Chuyên gia, doanh nghiệp phản ánh du lịch kém thu hút vì rào cản visa

10/03/2023 - 12:44

PNO - Đó là quan điểm của chuyên gia du lịch chia sẻ tại hội thảo “Mở visa, phục hồi du lịch” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng ngày 10/3.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) cho biết, hiện nay "sức khỏe" tài chính của doanh nghiệp (DN) du lịch, hàng không đang xấu. Bằng chứng nhiều khách sạn tại TPHCM rao bán, các loại hình dịch vụ nhà hàng khách sạn đang trong tình trạng ế ẩm, thiếu khách quốc tế; các hãng hàng không liên tục báo lỗ hàng ngàn tỉ đồng.

Nhiều chuyên gia du lịch, DN du lịch, hàng không cho rằng vấn đề cấp bách là sớm nới lỏng chính sách visa cho khách quốc tế. - Ảnh: Quốc Thái
Nhiều chuyên gia, DN du lịch, hàng không cho rằng vấn đề cấp bách là sớm nới lỏng chính sách visa cho khách quốc tế - Ảnh: Quốc Thái

Do đó, vấn đề cấp bách hiện nay cần sớm có chính sách để “giải cứu" du lịch, hàng không. Trong đó việc nới lỏng chính sách thị thực (visa) là một trong những giải pháp căn cơ mà Chính phủ cần sớm xem xét, làm ngay để thu hút khách.

Hiện Việt Nam đang miễn visa cho công dân khoảng 24 nước. Trong khi Thái Lan miễn visa cho 68 nước; Singapore miễn visa cho gần cả thế giới, riêng các quốc gia thuộc liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Mỹ, Na Uy, Thụy Sĩ, Hàn Quốc được miễn visa 90 ngày...

Tiến sĩ Lương Hoài Nam đưa ra 6 kiến nghị về visa để Việt Nam hút khách. Thứ nhất, tăng số quốc gia miễn visa ngang bằng Thái Lan; tăng thời gian khách nhập cảnh lên 30-45 ngày và cho khách ra vào nhiều lần.

Thứ hai, cần miễn visa cho toàn bộ các nước khối EU, Trung Đông, Tây Á hay các quốc gia thân thiện như Kazakhstan… đây là các quốc gia có mức chi tiêu cao, an toàn, thân thiện, văn minh.

Khách quốc tế trải nghiệm xe buýt hai tầng tại TPHCM.
Khách quốc tế trải nghiệm xe buýt 2 tầng tại TPHCM

Đồng thời, kéo dài thời gian công bố miễn visa lên 5 năm để các DN du lịch, hàng không đầu tư truyền thông, xúc tiến, quảng bá hút khách. Riêng đối với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc nên đàm phán visa song phương thời hạn từ 5-10 năm.

Thứ ba, miễn visa cho khách đoàn nước ngoài cho khách MICE, khách đến để đánh golf. Miễn visa cho khách đến bằng máy bay riêng, để có thêm nguồn thu từ giới siêu giàu. Thứ tư, cố gắng cởi mở hơn trên nền tảng E-visa, nâng cấp đầu tư, giao diện cho tốt hơn.

Nên coi chính sách visa là công cụ cạnh tranh thu hút du lịch quốc tế. Và cuối cùng là ứng dụng mạnh công nghệ nhận diện khuôn mặt để thay thế cho hộ chiếu, xuất nhập cảnh, để tạo điều kiện hút khách.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Lương Hoài Nam, khi nới lỏng chính sách visa cũng sẽ dẹp bớt nạn o ép trong dịch vụ làm visa của các DN.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) - góp ý thêm về chính sách giá dịch vụ. Hiện đối tác, khách quốc tế đều ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, thu nhập sau dịch. Họ quan tâm nhiều đến các loại hình dịch vụ có mức giá tốt, tiết kiệm. Vậy nên, ngành du lịch cần thống nhất, đưa ra mức giá phải chăng để hút khách. Đồng thời các sở, ngành, địa phương cũng có phương án nghiên cứu về việc quản lý giá dịch vụ phục vụ du lịch.

Cũng theo ông Kỳ đề xuất, trong thời gian tới, khi khách Trung Quốc quay trở lại Việt Nam (từ 15/3), ngành du lịch cần nghiên cứu miễn visa 6 tháng cho thị trường này trong thời gian mở cửa để kích cầu hút khách. Sau thời gian đó, có thể siết trở lại.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) - cho rằng, Việt Nam đang bỏ ngỏ nhiều loại hình du lịch có tiềm năng lớn, thu hút nhiều khách và khách du lịch có chi tiêu cao như mua sắm, sức khỏe… Bên cạnh đó, ngành du lịch cần tập trung khắc phục những chi tiết nhỏ, nhưng nó gây cản trở thu hút khách quốc tế như việc thiếu nhà vệ sinh công cộng; nạn ăn xin, đội ngũ đánh giày đang hoành hành ở các khu vực trung tâm... để tạo hình ảnh du lịch văn minh trong mắt du khách. Đồng thời, nới lỏng quy định hạn chế các khu/điểm thu đổi ngoại tệ, để tăng cường thêm nhiều điểm thu đổi ngoại tệ, tránh tập trung ở một khu như hiện nay ở đường Đồng Khởi (quận 1, TPHCM) khá ùn tắc.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - hiện nay đang có sự mất cân bằng về lượng khách du lịch, khách du lịch nội địa đang cao hơn khách quốc tế, trong khi khách nội địa chỉ chi tiêu khoảng 40-50% so với khách quốc tế. Hiện nay, các cơ sở dịch vụ du lịch phục vụ khách quốc tế tại TPHCM gần như chưa mở cửa hoàn toàn vì thiếu khách. Có tình trạng rao bán cơ sở, dịch vụ trên địa bàn TP. Nên trong thời gian tới, bằng chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành du lịch TPHCM sẽ tăng cường thêm các giải pháp về chính sách, sản phẩm, các chương trình quảng bá để hút khách.

“Để đón tốt khách quốc tế trong thời gian tới, cần rà soát danh sách các quốc gia có chính sách visa, để tối ưu hóa nguồn khách. Chẳng hạn như, cần ưu tiên miễn và kéo dài thời gian lưu trú đối với thị trường có chi tiêu cao” - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.

Đại tá Đặng Tuấn Việt – Phó Cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh cho hay, chính sách xuất nhập cảnh tạo điều kiện tốt hơn cho khách quốc tế đến. Hiện công dân 13 nước được miễn thị thực 15 ngày và có thể gia hạn thêm 15 ngày. Tuy nhiên, dựa vào dữ liệu quản lý, không nhiều khách du lịch theo diện miễn thị thực gia hạn tạm trú. Các DN nên cập nhật thông tin này cho khách du lịch. Thị thực điện tử (E visa) sau thời gian thí điểm cũng đã triển khai. Người nước ngoài ở bất cứ đâu cũng có thể đăng lý trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để khai báo. Theo thống kê, từ 15/3/2022 đến nay có 1,2 triệu người nhập cảnh du lịch vào Việt Nam bằng E visa, gấp 6 lần so với việc thị thực thông thường.

Một số khu kinh tế ven biển, người nước ngoài được miễn thị thực 30 ngày. Chẳng hạn, Phú Quốc đang thí điểm cho phép du khách muốn vào bao nhiêu lần và bất cứ thời điểm nào cũng được. Tuy nhiên, lượng khách vào đảo không nhiều hơn năm 2019. Nên không thể đổ cho chính sách thị thực.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI