Chuyện gì cũng xem như không, vậy là… xong

24/07/2018 - 15:00

PNO - Như trong mấy bộ phim của TVB, cuộc sống muốn hạnh phúc thì cứ chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không là xong...

Chẳng thà bắt quả tang, sờ sờ chứng cứ ra đó thì dễ xử lắm. Cứ làm thẳng tay, dứt khoát một lần, vậy là xong. Nhưng nói thế, những việc cửa việc nhà, chuyện anh chuyện em lặt vặt, thuộc nhóm “chẳng chết thằng tây nào” mới mệt đầu.

Chuyen gi cung xem nhu khong, vay la…  xong
 

Có anh chàng nọ, sau một ngày làm việc bở hơi tai, còn bị sếp quở trách một cách vô lý, nên trong lòng bực bội. Tan sở, anh thở phào, phóng xe về. Dù vậy, cái sự bức bối vẫn còn ngang ngang cổ họng, nuốt không trôi. Về đến nhà, thay vì tháo giày đặt vào vị trí quen thuộc, anh đá phắt đôi giày ngay giữa phòng khách, rồi nằm kềnh trên sa-lông nghỉ mệt.

Nhìn cảnh ấy, nếu cô vợ cứ lờ đi hoặc hỏi: “Hôm nay anh mệt hả? Để em pha cho ly nước chanh nha”. Câu hỏi mang đầy sự quan tâm ấy (mà không buồn nhắc đến chuyện giày dép vứt lung tung) sẽ giúp chàng ấm lòng, dù chưa cần phải nói ra những ấm ức, bực bội. Ngược lại, nếu lúc ấy, cô vợ nhắc nhở chàng chuyện giày dép, thậm chí chua thêm vài câu về sự luộm thuộm, không ngăn nắp của chàng, chiến tranh rất có thể sẽ nổ ra.

Dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ, chỉ cần nhẫn nhịn một chút, mọi thứ sẽ dễ chịu hơn, đặc biệt là những chuyện vốn nhỏ như đôi dép đặt sai chỗ hay ly cà phê uống xong vẫn để trên bàn. Không phải chúng ta dễ dãi với những chuyện không ưng ý hay mặc kệ nhau mà vấn đề là những chuyện ấy liệu có đáng phải làm cho tới đầu tới đũa, phải rõ đúng sai. Những chuyện ấy có đáng để chúng ta đánh đổi một khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc của gia đình, của bản thân? Nếu không, hãy lờ đi cho xong.

Chuyen gi cung xem nhu khong, vay la…  xong
 

Mới hôm kia, đôi vợ chồng hàng xóm của tôi có màn đấu khẩu kịch liệt. Lý do nhỏ hay lớn tùy bạn nghĩ: cô con gái nấu cơm bị nhão. Ngồi vào mâm cơm, ông bố xem như bình thường, vẫn cố ăn, dù chắc chắn không ngon miệng. Trái lại, người mẹ lại khó chịu, mắng con: “Con gái con lứa, nấu ăn thế này thì sau này lớn lên, ma nào nó rước”. Cô con gái rượu tự ái, khóc thút thít, bỏ cơm. Ông bố xót con, quay sang trách vợ. Bà vợ thấy mình có lý, cũng quát lại chồng cái tội “gì cũng bênh con”.

Nghe chuyện hàng xóm, tôi nhớ cách ứng xử của nhà thơ Tú Mỡ. Con trai ông kể: “Cuộc sống tuy khó khăn, đạm bạc nhưng niềm vui vẫn đâm chồi nảy lộc trong gia đình. Một lần, chị tôi nấu cơm vừa nát vừa khê, bị mẹ tôi chê là con gái đoảng. Bố tôi vẫn bình thản ngồi ăn và ứng khẩu hai câu thơ: “Sống: bùi, nát: dẻo, khê: thơm/ Đố ai nấu được nồi cơm ba mùi”. Lần khác, chị tôi rang tôm, lỡ tay cho quá nhiều đường. Đến bữa ăn, gắp tôm đầy đường, bố tôi vừa nhấm nháp vừa khen: “Con bé làm mứt tôm thế mà ngon”. Cả nhà bật cười vui vẻ, còn chị tôi thì cười mà đỏ mặt, hẳn là thấm thía với lời phê bình nhẹ nhàng đó lắm”. Cùng một chuyện, nhưng nếu ta nhìn theo hướng tích cực và bao dung, sự việc sẽ khác.

Ngày kia, tôi nhận được điện thoại của chị bạn. Chị kể, từ nhiều năm nay, chị có sở thích mua giày. Hễ có mẫu mã mới, thấy ưng ý, vừa túi tiền là mua. Chị mua rất nhiều giày, nhưng năm thì mười họa mới xỏ chân vào, còn thường thì chúng vẫn nằm trên kệ từ ngày này qua tháng nọ. Chồng chị trông cảnh ấy mà ngứa mắt nên nhân dịp chị đi công tác, anh gọi cô em gái sang và cho phứt đi một mớ giày.

Biết chuyện, chị cáu lắm. Ví dụ anh đem giày đi vứt hay to gan đem cho bồ thì dễ xử, đằng này lại cho em gái. Chị nhờ tôi tư vấn xem nên làm sao. Tôi đáp: “Chẳng lẽ đi đòi lại? Chỉ vì đôi giày, đôi dép, lẽ nào chị làm mất mặt chồng? Thôi thì chị hãy lờ đi, xem như không có gì xảy ra. Mà nói cho cùng, mấy đôi giày đó, có bao giờ chị sử dụng đến đâu”. Chị nghe tư vấn, không nhắc gì chuyện giày dép với anh. Đổi lại, sự ấm ức của chị đã được xoa dịu khi cô em chồng hết lời khen ngợi bà chị dâu hào phóng, quá đáng yêu, lại có gu thẩm mỹ - biết lựa giày đẹp.

Từ hai người xa lạ, do hợp tính hợp nết hay duyên số, chúng ta chọn ăn đời ở kiếp cùng nhau. Chắc chắn là, dù ai nói gì đi nữa, cũng sẽ không bao giờ có chuyện hai con người “hòa thành một”. Thỉnh thoảng sẽ có những va vấp, những chuyện không ưng ý. Cách tốt nhất, chúng ta cứ lờ đi nếu đó chỉ là “tiểu tiết”, không ảnh hưởng gì đến “đại cuộc”. Có như thế ta mới dễ sống với nhau, chứ hễ gặp chuyện không ưng ý lại cãi cọ cho bằng được thì có khi tan cửa nát nhà.

Như trong mấy bộ phim của TVB, cuộc sống muốn hạnh phúc thì cứ chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không là xong. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI