Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Đặc khu kinh tế - cần cân nhắc kỹ về 'tính mục tiêu'

08/06/2018 - 09:29

PNO - Đặc khu kinh tế, vốn được các nước coi là “phòng thí nghiệm” về thể chế, rất cần được sử dụng để thử nghiệm những thể chế quan trọng nhất về kinh tế thị trường đang cần hoàn thiện ở nước ta.

Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, còn gọi là Luật Đặc khu kinh tế (ĐKKT), tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành 3 ĐKKT ở nước ta. 

Đã có nhiều ý kiến đóng góp được đưa ra, một số đã được xem xét và điều chỉnh trong bản dự thảo cuối tháng Tư của ban soạn thảo luật gửi các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, về góc độ kinh tế - xã hội, tôi vẫn mong Quốc hội cân nhắc thêm một số vấn đề sau:

Chuyen gia kinh te Pham Chi Lan: Dac khu kinh te - can can nhac ky ve 'tinh muc tieu'

Bà Phạm Chi Lan

Trước hết là mục tiêu của ĐKKT. Kinh nghiệm quốc tế (được trình bày rõ tại hội thảo về ĐKKT diễn ra ở TP.Hà Nội ngày 18/5) cho thấy, yếu tố thành công đầu tiên của ĐKKT là có mục tiêu rõ ràng. Với nước ta trong giai đoạn hiện nay, theo tôi, có 2 loại mục tiêu quan trọng cần xác định rõ. Đó là mục tiêu về cải cách thể chế và mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.  

Về cải cách thể chế, chúng ta đang trong 2-3 năm cuối cùng thực hiện 3 đột phá chiến lược được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 do Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua và Đại hội lần thứ XII tiếp tục nhấn mạnh, trong đó cải cách thể chế là số 1. Riêng về kinh tế, còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nhằm đưa nền kinh tế nước ta phát triển mạnh hơn, hiệu quả hơn trên nền tảng những thành tựu to lớn đã đạt được sau 30 năm đổi mới.

Hơn nữa, với 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và 4 FTA đang đàm phán, nước ta có FTA với gần 60 quốc gia trên thế giới, tất cả đều dựa trên những nguyên tắc của kinh tế thị trường, trong đó có những FTA “thế hệ mới” với những cam kết rất cao như EVFTA, CPTPP. Cải cách thể chế, luật hóa các cam kết FTA là công việc trọng tâm nhằm thực thi các FTA và tận dụng các cơ hội, vượt qua các thách thức do chúng mang lại.

Đây là việc hoàn toàn không dễ dàng, tốn nhiều công sức và thời gian trong cả quá trình thiết kế lẫn thực thi, điều chỉnh để hoàn thiện, đặc biệt đối với một nền kinh tế đang chuyển đổi như nước ta.

Chuyen gia kinh te Pham Chi Lan: Dac khu kinh te - can can nhac ky ve 'tinh muc tieu'

ĐKKT, vốn được các nước coi là “phòng thí nghiệm” về thể chế, rất cần được sử dụng để thử nghiệm những thể chế quan trọng nhất về kinh tế thị trường đang cần hoàn thiện ở nước ta, ví dụ như về môi trường kinh doanh và cạnh tranh, về quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội, về phân bổ nguồn lực

Bà Phạm Chi Lan là chuyên gia kinh tế, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 1996-2006.

Những thể chế này cần bám sát các nguyên tắc thị trường phổ cập trên thế giới, bám sát các cam kết FTA mà nước ta đã ký và đảm bảo tính minh bạch, nhất quán, tiên liệu được, có trách nhiệm giải trình cao. Chúng được thử nghiệm để rồi sau này nhân rộng ra cả nền kinh tế, chứ không chỉ dừng lại ở các ĐKKT

Về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu của ĐKKT cần được đặt trong chiến lược phát triển chung của đất nước với tầm nhìn, mục tiêu rõ ràng. Nước ta đã có khát vọng Việt Nam 2035, có chiến lược phát triển công nghiệp tới năm 2030, có chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đang chuẩn bị chiến lược 10 năm 2020-2030. ĐKKT đương nhiên không thể làm tất cả, mà phải là nơi thực hiện (những) mục tiêu cần nhất và khó nhất, đòi hỏi cao về tập trung các nguồn lực thể chế, con người, công nghệ, sự kết nối để đạt cho bằng được (những) mục tiêu này, nhằm tạo đột phá và thúc đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu khác của nền kinh tế.

Là “phòng thí nghiệm” về thể chế, ĐKKT do vậy cũng cần là nơi tập trung phát triển một cách chọn lọc các công nghệ quan trọng và có tiềm năng nhất ở nước ta, để ĐKKT trở thành “thung lũng silicon” có sức mạnh kéo các ngành then chốt của Việt Nam đi lên, hướng tới thực hiện giấc mơ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Trong thời đại hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, mục tiêu cần nhất và khó nhất (ngoài thể chế) chính là phát triển công nghệ đi đôi với phát triển con người, nhằm chuyển mạnh nền kinh tế sang tăng trưởng một cách hiệu quả, bền vững, bao trùm, với năng suất lao động và chất lượng cao, liên tục nâng năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu đang không ngừng thay đổi.

Chuyen gia kinh te Pham Chi Lan: Dac khu kinh te - can can nhac ky ve 'tinh muc tieu'
Bắc Vân Phong, một trong ba nơi được chọn làm đặc khu kinh tế

Chúng ta đang chọn công nghệ thông tin, du lịch và nông nghiệp là ba lĩnh vực ưu tiên, song cả ba lĩnh vực này đều cần những công nghệ tương ứng mới phát triển được. Nhiệm vụ của ĐKKT không phải là tự nó tập trung phát triển ba lĩnh vực này, bởi tiềm năng và nguồn lực của nó có hạn, và nhiều nơi khác thậm chí còn có tiềm năng tốt hơn để phát triển ba lĩnh vực đó.

ĐKKT cần là nơi tập trung phát triển công nghệ phục vụ cho ba lĩnh vực này, để ứng dụng ngay ở đặc khu và ở các vùng khác trong cả nước. Xác định như vậy sẽ đỡ phải cung cấp quá nhiều chính sách và điều kiện ưu đãi, đỡ buộc đặc khu phải làm quá nhiều việc, từ đó sẽ có thể tập trung thực hiện và dễ đo lường kết quả của ĐKKT hơn.

Về phát triển con người, do có giới hạn về quy mô diện tích và dân số, ĐKKT khó có thể làm được hết mà cần kết nối với các vùng khác, đặc biệt là các vùng xung quanh nó, để thực hiện các chương trình giáo dục, đào tạo, huấn luyện được đổi mới mạnh mẽ theo nhu cầu phát triển mới và tinh thần học tập suốt đời, nhằm tạo nguồn nhân lực cần thiết cho các ngành công nghệ và quản trị trước mắt và trong tương lai. 

Những nhân tố thành công khác của ĐKKT như các chuyên gia quốc tế nêu tại hội thảo ngày 18/5 cũng rất cần tham khảo: vị trí của ĐKKT; tính kết nối và gắn kết với các cụm công nghiệp trong nước; sự nổi trội về môi trường và xã hội; ưu đãi thông minh, chú trọng tới đầu tư chiến lược; hệ thống quản trị, theo dõi và đánh giá tốt. Trên tinh thần xác định mục tiêu của ĐKKT và các nhân tố thành công nói trên, có thể thấy nhiều điều phải được cân nhắc cẩn trọng.

Ví dụ, về vị trí của ĐKKT, có nhất thiết phải ấn định ngay trong luật ba địa điểm như dự thảo không, hay nên để ngỏ các địa danh để sau khi có khung pháp luật về ĐKKT, sẽ xác định thật rõ các mục tiêu cụ thể, phù hợp với lợi thế của từng nơi trước khi quyết định. Thậm chí, nếu muốn sớm thử nghiệm về thể chế và tập trung phát triển công nghệ, thì phải chăng hai khu công nghệ cao đã có ở Hòa Lạc (TP.Hà Nội) và Quang Trung (TP.HCM), được đặt ở hai thành phố vốn có một số điều kiện gần với các nhân tố thành công, có thể sẵn sàng làm thử nghiệm ngay và đem lại kết quả sớm hơn, đỡ tốn kém thời gian và nguồn lực hơn các nơi khác?

Hoặc về ưu đãi đầu tư, kinh nghiệm như Trung Quốc (chỉ miễn thuế 2 năm, giảm 50% thuế trong 3 năm tiếp theo) hoặc các nước khác (cho thuê đất tối đa trong 50 năm) cũng rất đáng suy nghĩ, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư và cấu trúc các ngành, vòng đời các sản phẩm đều đang chuyển dịch rất nhanh dưới tác động của thị trường và cách mạng công nghiệp 4.0.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI