Chuyên gia hiến kế: Cơ chế "hợp đồng 3 bên" là giải pháp để mua được vắc xin nhiều và nhanh

20/06/2021 - 17:55

PNO - "Vắc xin" hiện đang là từ khóa nóng nhất không chỉ nằm trên bàn của các nhà hoạch định chính sách ở cấp vĩ mô mà còn là mối quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam.

Kể từ khi virus SARS CoV-2 bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) cho đến cuối tháng 4/2021, Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khen ngợi như một hình mẫu tích cực trong việc chống dịch bằng cách áp dụng triệt để và đồng bộ các biện pháp truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Nhờ vậy mà nước ta đã an toàn vượt qua cả 3 mùa dịch vừa qua.

Việt Nam từng là hình mẩu tích cực trong chống dịch COVID-19 - Ảnh: Hau Dinh/AP
Việt Nam từng là hình mẫu tích cực trong việc chống dịch COVID-19 - Ảnh: Hau Dinh/AP

Tỷ lệ tiêm vắc xin ở Việt Nam đang quá thấp

Thế nhưng, lúc này đây, câu chuyện lại đang bị xoay chuyển theo một hướng không hề mong muốn: Làn sóng COVID-19 thứ 4 với số ca nhiễm cao gấp đôi so với ba làn sóng trước cộng lại, đa số được phát hiện trong cộng đồng và các khu công nghiệp, cho thấy hiệu lực của những biện pháp chống dịch trước đây đã bị suy giảm đáng kể.

Theo các chuyên gia đến từ Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, với tình hình hiện nay đòi hỏi một chiến lược phòng, chống dịch hoàn toàn mới, trong đó vắc xin đóng vai trò quyết định.

Ảnh: Nguyễn Thuận
Hội thảo "Mở rộng nguồn tiếp cận vắc xin và trách nhiệm của nhà nước" do Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến hôm 19/6 - Ảnh: Nguyễn Thuận

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là cho đến nay, Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 thấp nhất, mới chỉ đạt 1,3% dân số, trong khi theo kết quả khảo sát của tạp chí y học The Lancet thì “có tới 98% dân số Việt Nam muốn được tiêm vắc xin”.

Như vậy, việc đẩy nhanh tốc độ tiếp cận vắc xin đang trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong chiến lược chống COVID-19. Và mới đây, chính phủ đã tạo ra cơ chế mở để doanh nghiệp và xã hội được phép tham gia vào quá trình mua vắc xin với sự hỗ trợ, điều phối của nhà nước.

Vì sao Việt Nam cần “mở toang cánh cửa” cho việc mua vắc xin?

Từ góc nhìn về kinh tế và chính sách, ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng chính phủ nhận xét rằng, ngay sau khi dịch bùng phát một thời gian ngắn từ năm 2020, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu nghĩ đến việc mua vắc xin cho người dân theo cách Nhà nước đóng vai trò chủ đạo để tiếp cận các nhà sản xuất vắc xin, đồng thời độc quyền trong việc mua và phân phối vắc xin.

Ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: Đại học Fulbright Việt Nam
Ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: Đại học Fulbright Việt Nam

Theo các chuyên gia chính sách thì chiến lược tiếp cận vắc xin nói trên là hợp lý với thời điểm ban đầu khi dịch bùng phát, khi chính phủ phải chịu trách nhiệm với tình hình sức khỏe của người dân, cũng như đảm bảo tính công bằng trong việc phân phối nguồn vắc xin cho các nhóm đối tượng ưu tiên.

Ngoài ra, mục tiêu quan trọng hơn cả là phải tiến tới miễn dịch cộng đồng. Và để làm được điều này thì cần sự tham gia với vai trò tiên quyết của nhà nước với đầy đủ nguồn lực cả về con người, tài chính và cả hệ thống chính trị. Chưa kể, để có thể tiếp cận nguồn vắc xin miễn phí từ các tổ chức quốc tế như cơ chế COVAX thì cần phải tầm chính phủ mới có thể đàm phán để đề nghị họ cung cấp vắc xin.

Thế nhưng, một khi cung vượt quá cầu thì tình hình không còn “lý tưởng” như ban đầu.

Có một thực tế, các quốc gia giàu có đã kịp “ôm” gần như toàn bộ các lô vắc xin từ các nhà sản xuất ngay cả khi chúng còn chưa kịp được đóng gói, hoặc có khi chỉ đang là ý tưởng trên các bản thuyết minh. 

Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc quốc gia Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam đồng thời là giảng viên lâm sàng cao cấp tại Đại học Sydney (Úc) nêu ví dụ: ngay từ tháng 2/2020, chính phủ Anh Quốc đã đặt hàng hãng dược AstraZeneca để nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc xin dành cho người dân của mình. Trong khi đó, các quốc gia phát triển đã đặt hàng vắc xin Pfizer và Moderna từ rất sớm.

“Có thể nói, Việt Nam đã hơi chậm chân trong việc tiến hành các thủ tục đăng ký, thương thảo hợp đồng với các hãng sản xuất vắc xin cũng như phê duyệt để sử dụng tại Việt Nam”, tiến sĩ Thu Anh nhận xét.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc quốc gia Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock - Ảnh: Nguyễn Thuận
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc quốc gia Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock - Ảnh: Nguyễn Thuận

Theo đó, đến tháng 6/2021, Bộ Y tế mới phê duyệt cho phép sử dụng vắc xin Pfizer trong nước. Ngoài ra, cũng phải nhìn nhận rằng, Việt Nam có vẻ đã quá trông chờ vào COVAX trong khi COVAX cũng không có khả năng tự chủ nguồn vắc xin.

Với sức ép quá lớn cần phải mua được càng sớm càng tốt một lượng vắc xin lớn lên đến 150 triệu liều nhằm thực hiện thành công mục tiêu đến hết tháng 12 năm nay sẽ tiêm cho 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng, chính phủ Việt Nam đã ban hành chủ trương mở tất cả cửa để vắc xin về Việt Nam.

Để có thể thực hiện được chủ trương mở và thoáng hết mức này trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh như hiện nay, theo quan sát của tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành thì “Bộ Y tế đã mở bung ra, thậm chí giao cả cho các đơn vị tư nhân có thể tự tìm nguồn cung vắc xin nhanh nhất có thể”.

Cần tiếp cận theo hướng “hợp đồng 3 bên”

Theo các chuyên gia, từ trước đến nay, chúng ta đang huy động vắc xin từ các nguồn tài trợ, quà tặng ngoại giao hay thương lượng để mua vắc xin với giá rẻ.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh “khẩn cấp” như hiện nay cùng mục tiêu phải huy động được 150 triệu liều vắc xin trong một thời gian ngắn, theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Việt Nam cần chuyển đi một thông điệp rõ ràng rằng: Chúng tôi có đủ năng lực tài chính, và sẵn sàng đặt mua vắc xin theo giá thị trường, thậm chí giá cao. Chẳng hạn Israel đã mua vắc xin với giá 23 USD trong khi giá chào bán chỉ từ 5 - 7 USD.

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam - Ảnh: Đại học Fulbright Việt Nam
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam - Ảnh: Đại học Fulbright Việt Nam

Theo PGS. TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, với cơ chế “mở toang cánh cửa huy động vắc xin” thì nhà nước không nên để các doanh nghiệp hay địa phương trong nước tự “bơi” trong việc tìm kiếm, đàm phán và mua vắc xin, bởi phương án này tiềm ẩn quá nhiều rủi ro như: không có kinh nghiệm, có thể gặp phải hàng giả và hàng kém chất lượng hay hết “date”, thiếu công bằng trong phân phối vắc xin...

“Lý tưởng nhất là tạo nên cơ chế "hợp đồng 3 bên", bao gồm: Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hãng dược phẩm cùng ký hợp đồng mua bán vắc xin”, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành gợi ý, “Điều này sẽ giúp đẩy nhanh được tiến độ mua vắc xin với số lượng lớn”.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI