Bất cập
99 nghệ sĩ (NS) thuộc 6 nhà hát tại Hà Nội nhận hỗ trợ mức 3.710.000 đồng, theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Bất ngờ, danh sách nhận hỗ trợ lại có những ngôi sao như: Thanh Hương, Hồng Đăng... Nhìn vào lượng tác phẩm những cái tên này từng tham dự, số sự kiện mà họ xuất hiện hay tài sản hiện hữu từng được biết đến không khó để đoán được điều kiện kinh tế hiện tại của họ. Thanh Hương, Hồng Đăng cho biết họ nhường khoản tiền hỗ trợ này lại để hỗ trợ cho những đồng nghiệp khác cần hơn. Động thái này đáng hoan nghênh, nhưng cũng cho thấy thực tế rõ ràng công tác phân bổ tiền hỗ trợ có vấn đề, tiền chưa đi đến đúng nơi cần.
|
Diễn viên Thanh Hương là một trong 99 NS nhận trợ cấp từ nhà nước do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 |
Theo tìm hiểu, lương của NS hạng 4 tại các đơn vị nghệ thuật công lập hiện tương đối thấp, chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Một số lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như: tuồng, chèo... rất khó có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Dịch bệnh khiến hoạt động biểu diễn ngưng trệ nên đời sống họ khó khăn là có thật.
Nhưng NSƯT Trần Lực cho biết thực tế tại nhiều nhà hát, những năm qua NS không thể sống được với sân khấu nên chạy show, kinh doanh bên ngoài, đời sống rất khá. NSƯT Thanh Hiền (Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long) cũng cho biết có những NS hạng 4 nhưng xuất thân trong gia đình khá giả. Chưa kể, có những NS hạng 3 theo quy định nhà nước, thu nhập lại thấp hơn NS hạng 4 nổi tiếng, hoặc hoạt động lâu năm, nhưng lại không nằm trong diện hỗ trợ.
“Quy định nhận hỗ trợ như hiện tại có nhiều bất cập. Tiêu chí khó khăn sẽ không đồng bộ với thứ bậc NS trong nhà hát. Việc quản lý hiện tại tôi nghĩ vẫn chưa sâu sát với thực tế. Việc chúng ta cần làm là hỗ trợ những người khó khăn thật sự”, NSƯT Trần Lực nói.
NSND Quốc Anh (Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội) cho biết những trường hợp như Thanh Hương, Hồng Đăng rất ít, chỉ khoảng 10-20%, còn thực tế vẫn có nhiều NS hạng 4 khó khăn.
Gỡ từ đâu? Ai gỡ?
Theo quy định trong Nghị quyết 68, NS hạng 4 trong các đơn vị nghệ thuật công lập sẽ nhận được hỗ trợ. Theo trình tự, Sở VH-TT-DL (hoặc VH-TT) sẽ ra thông báo cho các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, lập danh sách nghệ sĩ nằm trong diện được hỗ trợ, sau đó trình lên Sở để tiếp tục được thông qua. Nhiều đơn vị như: Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long... cho biết trình đúng danh sách NS hạng 4 theo quy định cho cơ quan quản lý. Một đơn vị cho biết sau khi trình danh sách, chỉ vài ngày sau NS đã nhận được tiền.
Theo nhiều NS, trong trường hợp của Thanh Hương, Hồng Đăng, nghệ sĩ hoàn toàn không có lỗi bởi họ gần như bị động trong việc nhận hỗ trợ. Thậm chí, Thanh Hương khi đọc thông tin trên báo mới biết thuộc nhóm đối tượng nhận trợ cấp.
Nhưng liệu có phải là sự lãng phí ngân sách nhà nước, trong trường hợp số tiền trên đến và ở lại nơi thực sự không cần? Chưa bàn đến 3.710.000 đồng là ít hay nhiều nhưng cần nhắc lại thực tế hiện có rất nhiều người dân, người lao động nghèo cần hỗ trợ, đến mức đếm từng bữa ăn.
|
Diễn viên Hồng Đăng nhường lại tiền hỗ trợ để giúp nghệ sĩ khác khó khăn hơn |
Khi được đặt vấn đề vì sao không có sự sàng lọc từ cơ sở, cụ thể là nhà hát, đơn vị gần nghệ sĩ nhất để tránh những ồn ào như vừa qua, NSƯT Tấn Minh (Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long) cho biết: “Đơn vị trình danh sách lên theo đúng văn bản của Bộ VH-TT-DL trình Chính phủ. Miễn ai là diễn viên hạng 4 đều được hưởng”, anh nói. NSƯT Thanh Hiền (Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long) cũng có câu trả lời tương tự.
NS Tấn Minh khẳng định đơn vị không thể linh động. “Chúng tôi muốn người khó khăn hơn được giúp đỡ cũng không được. Nếu được quyền đó tôi tin có lẽ đã không có sự việc như vừa qua”, anh khẳng định.
Sở VH-TT Hà Nội lại cho rằng danh sách nghệ sĩ trình lên thì nhà hát phải chịu trách nhiệm. Khi trình danh sách lên cấp trên cơ quan này cũng đã làm đúng theo Nghị quyết 68/NQ-CP, không thể cắt ai, hoặc thêm ai.
Trong khi đó, trong chia sẻ mới đây, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL ông Tạ Quang Đông cho rằng chính sách chuẩn, đối tượng nhận cũng chuẩn, mang tính đại trà, đáp ứng số đông. Sự việc của Hồng Đăng, Thanh Hương ông cho rằng Sở VH-TT Hà Nội và Nhà hát Kịch Hà Nội máy móc trong việc xét duyệt hồ sơ, quen kiểu hành chính quá nặng.
Nhà hát nói không có quyền, Sở nói làm đúng, còn Bộ lại quy trách nhiệm cho nhà hát và Sở. Vậy cuối cùng, trách nhiệm của ai?
NSƯT Trần Lực cho rằng việc hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn cần dựa trên khảo sát thực tế, chứ không thể canh theo thứ bậc. NSƯT Tấn Minh cũng đồng ý với giải pháp này hoặc có hướng dẫn cụ thể để nhà hát được quyền sàng lọc trước. “Như thế việc hỗ trợ sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất”, anh nói.
Nhiều lực lượng khác cần được hỗ trợ
NSND Quốc Anh nói: “Tôi cho rằng chính sách cần hài hoà hơn để có thể hỗ trợ được cả anh em công nhân hậu đài, nghệ sĩ ngoài biên chế. Họ là lực lượng hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chưa nằm trong diện được hỗ trợ”. NSƯT Thanh Hiền, NSƯT Tấn Minh, đại diện Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đều đồng ý với quan điểm này.
Riêng tại TPHCM, nơi có nhiều đơn vị xã hội hoá, nghệ sĩ tự do gặp khó khăn trong suốt 2 năm qua. Trong khi đó, lực lượng này chiếm con số không nhỏ trong việc xây dựng nên nền văn hoá, giải trí. Một nghệ sĩ kỳ cựu cho biết chị đã nhiều lần có ý kiến nhưng hiện chưa thấy sự việc tiến triển đến đâu nên cảm thấy chán nản. Gần đây, Sở VH-TT TPHCM có vận động được nguồn tài trợ từ Mạnh Thường Quân để hỗ trợ 1.000 phần quà cho nhóm này.
|
Trung Sơn