Chuyên gia bảo tồn Trần Lê Trà: Bỏ đi phát triển bền vững, sự đánh đổi đã ở tầm quốc gia

24/10/2019 - 09:28

PNO - Từ câu chuyện Tam Đảo II, chuyên gia bảo tồn Trần Lê Trà chỉ ra rằng: “Chính nhận thức sai lệch cũng như những quy định thiếu chặt chẽ đã khiến du lịch sinh thái bùng nổ một cách thiếu kiểm soát như hiện nay”.

Như được trải thảm đỏ, du lịch nhân danh sinh thái đi thẳng vào lõi rừng, ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Từ câu chuyện Tam Đảo II, chuyên gia bảo tồn Trần Lê Trà chỉ ra rằng: “Chính nhận thức sai lệch cũng như những quy định thiếu chặt chẽ đã khiến du lịch sinh thái bùng nổ một cách thiếu kiểm soát như hiện nay”.

 Bỏ mất yếu tố “phát triển bền vững” trong Luật Du lịch 

* Phóng viên: Du lịch sinh thái có từ khi nào, quá trình phát triển ra sao, thưa ông? 

- Chuyên gia bảo tồn Trần Lê Trà: Một số nghiên cứu cho rằng, khái niệm này xuất hiện từ những năm 1960; trong đó, có một tác giả đưa ra bốn trụ cột (hay còn gọi là bốn nguyên tắc) bao gồm: giảm thiểu những tác động tiêu cực với môi trường, tôn trọng văn hóa địa phương, mang lại lợi ích tối đa cho cộng đồng địa phương và tăng tối đa mức hài lòng của du khách. Trong đó, yếu tố đầu tiên được xem là quan trọng nhất để phân biệt du lịch sinh thái với du lịch đại trà thông thường. 

Ở Việt Nam, du lịch là một ngành phát triển rất mạnh trong vòng 20 năm qua, đặc biệt từ năm 2013 trở lại đây, với số lượng khách du lịch tăng đột biến. Theo đó, du lịch sinh thái (hay nói chính xác hơn là du lịch mang danh sinh thái) cũng phát triển bùng nổ đến mức phải đưa vào luật.

Năm 2005, Luật Du lịch định nghĩa “du lịch sinh thái” là “hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững”. Đến năm 2017, người ta lại sửa khác đi: du lịch sinh thái là “loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường”. Tức là, người ta bỏ đi “phát triển bền vững” - là yêu cầu để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Người ta thay bằng yêu cầu “kết hợp giáo dục bảo vệ môi trường”, thay đổi về bản chất, về yêu cầu. Tôi xin nhấn mạnh là “giáo dục bảo vệ môi trường” chứ không phải là “bảo vệ môi trường” hay “phát triển bền vững”. Nghe thì mỉa mai nhưng định nghĩa đó chẳng khác gì khuyến khích người ta phá rừng rồi viết lên đó những dòng chữ thật to và đẹp: hãy chung tay bảo vệ rừng. 

Tôi cho rằng, đó là một định nghĩa không đầy đủ trong luật, thiếu quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật về du lịch sinh thái, đặc biệt là nhận thức rất sai lệch về du lịch sinh thái, cũng như việc chạy theo lợi nhuận một cách mù quáng. Những điều đó có lẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng du lịch nhân danh sinh thái bùng phát đến mức không kiểm soát được như hiện nay.

Chuyen gia bao ton Tran Le Tra: Bo di phat trien ben vung, su danh doi da o tam quoc gia
Một xe tải cỡ lớn đi vào Tam Đảo II

* Ông có theo dõi quá trình thay đổi từ Luật Du lịch năm 2005 sang Luật Du lịch năm 2017 không?

- Tôi không tham gia quá trình soạn thảo luật nên những câu chuyện đằng sau đó, tôi cũng không biết. Tuy nhiên, nếu nhìn cách diễn đạt về mặt câu chữ, Luật Du lịch năm 2017 chịu sức ép rất lớn của phát triển kinh tế thông qua du lịch. Chắc chắn có những tác động để những người soạn luật bỏ đi mấy chữ “phát triển bền vững” đó. Sự tác động đó đến bằng nhiều cách khác nhau: có thể đến từ địa phương, lãnh đạo địa phương phải nhìn vào những cơ hội để phát triển địa phương, cũng có thể đến từ khối tư nhân, cũng có thể từ chính ngành du lịch muốn mở rộng cung cấp dịch vụ, cũng có thể từ du khách. Ở đây, có sự đánh đổi, hy sinh tài nguyên thiên nhiên với lợi ích kinh tế nhất thời. 

* Đưa vào luật có nghĩa là sự đánh đổi đã ở tầm quốc gia?

- Đúng vậy. Nó thể hiện quan điểm phát triển của quốc gia đó. Tôi cho rằng, đây là một sai lầm rất lớn của những người làm Luật Du lịch. Tất nhiên, Luật Du lịch chỉ là một mặt; ngoài nó, còn nhiều luật và quy định ở bên dưới nó nữa. Nếu tuân thủ một cách có ý thức, trách nhiệm, thì cũng giảm thiểu rất nhiều rồi. Vấn đề là mọi thứ tù mù, không rõ ràng. 

* Dường như ở một bình diện khác, có những chính sách vô tình tạo nên một tấm kim bài “bảo hộ” để du lịch nhân danh sinh thái có đất phát triển? 

- Đúng là ta có nhiều luật đề cập đến du lịch sinh thái: Luật Du lịch (năm 2005, 2017), Luật Đa dạng sinh học (năm 2008), Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (năm 2004), Luật Lâm nghiệp (năm 2017). Các luật cho phép các ban quản lý hay các đơn vị được giao quản lý rừng cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái, hoặc là liên doanh, hoặc cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái. Về cơ bản, đây là một chủ trương đúng đắn; tài nguyên thiên nhiên cần được khai thác và sử dụng bền vững, hợp lý để đem lại những nguồn lợi, để phát triển, cũng như tái đầu tư phát triển. 

Thế nhưng, yêu cầu tiên quyết vẫn là phải sử dụng bền vững, hợp lý. Rất tiếc, chúng ta có nhiều luật nhưng không có luật nào quy định thực sự rõ ràng, đầy đủ về việc cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái. Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014) không nói gì đến du lịch sinh thái. Luật Xây dựng (năm 2014) sử dụng khái niệm hơi lệch là “khu sinh thái”. Nghị định 168 năm 2017 quy định một số nội dung chi tiết của Luật Du lịch không có chữ nào về du lịch sinh thái, dù trong luật có nói về du lịch sinh thái. Nếu đọc các luật, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, Luật Lâm nghiệp 2017 và Quy chế quản lý rừng có lẽ là những văn bản quy định chi tiết hơn về việc cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Tuy nhiên, ngay cả những quy định này, cũng cần phải nghiên cứu, đánh giá và cụ thể hóa hơn nữa.

* Ví dụ như?

Tôi ví dụ: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, yêu cầu hoạt động du lịch sinh thái/môi trường trong phạm vi các khu rừng đặc dụng thì phải tuân theo quy chế quản lý rừng, pháp luật về du lịch, về di sản văn hóa, về bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan.

Nhưng, như tôi nói, khi dẫn chiếu, sang các quy định khác, lại không có. Hay chẳng hạn, thông tư 27 ngày 6/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều trong quy chế quản lý rừng, ban hành kèm theo Quyết định QĐ186/2006 của Chính phủ về quy chế quản lý rừng có quy định khá rõ trong các phân khu của rừng đặc dụng, được làm gì và không được làm gì. Tuy nhiên, ngay cả văn bản có phần rõ ràng này, dù quy định tỷ lệ đất được sử dụng để xây dựng nhưng lại không chỉ rõ quy mô xây như thế nào. Ví dụ, họ xây trên tỷ lệ đất 5% thôi, nhưng xây 20 tầng, thì làm gì họ? Trong khi đó, các quy định của Luật Xây dựng không hề nói. Nói kẽ hở cũng không hề sai.

Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì cụ thể hơn, cho phép chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức/cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái. Họ nhấn mạnh: đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và các chức năng khác; thế nhưng, rất nhiều chủ đầu tư và chủ rừng chỉ cố tận dụng quyền được cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái, lờ đi yêu cầu đảm bảo hoặc không làm ảnh hưởng đến công việc bảo tồn hệ sinh thái của rừng. 

Chuyen gia bao ton Tran Le Tra: Bo di phat trien ben vung, su danh doi da o tam quoc gia
Chuyên gia bảo tồn Trần Lê Trà

Du lịch sinh thái không bao giờ là loại hình ăn chơi thả ga

* Bản chất của du lịch sinh thái là gần gũi, thân thiện với thiên nhiên nhưng với những gì chúng ta thấy ở Bà Nà, Tam Đảo, Cát Bà… du lịch sinh thái đang có xu hướng trở thành du lịch đại trà ngay trong lõi rừng? 

- Du lịch sinh thái không bao giờ là loại hình ăn chơi thả ga cả.

Tất nhiên, để phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau, ta vẫn phải tổ chức các loại hình du lịch khác nhau, trong đó có du lịch đại trà; nhưng du lịch đại trà cũng phải có khu vực của du lịch đại trà, không thể nhập nhằng ở đây. Nếu du lịch đại trà vào lõi rừng quốc gia, rõ ràng là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc bảo tồn đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. 

* Người ta hay nói khách hàng là thượng đế. Với du lịch sinh thái, điều đó còn đúng không?

- Tôi nghĩ, khách hàng lúc nào cũng nên là thượng đế. Tuy nhiên, có là thượng đế đi nữa, cũng phải tôn trọng quy luật tự nhiên, các khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực xã hội - đạo đức, trong đó có cả chuẩn mực do thượng đế đặt ra. 

Xã hội hiện nay khó, thậm chí là không nên chấp nhận loại “thượng đế” chỉ vì thú vui của mình mà bất chấp lợi ích cộng đồng, của thế hệ này và thế hệ sau. Ta cũng không nên chấp nhận những người cung cấp dịch vụ cho loại “thượng đế” đó, những người chỉ vì lợi nhuận mà sẵn sàng cung phụng bất cứ đòi hỏi vô lối nào của nhóm “thượng đế” vô trách nhiệm, thậm chí tìm mọi cách vi phạm pháp luật để kích cầu “thượng đế”.  

* Xin cảm ơn ông. 

Nhóm phóng viên (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI