Chuyên gia Israel cảnh báo thế giới có thể đối mặt với đại dịch cúm gia cầm trong năm 2022

28/12/2021 - 17:00

PNO - Từ một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm lớn kỷ lục trong nước, khiến hơn 5.000 con sếu hoang dã bị chết và hơn 1 triệu con gia cầm bị tiêu hủy, các nhà khoa học Israel đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát một đợt dịch cúm gia cầm thảm khốc trên toàn cầu trong năm 2022.

Hội đồng An ninh quốc gia của Israel đang phải thực hiện nhiệm vụ kiểm soát một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm lớn ở vùng Galilee thuộc miền Bắc của nước này, mà các nhà khoa học của Israel đã cảnh báo, sẽ có thể trở thành một “thảm họa hàng loạt” đối với nhân loại toàn cầu trong năm tới.

Tại Galilê, hàng nghìn con sếu di cư nhiễm H5N1 đang chết hàng nghìn người, dấy lên lo ngại về một đại dịch toàn cầu
Tại Galilee, hàng ngàn con sếu di cư nhiễm H5N1 đang chết, dấy lên lo ngại về một đại dịch toàn cầu

Mỗi năm, có hơn nửa tỷ con chim di cư bay qua miền Bắc Israel, để hướng đến châu Phi, nơi có mùa đông ấm áp, hoặc đến châu Âu, nơi có mùa hè ôn hòa, khiến nơi đây trở thành địa điểm thảm khốc cho một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm lớn.

Virus cúm gia cầm có thể gây tử vong cho người nếu nó lây nhiễm sang người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hơn một nửa trong số 863 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm được xác nhận mà tổ chức này theo dõi từ năm 2003 đã dẫn đến tử vong. Đa số các chủng hoặc biến thể của cúm gia cầm, H5N1, tương đối khó truyền sang người.

Tuy nhiên, theo giáo sư Yossi Leshem, một trong những nhà điểu học nổi tiếng nhất của Israel, khả năng biến đổi thành các chủng mới của những loại virus này sẽ gây ra mối đe dọa cho con người, tương tự như những gì đã và đang diễn ra đối với COVID-19.

Đến nay, ít nhất 5.400 con sếu hoang dã đã chết do nhiễm cúm gia cầm H5N1 mới, mà chính quyền Israel lo ngại có thể mở rộng thành tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Trong số 30.000 con sếu Á - Âu tránh đông tại khu bảo tồn thiên nhiên Hula, 17% đã chết và các nhà khoa học lo ngại điều tồi tệ nhất sẽ tiếp tục xảy đối với bầy đàn còn sống sót của chúng, mà trong đó có ít nhất 10.000 con đang có vẻ rất ốm yếu.

Biến chủng cúm gia cầm đang lây nhiễm trong đàn sếu cũng là loại biến chủng cúm gia cầm đã lây nhiễm tại các trang trại gà trên khắp miền Bắc Israel, khiến cho nước này phải tiêu hủy gần 1 triệu con gia cầm trong những ngày gần đây.

“Cái chết của hàng ngàn con chim hoang dã trong khu bảo tồn thiên nhiên Hula, một trong những nơi cư trú lớn nhất trên thế giới của loài chim, là một sự kiện khác thường, có nguy cơ gây ra những hậu quả tồi tệ trên toàn cầu”, giáo sư động vật học Noga Kronfeld Shor của Đại học Tel Aviv đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Reshet Bet.

Giáo sư Shor, người cũng là nhà khoa học chính tại Bộ Môi trường Israel, lưu ý rằng đã phát hiện ra xác của các loài chim sống gần môi trường nước khác, như bồ nông và chồn hương.

Yoav Motro - một chuyên gia về động vật có xương sống và cào cào tại Bộ Nông nghiệp Israel - cho biết, H5N1có diễn biến “khá đối lập với COVID-19”. Nghĩa là, khả năng con người bị nhiễm virus này thấp hơn so với bị nhiễm COVID-19, nhưng một khi đã bị nhiễm H5N1 thì tỷ lệ tử vong lại cao hơn nhiều so với khi bị nhiễm COVID-19.

“Đó là một sự kiện sinh thái bi thảm. Điều đáng lo là chúng ta lại không biết nó sẽ kết thúc như thế nào, hay nó sẽ đi về đâu. Không có cách nào để biết điều gì sẽ xảy ra”, ông Motro chia sẻ với tờ The Daily Beast.

Hiện, người dân Israel đã được cảnh báo không được đến gần bất kỳ loài chim hoang dã nào có vẻ ngoài ốm yếu, và không được chạm vào phân chim.

Đến nay, chưa có người Israel nào được xác nhận đã bị nhiễm H5N1, nhưng những người đã có tiếp xúc với các loài chim hoang dã đang sử dụng thuốc kháng virus Tamiflu.

Nhất Nguyên (theo The Daily Beast)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI