauty của Hàn Quốc, ở bản Việt do ông đảm nhận vai trò thiết kế sản xuất. Đây là bộ phim thành công tại Hàn Quốc, tạo được một cơn sốt về thời trang từ các nhân vật trên phim. Khi về Việt Nam, vì cách 10 năm so với bản gốc nên thời trang cũng phải thay đổi. Joji dành thời gian tìm hiểu về nhiều xu hướng thời trang khác nhau nhưng ông khẳng định, không thể thành công được như bản gốc.  

Thời trang trên phim là một câu chuyện dài đối với điện ảnh Việt. Cô Ba Sài Gòn từng tạo được xu hướng thời trang áo dài sau khi phim ra rạp. Theo ông Joji, để có một bộ phim thứ hai làm được điều tương tự sẽ rất khó, đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều khâu mà trong đó, vai trò của bộ phận thiết kế sản xuất phim phải được đề cao hơn nữa.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI