Chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai: Người già cô đơn, yếu ớt và dễ tổn thương hơn trong đại dịch

17/12/2021 - 11:57

PNO - "Trong đại dịch COVID-19, nhiều khách hàng cao tuổi nhờ tôi tư vấn tìm giải pháp cho tình trạng lo lắng, tự cô lập, thiếu tiếp xúc với người thân và xã hội. Họ không ăn được, không ngủ được và như thế dễ sa sút sức khỏe", chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai cho biết.

Tôi vẫn nhớ lần đi nói chuyện chuyên đề về người cao tuổi ở Q.Tân Bình, TP.HCM, có một cụ nghe xong chương trình đứng nấn ná và lát sau tiến lại nói với tôi: “Cảm ơn cô, nhờ cô mà ở tuổi này tôi sáng ra nhiều điều”. Cụ hỏi tôi nhiều câu hỏi, mà thật ra là những nỗi lo thì đúng hơn. 

Chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai
Chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai

 

Người già hay để ý và nhạy cảm

Cụ lo không biết sau này bệnh tật thì sao, con cháu có chăm sóc không hay bỏ rơi; khi cụ mất đi, các con có tranh chấp nhà cửa không, cụ nên lập di chúc như thế nào. Nỗi lo làm còng lưng trên hành trình tuổi xế chiều nên nhu cầu được giãi bày, san sẻ của người cao tuổi (NCT) luôn đầy ắp…

Một đặc điểm tâm lý của NCT là dễ tổn thương, người ta vẫn gọi người già là hai lần con nít. Trong đại dịch COVID-19, nhiều khách hàng cao tuổi nhờ tôi tư vấn tìm giải pháp cho tình trạng lo lắng, tự cô lập, thiếu tiếp xúc với người thân và xã hội. Họ không ăn được, không ngủ được và như thế dễ sa sút sức khỏe, giảm khả năng chống đỡ của cơ thể, dễ bị nhiễm bệnh và khi nhiễm bệnh rồi lại bi quan, không tin tưởng bác sĩ nên bệnh phát nhanh, trở nặng. 

Tuy nhiên, dịch COVID-19 tác động đến tâm lý, sức khỏe của NCT chỉ một phần, nhiều trường hợp chưa già, chỉ mới nghỉ hưu đã hụt hẫng. Khi còn làm việc, còn đương chức thì cấp dưới thăm nom, quà cáp, giờ lại hững hờ, quay mặt, cũng khiến họ chạnh lòng. Cộng với lương hưu không đủ sống, buộc phải cắt giảm chi tiêu, hạn chế giao tế cũng tác động tâm lý của NCT.

Một số người khắc khẩu ngay với bạn đời, mâu thuẫn với con ruột, con rể, con dâu, cháu… Nỗi buồn chi phối cộng với bệnh tật bắt đầu ập đến khiến không ít người chán chường, không muốn sống, không kiểm soát được cảm xúc của mình. Sức khỏe giảm sút, tóc bạc, răng rụng, NCT chấp nhận vì đó là quy luật tự nhiên, nhưng với những tác động về sức khỏe tinh thần thì thật đáng lưu tâm. 

Tuổi già gác lại công việc, “trọn gói” với gia đình nên đặt kỳ vọng lớn vào niềm vui với vợ/chồng con cháu trong không khí ấm áp, yêu thương. Người già thích được trò chuyện tâm tình với con cháu, được con cháu chăm sóc, quây quần bên mâm cơm gia đình. Tâm trạng NCT an tâm và vui mừng khi con cháu về đến nhà, tuy nhiên, nếu con cháu về nhà chỉ chào một tiếng rồi đi thẳng lên phòng riêng hoặc bấm điện thoại suốt khiến NCT không khỏi buồn tẻ, trống trải, thất vọng, lại thêm lo cho viễn cảnh sau này. 

Nhờ con chút việc, con nhăn nhó, viện cớ hoặc hẹn lần hẹn lữa sẽ khiến người già tự ái và có cảm giác cuộc sống của mình thừa thãi, vô ích. Có những mong ước của cha mẹ già, con không tâm sự, không kiên nhẫn lắng nghe, tìm hiểu, đã vội cho rằng do già nên trái tính trở nết. Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, con cháu có người hiếu thảo, tinh tế, có người thờ ơ, vô tâm để lại trong lòng người già bề bộn những nỗi niềm.

Người già cũng rất hay để ý và nhạy cảm. Những lời nói, động tác của con cháu có khi không nhắm đến ai, nhưng người già lại cảm nhận rằng chúng đang ném đồ đạc để tỏ bực tức với mình, chúng đang dằn mặt mình. Chính vì vậy, chìa khóa để mở cánh cửa hạnh phúc ở NCT là sự độ lượng, bao dung. 

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Lớp trẻ ngày nay va chạm xã hội nhiều, tiếp xúc văn hóa nước ngoài nên lối sống và ứng xử không giống cha mẹ dạy thuở nhỏ. Để tổ ấm vui vầy cần có sự thay đổi, dịch chuyển từ hai phía: Người già người trẻ lắng nghe, hòa nhập, học hỏi kỹ năng ứng xử, thích ứng nhau.

Người trẻ tất nhiên chưa có trải nghiệm tuổi già như thế nào nên việc thấu hiểu cho người già ít nhiều có một khoảng vênh, cần được cha mẹ ông bà cảm thông, buông bỏ, không xét nét. 

Chuẩn bị cho tuổi già từ khi nào và chuẩn bị gì?

Câu trả lời có thể khiến nhiều người bất ngờ là nên chuẩn bị tuổi già khi còn trẻ, thậm chí là một đứa bé.

Mỗi người cần chuẩn bị về sức khỏe qua chế độ dinh dưỡng, ăn uống, nghỉ ngơi, học tập, làm việc điều độ hợp lý để hạn chế nguy cơ đau ốm, bệnh tật khi tuổi già chưa đến, níu chậm tiến trình lão hóa. 

Niềm vui bên con cháu choán phần lớn trong niềm vui ở NCT. Nếu được chọn lựa, hầu hết NCT vẫn muốn sống chung với con cháu. Hạnh phúc lý tưởng này bắt nguồn từ sâu xa ở cách sống gương mẫu, nuôi dạy con cháu nên người, sống hiếu thảo, nghĩa tình, có học thức, có công việc ổn định. “Măng không uốn thì tre khó uốn”, giáo dục gia đình rất quan trọng và không đợi con lớn lên sẽ tự hiểu.

Ngày xưa, trong chương trình tôi học có rất nhiều bài về hiếu thảo, nội dung về hiếu thảo được lồng ghép xuyên suốt nên ăn sâu vào tâm thức của mọi người từ tấm bé. Điều đáng lưu ý nữa là cha mẹ phải đối xử công bằng với các con. Nếu quan tâm hơn với đứa thiệt thòi thì phải chia sẻ, giải thích để các con đồng thuận. Sự thoải mái, vui vầy của NCT là ở ứng xử giữa các thế hệ chứ không phải ở không gian sống riêng hay chung.

Ảnh mang tính minh họa

Ảnh mang tính minh họa

 

Ông bà xưa thường dạy, người khôn ngoan thì phải biết “lận lưng”, có nghĩa là phải tích lũy tài chính phòng khi ốm đau hoặc chủ động cho những kế hoạch cuộc đời. Tài chính càng vững vàng thì tuổi già càng độc lập, đỡ lệ thuộc và còn có thể giúp đỡ con cháu học tập, khởi nghiệp. Có những NCT không may mắn về đường con cái nhưng vẫn có chỗ dựa tinh thần rất tốt với người không ruột thịt mà rất đỗi thân tình, đồng cảm, tin cậy.

Bên cạnh chuẩn bị về tài chính, NCT cần chuẩn bị về tư tưởng, về mối quan hệ xã hội và tâm thế tham gia các hoạt động xã hội. Không bao giờ được để mình rơi vào tình trạng thân cô thế cô, thui thủi một mình, không một cuộc hẹn, không một dự định ngày mai. NCT cần tìm niềm vui trong công việc, tiếp tục cống hiến, để thấy ý nghĩa của cuộc sống. Công việc ở tuổi già không đặt nặng vấn đề kinh tế, mà chủ yếu mang lại giá trị tinh thần cho mình và cho đời. Việc giúp người sẽ khiến cho cuộc sống của NCT an vui, ấm áp, thiện lành. 

Nhà nước cần quan tâm hơn nữa, có nhiều chính sách an sinh xã hội theo kịp nhu cầu của NCT. Chăm lo đời sống vật chất tinh thần của NCT một cách thường xuyên, thiết thực chứ không chỉ hoạt động bề nổi. Xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục lòng yêu kính người già; tận dụng, nâng niu trí tuệ và kinh nghiệm của “cây cao bóng cả” - vốn quý của gia đình, đất nước.

Chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai

Hoài Nhân (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI