Chuyên gia tâm lý gợi ý cách để trẻ bước vào lớp một không bị "sốc"

31/08/2016 - 06:30

PNO - Bước vào lớp một là giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với cả bố mẹ và bé. Để con không bị "sốc", bố mẹ cần chuẩn bị tốt tâm lý cho con trong giai đoạn chuyển giao này.

Ngày khai giảng sắp đến, đây là khoảng thời gian vô cùng quan trọng, nhất là đối với những bậc cha mẹ có con chuẩn bị vào lớp một. Ngoài những lo lắng về việc lựa chọn trường lớp, thầy cô, thì công tác chuẩn bị tâm lý cho con trước khi bước vào môi trường mới cũng khiến không ít các bậc phụ huynh đau đầu. Vậy phải làm sao để tạo được cho con một tâm lý luôn vui vẻ, thoải mái mỗi khi đến trường, giúp việc tiếp thu kiến thức trên lớp trở nên dễ dàng hơn?

Chuyên gia tâm lý giáo dục Phạm Hiền sẽ giúp các bậc cha mẹ giải quyết vấn đề này.

Chuyen gia tam ly goi y cach de tre buoc vao lop mot khong bi
Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền.

1. Sự tự tin

Sự chuyển giao từ các lớp mẫu giáo, mầm non sang cấp bậc Tiểu học đồng nghĩa với việc các con phải xa rời những trò chơi, đồ hàng, xa rời sự quan tâm, chăm bẵm của các giáo viên trông trẻ để đến với cụm từ "Đi học" đúng nghĩa. Lần đầu tiên, các con cần phải biết thế nào là làm một công việc nghiêm túc, cần đến sự tập trung, ý thức và tinh thần trách nhiệm…

Những khái niệm mơ hồ và quá đỗi "lớn lao" ấy sẽ khiến không ít bé cảm thấy bỡ ngỡ, lo sợ để rồi dần trở nên rụt rè, mất tự tin.

Để tránh khỏi điều này, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền khuyên các bậc phụ huynh nên: "Tạo cho con tính tự tin tốt nhất, để khi con tiếp cận môi trường với các cô giáo mới, những nguyên tắc mới hay các bạn học mới thì con cũng không bị xa rời tính tập thể".
 

Chuyen gia tam ly goi y cach de tre buoc vao lop mot khong bi
Bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con trước khi vào lớp một.

2. Chuẩn bị cho con về áp lực từ trường lớp và thầy cô

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, việc để con biết trước về những áp lực, yêu cầu trong việc học tập cũng như sự nghiêm khắc từ các thầy cô sẽ khiến trẻ trở nên lo sợ và không thích thú đến trường.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Phạm Hiền: “Nội dung mình dạy con không quan trọng bằng cách mình ứng xử để dạy con. Điều này cần đi theo từng bước, từng bước một. Cụ thể như trong trường hợp này, ta có thể dạy trẻ theo hướng: để con biết được sự nghiêm khắc của thầy cô, nhưng nếu con ứng xử như thế này thì cô sẽ như thế nào. Đây là điều rất quan trọng để các bậc cha mẹ có thể tạo trước cho con tâm lý đón nhận, giúp con không bị hẫng hụt trước sự nghiêm khắc dạy bảo từ giáo viên”

3. Cách hòa nhập

Điều này cũng giống như ở trường mẫu giáo hay mầm non. Dù trong bất kì môi trường tập thể nào, việc giúp con hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa cũng là điều rất quan trọng. Sự hòa nhập làm con nhanh chóng có được nhiều người bạn mới, mang đến niềm vui, sự hào hứng cũng như giúp con có thể dễ dàng nhận được sự giúp đỡ của bạn bè mỗi khi gặp tình huống khó khăn.

Chuyen gia tam ly goi y cach de tre buoc vao lop mot khong bi

Nếu không các bé sẽ dễ dàng cảm thấy lạc lõng, buồn chán mà khi kéo dài sẽ có khả năng dẫn đến chứng tự kỷ đang sảy ra ngày một nhiều ở trẻ em hiện nay.

Chuyên gia Phạm Hiền chia sẻ: “Cha mẹ cần tạo cho con cách hòa nhập với các bạn trong tập thể lớp. Ví dụ cha mẹ có thể dạy con cách bắt quen, cách các con có thể nói chuyện với các bạn khi mình vừa mới gặp. Hoặc cách con có thể tương tác vui chơi với các bạn trong giờ ra chơi, cũng như cách tương tác với các bạn khi mình hỏi, trao đổi bài vở…”

4, Không nên cho con học viết, học tính từ quá sớm

Một điều lưu ý nữa mà chuyên gia Phạm Hiền muốn nhấn mạnh, đó là: “Trước khi vào lớp 1, cha mẹ có thói quen cho con đi học viết, học tính toán trước... Đó là sự quan tâm, lo lắng của bậc làm cha mẹ. Tuy nhiên, do lo lắng quá mà cha mẹ có thể cho con đi học trước trong thời gian quá dài, quá lâu khiến con khi vào học trong trường dễ gây ra tính chủ quan.

Chuyen gia tam ly goi y cach de tre buoc vao lop mot khong bi
Để chuẩn bị vào lớp 1, nhiều bậc phụ huynh đã cho con em mình đi luyện chữ, luyện Toán trước từ 1 đến 2 năm.

Việc đó có thể không phán xét thêm. Nhưng điều quan trọng là cha mẹ cần tạo cho con cách cũng như kiến thức để con tự ngồi học theo đúng giờ giấc, cũng như là thời gian con được nghỉ giải lao…”

5. Mẹo thực hành

Chuyen gia tam ly goi y cach de tre buoc vao lop mot khong bi
Tạo nên những tình huống thực tiễn luôn giúp trẻ tiếp thu nhanh hơn.

Để việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi vào lớp 1 được dễ dàng, giúp các bé có thể hình dung và hiểu sâu hơn, chuyên gia tâm lý cũng khuyên các bậc phụ huynh nên: “ Đóng vai làm giáo viên để dạy con điều gì đó. Từ đó, phụ huynh có thể hướng dẫn con cách hỏi lại thầy cô mỗi khi không hiểu bài, cách phát biểu, hay khi thầy cô nghiêm khắc dạy bảo thì con sẽ ứng xử ra sao…

Đó là hành trang cha mẹ nên chuẩn bị trước cho con từ khi ở nhà, trở thành những bài học trải nghiệm đầu tiên trước khi con vào lớp 1. Hay đôi lúc cha mẹ cũng có thể đổi vai trở thành học sinh, con làm giáo viên để các bé thực sự hiểu mỗi tình huống, từ đó có được cách cư xử đúng đắn nhất”.

Kim Cang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI