“Chuyên gia” hòa giải

24/07/2013 - 17:17

PNO - PN - Mẹ chồng hay làm mà cũng hay nói. Con dâu giỏi giang, tháo vát nhưng lại đểnh đoảng việc nhà.

Mẹ chồng ca cẩm: rửa bát thì chỉ biết rửa bát thôi, còn cái bếp không biết chừa lại ai lau; ngủ dậy cái chăn, cái màn cũng không gấp cho ngay ngắn, đến pha cốc sữa cho con cũng phải gọi chồng… Con dâu thì lý sự: bếp núc có bẩn lắm đâu mà ngày nào cũng phải lau, chăn màn thì sáng gấp tối lại dỡ ra dùng, cuộn lại được rồi chứ gấp thành ly thành nếp tối dỡ mất công. Con là con chung, đến giờ con uống sữa mà vợ đang gập quần áo thì chồng làm giúp cũng được chứ sao…

“Chuyen gia” hoa giai

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cứ thế, tích tiểu thành đại. Ngày nọ, “cuộc chiến” mẹ chồng nàng dâu nổ ra dữ dội. Đúng lúc cô em chồng về, mẹ chồng lấy cớ bù lu bù loa rằng con dâu ỷ thế được chồng cưng chiều nên coi thường và xúc phạm mẹ. Cô em chồng nói: “Mẹ và chị có thôi đi không, không sợ thiên hạ người ta cười cho à”.

Bà mẹ chồng quày quả đến nhà cô em gái đầu ngõ kể tội con dâu để xả giận, còn cô con dâu thì cắp túi lên cơ quan vì nếu ở nhà thì… cái đầu sẽ nổ tung. Chuyện riêng của nhà mình lại là chuyện chẳng mấy hay ho, tốt đẹp thì cũng chẳng muốn kể với ai, càng không muốn chồng phải bận lòng, nhưng càng nghĩ càng thấy ấm ức. Bật máy tính định tán gẫu với bạn bè cho khuây khỏa thì đã bị cô em chồng “chộp” ngay: “Chị à, chị đừng giận mẹ nữa. Thực ra mẹ rất tốt tính, chỉ có điều mẹ làm nhiều nên đâm ra hay nói. Ai cũng có cá tính của mình, nhưng những gì mẹ góp ý chị để ý một chút, nếu thấy phải thì cũng nên tiếp thu. Những khi mẹ nóng chị nhịn và chiều mẹ cho xong”.

Chiều, cô con dâu nhắn tin cho chồng là sẽ về bên ngoại ăn cơm rồi tiện thể sẽ ngủ lại bên đó. Không nói ra nhưng trong lòng biết chẳng thể ngồi chung bàn ăn với mẹ chồng khi mà trong lòng đang bực tức. Mẹ chồng thì cũng muốn con dâu đi cho khuất mắt. Nhưng chợt nhớ ra ngày mai là lịch tái khám của mẹ chồng, mà quyển sổ khám vẫn để trong tủ, chìa khóa lại nằm trong túi mình nên bất đắc dĩ phải quay về. Vừa vào đến cổng đã nghe hai mẹ con “nhà họ” đang chuyện trò với nhau. Cánh cửa khép hờ, giọng cô em chồng lọt ra ngoài: “Mẹ cũng một vừa hai phải thôi. Con nói thật thời buổi bây giờ tìm được cô con dâu như chị ấy hơi hiếm đấy. Đành rằng chị ấy không đảm đang việc nhà, nhưng mà từ công việc đến nết ăn nết ở, chị ấy có đến nỗi nào đâu. Nói đâu xa, con gái mẹ đây này có đi làm dâu thì còn lâu mới được bằng chị ấy. Con thấy nhiều bà mẹ chồng bây giờ vô lý lắm: với con gái thì lỗi to mấy cũng bỏ qua, việc gì cũng xắn tay làm hộ mà chẳng kêu ca lấy một câu, nhưng với con dâu thì soi từng tí một, giúp đỡ một tí đã kể công. Rồi lại đi trách con dâu không thương mình như thương mẹ nó”. Không nghe tiếng "phản hồi" của mẹ chồng. Rồi tiếng dọn dẹp quày quả quen thuộc từ góc bếp vọng ra...

Mẹ chồng và nàng dâu giờ đã sống hòa thuận. Nhờ cả hai bên cùng cố gắng hiểu, chấp nhận cả những mặt được và chưa được của nhau, dung hòa nhiều thứ để có được sự hòa hợp, nhưng nếu không có cô em chồng chân thành góp ý cho mẹ và sẵn sàng làm trọng tài trong những vụ phân xử “nhạy cảm” thì không biết “nội chiến” sẽ đi đến đâu?

Giờ mỗi lần nghe ai đó ví von: giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng, nàng dâu lại lắc đầu cười: Giặc có nhiều loại giặc, bà cô cũng có năm bảy loại bà cô. Có những bà cô là cầu nối và là chuyên gia hóa giải mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu đấy.

 Bùi Thu Hoàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI