Khi mới sinh ra, Montgomery đã mắc bệnh tim - căn bệnh đã lấy đi sinh mạng của cả cha và anh trai của ông (anh trai ông qua đời lúc 35 tuổi, cha ông mất khi được 52 tuổi). Cuối cùng, ông cũng đã được ghép tim vào năm 2018, sau nhiều năm chờ đợi vì bệnh của ông không đủ nặng để được hiến tạng.
|
Bác sĩ Robert Montgomery |
Trong cuộc phẫu thuật ghép thận do bác sĩ Montgomery thực hiện vào tháng 9/2021, mặc dù bệnh nhân của ông đã chết não lâm sàng trước khi phẫu thuật, quả thận được cấy ghép vẫn hoạt động trong 54 giờ, đủ lâu để phát hiện ngay các phản ứng “từ chối” tiếp nhận của bệnh nhân. Đó là một dấu hiệu đầy hứa hẹn, cho thấy kỹ thuật cấy ghép “xenotransplant” (thuật ngữ y học của việc cấy ghép các cơ quan và mô của loài động vật khác vào người) có thể sớm trở nên phổ biến.
Cuộc phẫu thuật mang tính đột phá của bác sĩ Montgomery chỉ là khởi đầu cho những bước tiến đáng kể trong kỹ thuật cấy ghép xenotransplant trong những tháng gần đây.
Vào ngày 7/1/2022, David Bennett, một người đàn ông 57 tuổi bị bệnh tim giai đoạn cuối, đã nhận được một quả tim lợn biến đổi gen tại Trung tâm Y khoa Đại học Maryland. Sau phẫu thuật, ông Bennett có tình trạng sức khỏe tốt và vẫn “sống với trái tim lợn” đến nay.
Chỉ riêng ở Mỹ, có hơn 106.000 người trong danh sách chờ được phẫu thuật cấy ghép, và khoảng 17 người chết mỗi ngày do không nhận được thận, tim hoặc phổi, theo Tổ chức Ghép tạng Mỹ. Số người hiến tặng bộ phận cơ thể người cũng đang gia tăng - lên con số 12.588 người vào năm 2020, tăng gần 1.000 người so với năm trước - nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu. Trong nhiều trường hợp, để một bệnh nhân được sống, người một người khác phải hy sinh để hiến tạng.
Tuy nhiên, nhờ thực tế này có thể thay đổi nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật cấy ghép xenotransplant.
Nội tạng lợn được sử dụng trong cả 2 cuộc phẫu thuật gần đây là do Revivicor - một công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Virginia (Mỹ), đang nghiên cứu để sản xuất lợn biến đổi gen từ năm 2003 - cung cấp.
Một công ty mới khởi nghiệpnkhác - eGenesis - cũng đang tìm cách thu hoạch nội tạng lợn để cấy ghép, và đã huy động được 100 triệu USD trong năm 2019 để thử nghiệm lâm sàng các các bộ phận được cấy ghép theo kỹ thuật xenotransplant.
Thậm chí Smithfield Foods - công ty đóng gói và bán các sản phẩm từ thịt lợn như thịt xông khói, xúc xích - cũng đã mở một chi nhánh khoa học sinh học vào năm 2017, với khoản tài trợ 80 triệu USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ, để nuôi lợn chuyên dùng cho cấy ghép nội tạng.
Trong một cuộc khảo sát năm 1998, chỉ 42% số người Mỹ cho biết họ đồng ý với việc cấy ghép nội tạng lợn, trong khi 96% thích được cấy ghép nội tạng người hơn. Nhưng đến năm 2018, theo một cuộc khảo sát do Pew thực hiên, đã có gần 60% người Mỹ cho rằng có thể chấp nhận cấy ghép nội tạng của động vật biến đổi gen.
Một số tiến bộ trong việc nuôi lợn chuyên dùng cho việc cấy ghép nội tạng đã góp phần thay đổi quan điểm nói trên.
Bruno Reichart - một bác sĩ phẫu thuật cấy ghép đã nghỉ hưu và là Giám đốc điều hành của Xtransplant, một công ty đang muốn đẩy mạnh thương mại hóa việc cấy ghép tim từ lợn sang người - cho biết các nhà nghiên cứu đang tìm cách “nhân hóa” tim lợn. Cụ thể, họ đã nghiên cứu loại bỏ “alpha-gal”, một phân tử đường trong tế bào lợn, có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch của con người.
Thêm vào đó, công cụ chỉnh sửa gen CRISPR - được phát triển vào năm 2012, và đoạt giải Nobel hóa học năm 2020 - cũng được sử dụng để thay đổi một số gen khiến tim lợn phát triển quá lớn, đủ để nuôi sống một con lợn nặng đến 270 kg.
“Chúng tôi đã đã chỉnh sửa gen lợn để làm cho chúng giống gen người hơn”, George Church - nhà di truyền học là đồng sáng lập eGenesis - cho biết.
Cuối năm 2020, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã chấp thuận việc sử dụng khẩn cấp một lần nội tạng từ một con lợn GalSafe đã được biến đổi gen, do Revivicor nuôi. Động thái này đã thúc đẩy nhiều công ty đầu tư vào kỹ thuật cấy ghép nội tạng lợn vì lợi nhuận, nhưng đồng thời cũng kéo theo những mối quan ngại về việc quản lý lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ông Church cho rằng cấy ghép nội tạng lợn cho người vẫn sẽ là một xu hướng phát triển mạnh, vì những lợi ích thiết thực mà nó đem lại. Ông dẫn chứng, theo ước tính gần đây nhất, chi phí cho một ca cấy ghép tim ở Mỹ là khoảng 1,66 triệu USD, trong khi cấy ghép tim lợn cho người chỉ mất khoảng 500.000 USD.
“Từ tế bào máu, tế bào gốc, mắt, da, tuyến ức, tuyến tụy, xương, gân, dây thần kinh, tĩnh mạch, đến các cơ quan tiêu hóa…, tất cả đều đang hoặc sắp có thể thay thế được bằng mô lợn.
Trong khi việc cấy ghép tim và thận đang thu hút nhiều sự chú ý, những cuộc phẫu thuật cấy ghép các bộ phận khác với quy mô nhỏ hơn vẫn đang diễn ra hàng năm, đưa chúng ta đến gần hơn với lĩnh vực cấy ghép các cơ quan, bộ phận của lợn cho người. Lợn biến đổi gen hiện cũng đã được sử dụng để chữa nhiều loại bệnh khác, từ thay da cho vết thương bị bỏng, đến làm lành tổn thương giác mạc, giúp phục hồi thị lực”, ông Church cho biết.
“Tôi nghĩ rằng việc cấy ghép các bộ phận của lợn cho người sẽ trở nên phổ biến trong cuộc sống của nhân loại. Nếu không có bất kỳ trở ngại lớn nào, tôi nghĩ rằng mình sẽ thực hiện kỹ thuật cấy ghép xenotransplant thường xuyên trong 10 năm tới”, tiến sĩ Montgomery cũng nhận định.
Nhất Nguyên (theo The New York Post)