“Để ý thấy, phần lớn nữ doanh nhân ở ta hùng hục làm, hầu như chỉ để lấy công làm lời. Họ không nghĩ đến việc phải tổ chức như thế nào để giá trị của doanh nghiệp họ tiếp tục tăng trưởng bền vững, và được đánh giá cao khi muốn chuyển nhượng”, chuyên gia Trần Sĩ Chương chỉ rõ một điểm hạn chế của phụ nữ khi làm kinh tế.
Tại sao phải tranh đấu khi mình đã là một giá trị?
* Phóng viên: Ba năm trước, ông đã cùng hai cộng sự lập ra một công ty tư vấn chiến lược tài chính cho doanh nhân nữ và có lẽ, ở Việt Nam, cũng chỉ có công ty ông tập trung phục vụ đối tượng doanh nhân nữ trong lãnh vực tài chính. Tại sao, thưa ông?
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Tôi lại muốn hỏi ngược lại, tại sao không, khi mà nhu cầu của họ có, đóng góp cho xã hội của họ càng ngày càng cao? Liệu có công ty tư vấn tài chính nào phục vụ cho đối tượng này chưa? Trong kinh doanh, càng hạn chế càng tập trung. Càng tập trung càng thấu hiểu được vấn đề của người mà mình phục vụ, để phục vụ tốt hơn.
|
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương |
* Trước đây, phụ nữ thường vô tình bị đẩy dạt về một nền kinh tế phi chính thức và yên phận làm nội trợ, lao động tại gia, những công việc lặt vặt, có đóng góp không đáng kể về mặt kinh tế. Nhưng giờ đây, có vẻ, điều đó không còn đúng nữa?
- Đúng vậy. Người phụ nữ khi nào cũng phải đóng nhiều vai, vừa làm mẹ, làm vợ, và bây giờ phải làm ăn nữa. Ở vai nào, cũng bị áp lực cao là phải làm thật tốt. Họ vừa phải biết đối nội vừa phải biết đối ngoại... Thêm một vai, sự khó khăn lại tăng thêm một cấp số nhân, không phải số cộng. Ở Việt Nam, truyền thống gia đình mẫu hệ vẫn còn chi phối; tuy nhiên, điều đó thể hiện trong phạm vi gia đình là chính.
Ngoài xã hội, vai trò của người phụ nữ vẫn còn khá mờ nhạt. Trong xu hướng phát triển hiện nay, người phụ nữ càng gánh trên vai nhiều vai trò, áp lực của gia đình và áp lực của xã hội của họ càng tăng lên. Điều đó diễn ra không chỉ ở nước ta mà ở một số nước Tây Âu, Bắc Mỹ..., người ta cũng chưa giải quyết được tốt xung đột này. Bởi vậy, mới có những cuộc biểu tình tranh đấu, đòi bình quyền. Những người phụ nữ la lên, chúng tôi chưa được bình đẳng và phải đấu tranh.
Họ đòi chơi trên nhiều sân chơi. Họ đòi bình quyền vì họ bị thất thế? Tại sao lại đòi điều đó, khi thậm chí với chức phận làm vợ, làm mẹ ở nhà lo việc nội trợ, họ làm tốt, đó cũng đã là một giá trị lớn cho xã hội rồi? Không nói cái nào tốt hơn cái nào, nhưng rõ ràng, đàn ông đi ra ngoài làm việc, kiếm tiền và đàn bà ở nhà lo việc nhà, chăm sóc con cái, đó là một dạng phân công xã hội.
Với Hiến pháp năm 1946, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trên thế giới về bình quyền. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, chúng ta cũng phải nhìn nhận, phụ nữ có những khó khăn nhất định khi bước ra khỏi phạm vi gia đình của mình. Ví dụ, giữa một người nữ và một người nam có năng lực ngang nhau, khi ứng tuyển cùng một vị trí, xác suất cao là người nam sẽ được nhận. Rõ ràng, trong chuyện này, vì vấn đề giới chi phối, phụ nữ là đối tượng bị thiệt thòi.
Phải có những biện pháp tích cực để làm giảm áp lực cho phụ nữ, để họ có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Hỗ trợ người phụ nữ là một sự đầu tư cho xã hội. McKinsey là công ty nghiên cứu và tư vấn quản trị hàng đầu của Mỹ đã có một nghiên cứu về Việt Nam. Một trong những báo cáo của họ, đó là, nếu trong vòng 5 năm tới nước ta có những chính sách bình đẳng giới tính và nhận thức xã hội tích cực hơn thì đến năm 2025, nữ giới có thể đóng góp thêm đến vài chục tỷ USD cho GDP Việt Nam hàng năm!
Thúc đẩy chính sách chỉ là một mặt của vấn đề
* Nói về thúc đẩy chính sách thì cũng nhiều vấn đề lắm, thưa ông?
- Thúc đẩy chính sách chỉ là một mặt của vấn đề. Vì không phải chính sách nào đưa ra cũng hữu hiệu. Chưa kể, để ra một chính sách, mất rất nhiều thời gian. Ý nghĩa hơn, toàn xã hội phải nhận thức được vai trò quan trọng của người phụ nữ. Nếu có những biện pháp tích cực hỗ trợ người chị, người mẹ, người em, đồng nghiệp nữ của mình sống và làm việc tốt hơn thì mọi người đều được hưởng lợi rất lớn từ đó. Đó phải là một ý thức cơ bản của một xã hội hài hoà, tiến bộ.
Khi mọi người nhận thức được điều đó, tự nhiên, xã hội sẽ tiến hóa, vận động theo hướng tích cực hơn. Lúc đó, chẳng cần ai bảo ai cái gì, cũng chẳng cần thêm chính sách, cũng không cần Nhà nước phải rót ngân sách, càng không cần kêu gọi đấu tranh bình quyền. Đó là một xã hội rất hài hòa nếu ta làm được điều đó. Chẳng hạn, khi nhân viên nữ nghỉ thai sản, công ty phải cho rằng đó là một sự đầu tư, chứ không phải là một thiệt hại. Bộ phận nhân sự phải tìm cách thiết kế việc này ra sao? Nếu nghỉ, phải sắp xếp công việc như thế nào? Sau một vài tháng nghỉ thai sản, có thể làm thêm một khối lượng công việc ở nhà để có thể chăm sóc con tốt hơn?
|
Tỷ lệ quản lý cấp cao là nữ ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á - Ảnh: Internet |
* Nhưng thỏa thuận hữu cơ mà ông vừa nói, không phải là điều dễ dàng, nhất là trong xã hội ở ta?
- Đúng là không hề dễ dàng. Cũng không phải là chuyện ngày một, ngày hai mà thành. Ý thức đó phải được tạo lập liên tục, ngay từ trong giáo dục, đặc biệt từ thuở bé. Cần nhớ, đây là vấn đề chung của xã hội, đặc biệt là của người phụ nữ. Nếu người phụ nữ không có ý thức đầu tiên trong vấn đề này thì họ sẽ không chủ động. Sở dĩ, người đàn ông không nhận thức đúng đắn giá trị của người phụ nữ trong xã hội là xuất phát từ đâu? Có phải cũng từ mẹ và vợ? Điều đó làm cho ý thức bình đẳng giới trong xã hội mất cân bằng. Nói phụ nữ phải có ý thức dạy con cho tốt là vì vậy. Không có loại giáo dục nào tốt hơn giáo dục đi ra từ gia đình, từ cả cha lẫn mẹ.
Nhận thức hữu cơ này quan trọng hơn việc ngày mai phải có Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, hay ngày mốt Nhà nước phải có chính sách A ngày kia có chính sách B... Nên nhớ, không phải chính sách nào cũng tốt. Không khéo, chính sách còn trở thành yếu tố rủi ro, “ép phe” ngược. Chỉ khi nào mọi người hiểu, đầu tư vào người phụ nữ mang đến những cái lợi cực kì lớn, mang tính lâu dài và bền vững, thì khi đó mới hi vọng khác được.
Con người vẫn là yếu tố quyết định
* Qua một quá trình làm việc với các nữ doanh nhân, ông thấy phụ nữ Việt Nam làm kinh tế thế nào? Những ưu, nhược gì?
- Nói nôm na, họ rất chắc tay. Nếu là nhà đầu tư, gặp doanh nhân nữ, họ thường được đánh giá cao. Doanh nhân nữ chăm chỉ, tập trung, không màu mè, quan tâm tới người khác. Nếu để ý những phụ nữ thành đạt, sẽ thấy, họ không đi siêu xe, nữ trang, áo quần không xa xỉ mấy. Nếu sắm một món đồ gì đắt tiền, họ sẽ nghĩ con mình có sữa uống chưa, ở nhà bộ bàn ghế kia cũ chưa, giường đệm có cần thay không. Đó là bài học kinh tế mà tất cả kinh tế gia được dạy để cân đo đóng đếm giữa chi phí và lợi ích mang lại. Và cái lợi này không chỉ về mặt tiền bạc, mà còn về sức khỏe, tâm lý, xã hội,…
Về mặt kinh tế thuần túy, càng có nhiều người tham gia vào nền kinh tế, rõ ràng, càng làm nền kinh tế đó giàu mạnh hơn. Tuy nhiên, khi phụ nữ ra làm kinh tế, cần thay đổi những nhận thức về chính mình. Không ai phủ nhận những đức tính tốt đẹp thể hiện một số ưu thế của phụ nữ so với nam giới, như đã nói ở trên; nhưng cũng vì thế, họ không nghĩ đến những mục tiêu chiến lược ngay từ đầu cho việc kinh doanh của họ.
Họ nghĩ ngắn, chưa nghĩ dài, không dám nghĩ dài vì sợ rủi ro. Ít người nghĩ đến việc làm sao tăng giá trị doanh nghiệp của họ để sau 10-20 năm, có thể chuyển đổi, rút tiền ra hoặc bán lại… Đây là điều mà phụ nữ Việt Nam thường thiếu khi “nhảy” vào làm kinh tế.
* Đó có phải là vấn đề giới chi phối không, thưa ông?
- Có lẽ, vì đất nước chúng ta còn đang ở giai đoạn khó khăn, thoát nghèo. Trong hoàn cảnh những năm 1980, 1990 ấy, ai cũng nghĩ, phải làm sao cho đủ ăn đủ mặc cái đã, không nghĩ được những cái xa xôi khác. Đặc biệt phụ nữ thường nhạy cảm hơn với rủi ro trong kinh doanh. Giờ đây, điều kiện xã hội đã khác, ta cũng phải thay đổi tư duy mới theo kịp được sự phát triển của xã hội.
Câu chuyện này cũng giống chuyện ta mở toang cửa sổ, biết sắp xếp lại mọi thứ trong nhà. Cửa đóng lại, tối, sẽ chẳng biết sắp xếp sao cho thuận, đụng cái này đụng cái kia? Nếu nhà hỗn độn, khi cho thuê hoặc bán lại cũng không được giá. Câu chuyện kinh doanh cũng tương tự.
|
Người nữ bao giờ cũng phải đóng nhiều vai hơn người đàn ông, họ vừa làm mẹ, làm vợ và phải làm ăn nữa |
* Còn vấn đề công nghệ thì sao? Không ít phụ nữ nói rằng, đó là yếu tố cản trở họ nhập cuộc theo hướng mở…
- Ít phụ nữ học toán, tin học; nhưng không vì vậy mà phải tự ti. Vì thực ra, dù đó là công nghệ 4.0, 6.0 hay 8.0 đi chăng nữa, nó cũng chỉ là công cụ, phương tiện mà thôi. Liệu phụ nữ có cần phải biết rõ về Iphone 12, hay Iphone X… hay bất cứ máy móc, thiết bị tiên tiến mới ra nào hay không, khi cuối cùng, điều quyết định cho thành công của con người là ta biết ta muốn cái gì và tại sao? Là phù thủy công nghệ nhưng Steve Jobs từng nói rằng: “Công nghệ không là gì cả. Điều quan trọng là bạn phải có niềm tin vào con người. Những người về cơ bản luôn có sự cầu tiến và rất thông minh. Nếu bạn cung cấp cho họ công cụ, họ sẽ sử dụng chúng để tạo nên những điều tuyệt vời. Công cụ thì chỉ là công cụ mà thôi”.
Phụ nữ chẳng cần phải mặc cảm vì công nghệ. Cuối cùng, mẫu số chung của doanh nhân dù nam hay nữ, là một cái đầu óc tỉnh táo, biết mình muốn gì, tại sao, cần làm gì, và kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình. Ở bất cứ thời đại nào, ở bất cứ nền kinh tế nào, con người vẫn là yếu tố then chốt, đóng vai trò quyết định, dù bạn thuộc về giới tính nào đi chăng nữa.
* Xin cảm ơn ông.
Đậu Dung (thực hiện)