Chuyên gia dạy nghi thức giao tiếp Claire Nguyễn: Cuộc đời thứ hai bắt đầu khi con ra đời...

04/06/2022 - 18:55

PNO - Khi con ra đời, tôi mới cảm thấy cuộc đời mình bắt đầu và ý nghĩa hơn bao giờ hết. “Cuộc đời thứ hai” của tôi bắt đầu khi có con bên cạnh.

Etiquette (nghi thức giao tiếp) là chương trình học có vẻ còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng đã được hình thành từ thời kỳ trị vì của vua Louis XIV (Pháp, thế kỷ XVII). Ban đầu, nghi thức giao tiếp được dạy trong hoàng gia, tầng lớp quý tộc... Đến nay, nghi thức giao tiếp đã ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia phương Tây. 

Claire Nguyễn (Nguyễn Claire Ngọc Dung) sang Pháp từ năm 11 tuổi, trưởng thành trong nền văn hóa Pháp và chị từng được trao danh hiệu Hoa hậu Áo dài năm 1995 tại Pháp. Nhờ những duyên may, chị theo học giảng dạy nghi thức giao tiếp, từng đi tu nghiệp tại Anh và đưa bộ môn này về Việt Nam từ năm 2009. Học viên của Claire là doanh nhân, nhân viên tại nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, những “quý cô” thành đạt, người trẻ có mong muốn hoàn thiện kỹ năng giao tiếp.

Từ sau khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, gần như đều đặn mỗi tuần, Claire Etiquette - công ty của Claire Nguyễn - đều mở các khóa học và luôn có nhiều học viên đăng ký. Trải nghiệm một khóa học cùng chuyên gia dạy nghi thức giao tiếp quốc tế Claire Nguyễn, phụ nữ và cả nam giới có lẽ sẽ nhận ra bản thân còn thiếu sót những gì trong cách ăn mặc, đi đứng, ứng xử, giao tiếp, ăn uống trên bàn tiệc…

Nghi thức giao tiếp giúp bạn tự tin

Chuyên gia Claire Nguyễn đang hướng dẫn học viên
Chuyên gia Claire Nguyễn đang hướng dẫn học viên

Phóng viên: Sau thời gian tiếp xúc và giảng dạy, chị thấy điều thiếu nhất trong kỹ năng giao tiếp của học viên là gì?

Chuyên gia dạy nghi thức giao tiếp Claire Nguyễn: Tôi không chỉ đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam mà cả học viên đến từ các quốc gia khác (Bỉ, Thụy Sỹ, Pháp, Nhật…). Nói chung, họ có lợi thế là được học các nghi thức giao tiếp cơ bản ngay từ nhỏ và phải áp dụng liên tục trong công việc, cuộc sống. Tuy nhiên, có những nghi thức mà phải học mới hiểu, mới làm đúng thì họ cũng bỡ ngỡ như học viên Việt Nam. Theo tôi, đa số học viên lúng túng trong ba chủ đề: cách chào hỏi, bắt chuyện, đặc biệt trong buổi tiệc đứng (reception); chọn trang phục sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh và các nghi thức trên bàn tiệc với ẩm thực phương Tây. 

Một trong những phản hồi của một học viên làm tôi nhớ mãi khi anh rụt rè chia sẻ với mọi người rằng: “Thật sự trước giờ tôi vẫn biết mình sai nhưng vì không biết thế nào là đúng nên cứ ứng xử theo thói quen”. Một bạn nữ khác thì chia sẻ: “Điều khiến tôi thích nhất là sau khi học xong, tôi không còn nghĩ mình phải bỏ hết tủ quần áo và thay vào bằng những bộ cánh đắt tiền mà biết cách phối trang phục sao cho hài hòa, đẹp mắt mà vẫn đẹp, thanh lịch”.

Với bề dày kinh nghiệm qua những công việc kinh doanh quốc tế và quan hệ đối ngoại đã trải qua, tôi luôn cảm nhận được sự tin tưởng khi học viên chia sẻ những tình huống khó xử để được giải thích, hướng dẫn cách xử lý hợp lý và luôn áp dụng những quy tắc ứng xử sao cho thanh lịch.

* Theo chị, hiện nay, học nghi thức giao tiếp có phải là một nhu cầu cấp thiết cho người Việt trong quá trình giao lưu, hội nhập với thế giới?

- Khi phải giao tiếp nhiều trong môi trường hội nhập với thế giới nhưng lại chưa hiểu và nắm rõ những nghi thức giao tiếp phương Tây, bạn sẽ lúng túng, mất tự tin. Mỗi môi trường đều có những quy tắc giao tiếp riêng, không chỉ dành cho giới trung lưu, thượng lưu hay doanh nhân. Ví dụ như trên máy bay là một không gian chung có nhiều tầng lớp và nhiều quốc gia phải chung sống trong một không gian hẹp và một khoảng thời gian nhất định. Nếu không hiểu và biết những quy tắc ngầm, bạn sẽ bị mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến người khác và không nhận được sự thiện cảm của những người xung quanh khi phạm sai lầm. Việc tương tự cũng thường xảy ra nơi văn phòng khiến công việc chậm trễ. Nếu cấp trên hoặc khách hàng/đối tác hiểu sai về bạn thì cơ hội hội nhập cũng như thăng tiến bị đẩy lùi.

* Nhưng, người Việt mình có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Chị nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng etiquette chỉ dành cho… người giàu hoặc chỉ những ai làm việc với người nước ngoài mới cần đến khóa học này? 

- Tôi cho rằng bất cứ ai (không riêng người giàu) áp dụng đúng những nghi thức giao tiếp phù hợp với hoàn cảnh và không gian đều sẽ tự tin, tạo ấn tượng tốt với mọi người xung quanh, có cơ hội thành công trong công việc và cuộc sống. Ví dụ do có thể đối tác của công ty bạn là những doanh nghiệp Việt Nam, bạn nghĩ mình không cần biết đến những quy tắc giao tiếp chuẩn Âu. Vậy nhưng biết đâu những công ty đối tác đó, từ người chủ doanh nghiệp, cấp quản lý hay nhân viên… đều có những mối quan hệ đa quốc gia. Họ sẽ cảm nhận được khi công ty bạn áp dụng những quy tắc giao tiếp, quy tắc trong kinh doanh chuẩn. Khi đó, bạn và công ty bạn đã lên một tầm cao khác trong mắt đối tác và trên thị trường chung.

 

* Đến thời điểm này, Claire Etiquette đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, thời điểm mới về Việt Nam và bắt đầu dạy nghi thức giao tiếp, chị có gặp nhiều trở ngại? 

- Tôi nghĩ hành trình nào khi mới bắt đầu cũng gặp nhiều gian nan. Với Claire Etiquette, trở ngại đó là làm sao cho mọi người hiểu nghi thức giao tiếp là gì và vì sao mình cần học. Dù không nói thẳng ra nhưng ai cũng nhầm lẫn giữa phép lịch sự và quy tắc giao tiếp rồi nghĩ rằng “tôi không đủ lịch sự hay sao mà phải học nghi thức giao tiếp?”. Vấn đề là với các nghi thức giao tiếp đặc biệt của phương Tây, không phải ai cũng hiểu rõ và áp dụng đúng. Dù muốn hay không, doanh nghiệp nào rồi cũng phải dần phát triển theo mô hình Âu. Ví dụ như từ cách bắt tay, vị trí ngồi với đối tác, viết email, quy tắc chiêu đãi khách dù theo ẩm thực Á hay Âu đều có những nghi thức riêng mà chỉ khi chúng ta hiểu và áp dụng đúng thì mới hành xử thanh lịch, tinh tế và tạo ấn tượng tốt với mọi người xung quanh. 

Tuy có vất vả thời gian đầu để giải thích nghi thức giao tiếp là gì nhưng bây giờ mọi người cũng đã hiểu nhiều hơn nhờ những chia sẻ rất thật của học viên…

Claire Nguyễn khi còn ở Pháp
Claire Nguyễn khi còn ở Pháp

Nhớ Sài Gòn luôn tấp nập xe và những tiếng rao…

* Pháp là quốc gia nổi tiếng xinh đẹp, văn minh, thanh lịch trên mọi phương diện. Quãng thời gian sống tại Pháp đã làm thay đổi chị như thế nào?

- Tôi sống ở Pháp từ nhỏ, xa gia đình rất sớm và phải hòa nhập với cộng đồng người bản xứ nên thẩm thấu một cách rất tự nhiên các nghi thức giao tiếp phương Tây mà Pháp là cái nôi sản sinh. Ngoài ra, trong quá trình làm việc, những người sếp Pháp gốc quý tộc và ngoại giao đã tận tình chỉ dẫn, giúp tôi có nền tảng vững chắc. Tôi quyết định tu nghiệp nghi thức giao tiếp tại Anh vì đó cũng là cái nôi thứ hai của nghi thức giao tiếp phương Tây.

* Chị có thể chia sẻ với bạn đọc Việt Nam kỷ niệm về cuộc thi Hoa hậu Áo dài 1995 và tuổi trẻ của Claire Nguyễn trên đất Pháp?

-  Đã 28 năm rồi, tôi không nhớ hết các chi tiết, chỉ nhớ cuộc thi do cộng đồng người Việt tổ chức cho sinh viên gốc Việt. Tôi nhớ mãi việc mình gom góp tiền để dành mua chiếc áo dài màu xanh thêu tay và âm thầm đi thi… Lúc được trao giải, tôi vui lắm. Tôi gửi hình, gửi băng video về Việt Nam khoe với ba má. Rồi tôi cũng quay về với việc học, thỉnh thoảng tham gia biểu diễn áo dài ở một số chương trình. 18 tuổi tôi vừa đi học, vừa làm thư ký y khoa và phụ tá mổ ở phòng mạch tư. Nói chung tuổi trẻ của tôi cũng đầy sự lo lắng, hoang mang như bao nhiêu thiếu nữ khác khi phải tập sống một mình...

Thời gian tu nghiệp tại Anh (2016)
Thời gian tu nghiệp tại Anh (2016)

* Còn những ký ức thời thơ ấu khi chị ở Việt Nam là gì? 

-  Những năm sau giải phóng, cuộc sống rất khó khăn, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Dù thời gian đó ba tôi đã ở Pháp nhưng tôi nhớ rất rõ má và hai chị cũng phải vất vả, làm bao nhiêu công việc, nay đây mai đó để kiếm sống chứ chẳng dựa vào người thân ở nước ngoài như mọi người lầm tưởng. Người thương tình thì giúp đỡ những lúc khó khăn nhưng cũng có người lợi dụng thời cơ bắt nạt vì biết không có mặt người đàn ông trong gia đình. Có lẽ sự kiên trì, mạnh mẽ tôi có được bắt đầu từ má, khi tôi thấy bà đối diện mọi tình huống.

Khi về lại Việt Nam, tôi cũng gặp nhiều trở ngại, hai nền văn hóa đụng nhau từ trong gia đình đến nơi làm việc. Tôi cảm thấy mình bị tổn thương và nghĩ mình không phù hợp với cuộc sống ở Việt Nam. Nhưng, khi ba tôi mất, tôi nghĩ mình phải ở lại chăm sóc má, hai chị và các cháu. Rồi tôi nhận thức rằng mình phải điều chỉnh suy nghĩ và thái độ ứng xử, phải biết thích nghi trước mỗi tình huống và mỗi người. Tôi cũng tập quan sát và lắng nghe nhiều hơn.

"Tôi muốn chia sẻ sự cô đơn trong hành trình đi tìm con gian nan ra sao mà tôi biết mình không phải người đầu tiên và tất nhiên cũng không phải người cuối cùng trải qua sự thử thách này. tôi mong muốn chị em nhận thức hãy có con khi mình đã thật sự muốn và sẵn sàng. Hãy làm chủ cơ thể và cuộc sống của mình. Con phụ thuộc vào tâm sinh lý của mẹ rất nhiều và khi mẹ khỏe, mẹ vui thì con phát triển một cách tối ưu. tôi rất tâm đắc một câu văn của Pháp nói rằng: “ai cũng có hai cuộc đời, cuộc đời thứ hai bắt đầu khi bạn nhận thức chỉ có một”.

Claire Nguyễn 

* Đến giờ, điều gì thuộc về thành phố này khiến chị cảm thấy yêu thương và thân thuộc?

- Mỗi lần đi xa Việt Nam hơi lâu, tôi thường nhớ về cuộc sống ở TP.HCM luôn tấp nập xe hai bánh, những quán cóc lề đường, tiếng rao của những người bán hàng rong. Ở thành phố này, tôi có thể tìm thấy quán ăn bất cứ lúc nào dù là ngày hay đêm (cười).

“Tôi muốn con lớn lên với ký ức luôn có mẹ”

* Được biết chị đang có một bản thảo sách chuẩn bị xuất bản. Đó là hành trình của Etiquette hay hành trình của một người mẹ?

-  Thoạt đầu, tôi chỉ muốn viết nhật ký ghi chép lại hành trình đi tìm con với suy nghĩ để lại cho con mình đọc sau này. Hành trình đi tìm con lặng lẽ, cô đơn và đau khổ hơn rất nhiều so với hành trình mang Etiquette về Việt Nam. Bản thảo hành trình đi tìm con đang trong giai đoạn hoàn thiện còn bản thảo Etiquette thì tôi chỉ mới bắt đầu. Đó là hai cuốn sách tôi ấp ủ sẽ ra mắt trong năm nay. 

* Mọi người vẫn luôn nhìn thấy một Claire Nguyễn xinh đẹp, thanh lịch và thành đạt ngoài xã hội. Còn Claire Nguyễn trong gia đình thì thế nào?

- Tôi may mắn khi được làm công việc mình yêu thích và giúp học viên của mình tự tin, thanh lịch hơn. Tôi không nghĩ mình là một người thành đạt. Dù ở ngoài xã hội tôi có thể có vị thế riêng nhưng khi về nhà, tôi cũng như bao phụ nữ khác, luôn là người con, người em và nhất là một người mẹ luôn dành thời gian cho con mình.  

Tuy sang Pháp hòa nhập vào văn hóa phương Tây từ nhỏ nhưng tôi thấy mình vẫn giữ được tính cách của người Việt vì ba má luôn dạy tôi sống theo văn hóa thuần Việt. Thật ra, có là văn hóa Việt hay Âu, ai cũng dạy dỗ và hướng con cái mình quan tâm đến gia đình, người thân, bạn bè. Có sự khác biệt nhỏ giữa Việt và Âu: người Âu luôn có ranh giới, tách bạch thời gian và cảm xúc cho mỗi mối quan hệ. Họ không bị cuốn vào những cảm xúc tiêu cực và mệt mỏi vì họ biết dành thời gian riêng để chăm sóc bản thân.

Gia đình hạnh phúc của chuyên gia Claire Nguyễn
Gia đình hạnh phúc của chuyên gia Claire Nguyễn

* Và câu chuyện của một phụ nữ hạnh phúc khi làm mẹ, chị có thể chia sẻ cùng độc giả?

-  Hạnh phúc của tôi dù đơn sơ nhưng nó vô giá với tôi qua những việc đời thường như khi tự tay thay tã, tắm, tập cho con làm quen với những món ăn đầu đời, nhìn con chập chững biết đi rồi ê a tiếng gọi “me me”, thức trắng đêm khi con bệnh, xúc động khi con chập chững biết đi, theo con những bước đầu tiên đến trường; tập cho con bỏ tã, ngồi lên bàn cầu, đánh răng, khò nước muối, tập tô chữ, tập cho con nói, tập con đạp xe đạp, con hát tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp... 

Vì không muốn bỏ lỡ bất kỳ thời khắc nào nhìn thấy con khôn lớn nên tôi muốn đồng hành trong sự phát triển của con. Dù rất vất vả bởi sinh con muộn, sức khỏe lâu hồi phục hơn những người mẹ trẻ tuổi nhưng tôi hài lòng với sự lựa chọn tự tay làm mọi việc vì con. Tôi muốn con lớn lên với ký ức 

*  Một phụ nữ dù xinh đẹp, thành đạt và giàu có như thế nào thì hạnh phúc nhất có lẽ vẫn là khi có con. Con đã đến và làm thay đổi chị như thế nào?

- Tôi không nghĩ mình thay đổi, có chăng là điều tiết thời gian cho những gì mình nghĩ là quan trọng hơn - thời gian dành cho con. Vài người bạn Pháp trách rằng từ khi tôi làm mẹ, họ không còn thấy sự hiện diện của tôi ở những sự kiện, tiệc tùng nữa. Họ cho rằng tôi chăm bẵm con quá nhiều và không còn cuộc sống ở ngoài xã hội nữa. Thì cũng đúng, vì đó là sự lựa chọn của tôi. 

Khi con ra đời, tôi mới cảm thấy cuộc đời mình bắt đầu và ý nghĩa hơn bao giờ hết. “Cuộc đời thứ hai” của tôi bắt đầu khi có con bên cạnh. Con đường của mình thì mình đi, cuộc sống của mình thì mình sống sao cho lành mạnh, vui, khỏe và ý nghĩa nhất cũng như góp phần giúp ích được cho xã hội là tôi cảm thấy hạnh phúc.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Bùi Tiểu Quyên (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI