Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: Dân số là động lực của nền kinh tế

07/07/2017 - 12:37

PNO - Đối với một quốc gia phát triển, một nền kinh tế hiện đại, quan điểm hiện đại, dân số đông chính là động lực tiêu dùng, trao đổi hàng hóa, kinh doanh, dịch vụ, tạo ra phát triển.

Vấn đề dân số, cần phải nói ngay, coi chừng chuyển từ cực đoan này sang cực đoan khác, từ quan niệm càng sinh ít con, càng tốt cho kinh tế đất nước, sang đến chuyện sinh nhiều con để thúc đẩy kinh tế.

Từ năm 2008, thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã có một sự lo lắng về động lực của nền kinh tế. Lúc đó, tôi có nói gần 100 triệu dân Việt Nam là một động lực rất lớn cho phát triển kinh tế. Dân số đông không còn đồng nghĩa với đói nghèo. Đối với một quốc gia phát triển, một nền kinh tế hiện đại, quan điểm hiện đại, dân số đông chính là động lực tiêu dùng, trao đổi hàng hóa, kinh doanh, dịch vụ, tạo ra phát triển.

Chuyen gia kinh te Dinh The Hien: Dan so la dong luc cua nen kinh te
TP.HCM luôn thu hút nguồn lao động trẻ, có trình độ từ khắp cả nước

Cho rằng dân số đông dẫn đến thiếu lương thực, nghèo đói là quan điểm xưa cách đây cả trăm năm rồi. Khi đó, người ta cứ quan sát nước nào đông dân là nghèo, bởi thường lấy hình mẫu của những nước châu Á. Nhưng đó là thời kỳ khoa học kỹ thuật chưa được ứng dụng nhiều, mô hình kinh tế mới chưa có… từ đó cho rằng dân đông là yếu tố gây nghèo.

Tuy nhiên ngày nay, người ta đã ghi nhận những nơi đông dân nhất lại là những nơi tạo ra GDP cao nhất, thu nhập đầu người cao nhất, chứ không phải nơi ít dân, thưa dân. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng thật ra không nghịch lý tí nào. Bởi với sức sản xuất bằng khoa học kỹ thuật hiện đại như hiện nay dư sức đáp ứng cho số đông. Số đông lại rất quan trọng cho phát triển dịch vụ. Chính số đông phát sinh dịch vụ tiện ích, từ thực phẩm, tiêu dùng, văn hóa, y tế… Chính số đông tạo ra hiệu ứng về ứng dụng khoa học kỹ thuật hợp lý và hiện đại.

Trở lại vấn đề giảm sinh ở TP.HCM, tôi cho rằng, thứ nhất, Việt Nam vẫn còn trong tiến trình dân trí hóa, văn minh hóa, mà người dân giảm sinh nở, chứng tỏ người dân ý thức rõ về vấn đề dân số. Dân thành phố, cả nam lẫn nữ, khi lo việc học hành xong, họ không vội vã lập gia đình mà lo làm. Và khi lập gia đình họ cũng ý thức chỉ có 1-2 con.

Tỷ lệ sinh thấp hơn cả nước là dấu hiệu tốt, chứ chưa phải xấu, bởi vì sức phát triển của mình còn thấp so với châu Âu hay Nhật Bản. Chúng ta cũng không nên cực đoan cấm sinh con thứ 3. Người dân có thể tự chọn lựa sinh hai con, người nào thích thì ba con. Mở rộng từ 1-3 con là bình thường, hợp lý trong tiến trình của Việt Nam.

Vấn đề thứ hai, TP.HCM cũng chưa lo chuyện nhu cầu lao động có thiếu hay không, bởi nơi đây không phải là một thành phố “đóng”. Nhân lực, nhân tài không phải chỉ do những người thành phố sinh ra mà nó thu hút nhân tài cả nước. Nguồn nhân lực nhập cư này luôn luôn giúp cho TP.HCM có đầy đủ lực lượng lao động trên mọi lĩnh vực. Thành ra, trong giai đoạn này, việc người dân thành phố sinh nở thấp không ảnh hưởng đến chất lượng cũng như nhu cầu lao động của thành phố. 

Nam Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI