Chuyện gì đã xảy ra ở "Căn phòng bí mật"?

24/09/2024 - 13:03

PNO - "Panic Room" ra mắt năm 2002, làm dấy lên tranh luận về giới, khi được nâng tầm và khắc họa rõ nét thông qua sự thay đổi diễn viên nữ vào phút chót.

Diễn viên góp phần biến đổi nhân vật

Phim Panic Room (tạm dịch: Căn phòng khủng khiếp) có câu chuyện được lấy cảm hứng và hình thành từ các bản tin xuất hiện trên báo chí Mỹ năm 2000, về việc “phòng an toàn” đang trở nên phổ biến trong giới nhà giàu sống ở những khu vực thành thị của nước Mỹ.

Bìa DVD phim Panic Room
Bìa DVD phim Panic Room

“Phòng an toàn” (safe room) cũng được gọi là “phòng hoảng loạn” (panic room), vốn dĩ là loại phòng kiên cố được lắp đặt trong nhà riêng hoặc doanh nghiệp, làm nơi ẩn náu tạm thời cho cư dân hoặc nơi trú ẩn an toàn cho nhân viên, trong các trường hợp bị xâm nhập nhà bất hợp pháp, bị bão và lốc xoáy, bị tấn công khủng bố hoặc các mối đe dọa khác. “Phòng an toàn” thường có thiết bị liên lạc để có thể kết nối với cơ quan thực thi pháp luật. Riêng các “phòng an toàn” đắt tiền của giới giàu có ở Mỹ thường có tường và cửa chặn, được gia cố bằng các tấm thép dày hoặc sợi thủy tinh chống đạn. Chúng thường được trang bị các vật dụng khẩn cấp và sinh tồn cơ bản. “Phòng an toàn” cao cấp có thể có tủ đựng súng (theo luật pháp Mỹ), hệ thống lọc không khí sinh học loại bỏ các chất gây ô nhiễm sinh học và hạt nhân, nút báo động khóa toàn bộ ngôi nhà.

Kristen Stewart đã nhận được đề cử giải thưởng “Young Artist Award” (“Diễn viên trẻ xuất sắc nhất”) vào năm 2003 cho vai diễn trong Panic Room.

Với vai diễn đầy thuyết phục trong phim này, Jodie Foster cũng đã được đề cử giải thưởng “Saturn Award” (giải thưởng Sao Thổ) ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

Với bối cảnh đặc trưng như thế, Panic Room kể về một phụ nữ vừa ly hôn (Jodie Foster thủ vai) cùng cô con gái 11 tuổi (Kristen Stewart vào vai) vừa chuyển đến sống trong 1 ngôi nhà 4 tầng ở Upper West Side của thành phố New York (Mỹ). Ngay trong đêm đầu tiên về nhà mới, họ đã phải đối đầu với 3 tên trộm đột nhập lúc nửa đêm. 2 mẹ con nhanh chóng tìm cách chạy trốn vào “phòng an toàn”. Từ đây, căn phòng này đã trở thành “phòng hoảng loạn” chẳng những với mẹ con cô mà còn với chính những kẻ xâm nhập. Những cuộc tấn công qua lại như thể “mèo vờn chuột” cũng lần lượt được thể hiện trong suốt chiều dài câu chuyện đầy căng thẳng và nhiều kịch tính này.

Trong một câu chuyện phim tưởng chừng đơn thuần là “chống trộm”, cùng cách kể chuyện kịch tính và đầy chất hình ảnh của đạo diễn David Fincher khi kết hợp ăn ý với nhà quay phim Conrad W. Hall, Panic Room lại được giới nghiên cứu và phê bình quốc tế chú trọng tranh luận về khuynh hướng bình đẳng giới trên phim, thông qua diễn xuất nổi bật và đầy thuyết phục của nữ diễn viên chính Jodie Foster. Điều thú vị là vai diễn của Jodie Foster ban đầu do nữ diễn viên Nicole Kidman đảm trách. Nicole Kidman được chọn vào vai người mẹ (nhân vật Meg Altman) nhưng cô buộc phải rời bỏ dự án này vì một chấn thương chưa lành từ phim trước đó.

Các diễn viên được đồn đoán sẽ thay thế gồm Sandra Bullock, Angelina Jolie nhưng rồi cuối cùng, vai diễn người mẹ bị mắc kẹt trong căn phòng hoảng loạn thuộc về Jodie Foster. Để tham gia Panic Room, Jodie Foster đã từ chức trưởng ban giám khảo giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes năm 2001.

Đạo diễn David Fincher cho biết, nếu đó là vai diễn của Nicole Kidman, nhân vật người mẹ sẽ có thế mạnh “về sự quyến rũ và thể chất” trong khi với sự thay thế từ Jodie Foster, nhân vật nữ trong câu chuyện phim sẽ “mang tính chính trị hơn, về hướng thể hiện nữ quyền”. Nhân vật Meg Altman ban đầu được thể hiện trong kịch bản là có phần bất lực khi bị bọn trộm đột nhập vào nhà một cách bất ngờ vào nửa đêm. Vậy nhưng, với sự tham gia của Jodie Foster, nhân vật này đã được sửa đổi để trở nên mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, nhân vật Sarah Altman - con gái nhỏ của Meg Altman - cũng có sự thay đổi về diễn viên thủ vai.

Quá trình tuyển diễn viên đã được bắt đầu vào năm 2000, với Nicole Kidman vào vai người mẹ và Hayden Panettiere vào vai con gái. Vào tháng 12/2000, trước khi bắt đầu quay phim, Hayden Panettiere đã rời khỏi dự án và vai diễn được thay thế bởi Kristen Stewart. Việc thay đổi diễn viên nhí cũng dẫn đến việc nhân vật người mẹ đã được viết lại.

Hậu trường phim
Hậu trường phim

Phim thể loại tội phạm lại làm dấy lên tranh luận về giới

Hẳn nhiên, ngoài việc nhập vai hoàn hảo từ các diễn viên nữ chính và nữ thứ (cặp đôi nhân vật mẹ - con) và cả từ phía các diễn viên nam khi vào vai những kẻ xâm nhập, Panic Room cũng làm dấy lên những cuộc tranh luận về giới từ các nhà quan sát và hoạt động xã hội đương thời, bởi bối cảnh câu chuyện phim được lồng ghép tuyệt vời cùng tính cách các nhân vật nữ.

Chẳng hạn, học giả Jyotsna Kapur - giáo sư về nghiên cứu điện ảnh và truyền thông tại Đại học Southern Illinois, Carbondale, Mỹ - cho rằng điện ảnh Hollywood luôn xác lập tính cách nhân vật khuôn định về giới tính, theo kiểu mô tả nhân vật nam chính là “một chủ thể lý tưởng, người suy nghĩ nhanh nhạy và vượt qua nỗi sợ hãi để tìm ra những kẻ chủ mưu”. Ngược lại, nhân vật nữ chính thường xuyên “đầu hàng nỗi sợ hãi của mình, trở nên ảo tưởng và dễ bị ám thị”. Bà Jyotsna Kapur trích dẫn nhân vật Meg Altman là một mô tả như vậy, với tình trạng ly hôn của cô và nơi ở của cô - trong một ngôi nhà quá lớn đối với cô và con gái nhỏ. Nữ học giả này cho biết, xác lập mô tả như thế cho khuôn mẫu phân biệt giới tính là quá giản lược. Bà Jyotsna Kapur nhớ lại các bộ phim Mỹ những năm 1940, trong đó hình ảnh một phụ nữ bước vào nhà chồng như một người lạ, với “ngôi nhà và người chồng là nguồn gốc của sự phụ thuộc và sợ hãi”. Học giả này đối chiếu chúng với những bộ phim mới như Panic Room, trong đó các nhân vật nữ chính thay vì thụ động thì sẽ chủ động, bằng hành động bảo vệ bản thân và sẵn sàng chống lại những kẻ xâm nhập.

Cảnh 2 mẹ con bị mắc kẹt trong “căn phòng hoảng loạn”
Cảnh 2 mẹ con bị mắc kẹt trong “căn phòng hoảng loạn”

Ký giả Joe Morgenstern của tờ The Wall Street Journal lại ghi nhận “bộ phim Panic Room đã lột tả hành động bùng nổ như một hệ quả của tính cách, thông qua kỹ thuật quay phim”. Đồng thời Joe Morgenstern khen ngợi nhân vật Meg và Sarah trong câu chuyện phim là những nữ anh hùng theo chủ nghĩa nữ quyền.

David Fincher hình dung Panic Room là một bộ phim có chủ đề về sự sống còn. Bộ phim trước đó của ông là Fight Club (phát hành năm 1999) có 400 cảnh và 100 địa điểm. Vì vậy, ông muốn đơn giản hóa quá trình sản xuất Panic Room. Vì mục đích trên, ông muốn tập trung sản xuất vào một bối cảnh duy nhất khi quan tâm đến tính cô đọng của câu chuyện phim (xảy ra ở 1 nơi trong 1 đêm).

Trailer phim Panic Room:

David Fincher tin rằng bóng tối góp phần tạo nên yếu tố gây sợ hãi. Khi bắt đầu sản xuất, ông dự định quay nửa đầu bộ phim trong bóng tối hoàn toàn nhưng sau đó, ông nhận ra rằng điều đó sẽ đòi hỏi quá nhiều sự kiên nhẫn từ khán giả. Do vậy, ông đã chọn “bầu không khí u ám” làm bối cảnh cho nhân vật Meg và Sarah Altman.

Khán giả được CinemaScore thăm dò trong tuần đầu công chiếu đã cho Panic Room điểm “B” trên thang điểm từ A+ đến F. Đối tượng khán giả là 53% nữ và 47% nam, trong đó 62% khán giả từ 25 tuổi trở lên.

Bộ phim đạt doanh thu phòng vé toàn cầu 197 triệu USD (ngân sách đầu tư sản xuất là 48 triệu USD).

Châu Quang Phước - Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI