Chuyện gắp thức ăn thời corona

16/02/2020 - 05:17

PNO - Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, cần kiên quyết từ bỏ hai thói quen khi ăn: gắp đũa riêng vào món ăn chung, và chấm chung một chén nước chấm.

Một bà vợ đi ăn cưới về vội kể lể than phiền với ông chồng. Bà hết càm ràm về một bà bạn cứ tích cực gắp một món mà họ nghĩ là ngon cho bà, không cần biết bà có thích hay không.

Rồi bà than sảnh đãi tiệc nhỏ, phòng kín mở máy lạnh, mà cái ông ngồi bên cạnh cứ chốc chốc lại rít thuốc. Rồi thì nhạc mở ầm ĩ quá, chẳng ai nói chuyện tâm sự gì được… 

Chờ vợ xả hết bực dọc, ông chồng mới hỏi han, hóa ra bà ấy dị ứng với những đôi đũa cùng nhúng vào một dĩa thức ăn, hay là gắp cho nhau. Cái sảy nảy cái ung, nhìn đâu cũng thấy bực bội, khó chịu.

Theo ý bà, việc gắp thức ăn mời nhau như vậy chẳng vệ sinh chút nào. Có người trở đầu đũa, có người quên. Căng hơn, bà khẳng định, không chỉ thể hiện tính xuề xòa, mà điều đó còn mang lại cho người khác cảm giác “ớn lạnh”. Biết đâu chủ nhân đôi đũa ấy có những bệnh gì. Lớn tuổi rồi, ai chả đầy bệnh trong người.

Ông chồng thở dài bảo: “Tiệc cưới còn lịch sự chán, chứ vào bàn nhậu, có khi còn cả tình trạng uống chung một ly. Chưa hết, mỗi lần cạn ly các ông lại đưa tay ra bắt. Bắt gì mà bắt lắm thế”. 

Cuối cùng hai vợ chồng kết luận, tưởng ra ngoài gặp bạn bè đông vui, hóa ra cũng rước khối cái bực mình về nhà. Mà chuyện lại chẳng đáng chút nào. Lúc này bà vợ mới à lên: “Tại sao người ta không để một cái gắp cạnh các đĩa thức ăn nhỉ?”. Người mình có thói quen ăn uống chung. Nhiều mâm cơm tập thể, bốn người chung một tô canh, ai nấy cứ khoắng đũa vào, thật chẳng văn minh chút nào. Đám giỗ cũng vậy, chỉ một nồi lẩu mà không biết bao nhiêu đôi đũa cùng khua. Cứ như những nhà hàng sang trọng đi, thức ăn bưng ra, người phục vụ chia hết từng chén với một cái muỗng riêng. Vừa hết thức ăn mà lại vệ sinh, khỏi ai gắp mời ai. 

Ông chồng mới từ tốn bảo: “Thế thì bà tập dần thói quen trong nhà mình đi. Mỗi món sẽ có riêng một cái gắp bên cạnh. Từ trong nhà mới ra ngoài ngõ. Hoặc theo kiểu người Hàn, ăn bằng muỗng và gắp bằng đũa. Mỗi người một chén canh, một chén nước chấm riêng, cấm tiệt cái vụ chọt đũa vào tô canh”. 

Bà vợ nghĩ cũng có lý. Muộn còn hơn không, tập trong nhà trước, thành nếp thì mới mong nhân rộng ra xã hội. Bà nhớ lại các đoạn phim dạy nấu ăn trên YouTube, thấy trong mâm cơm của người Việt ở nước ngoài luôn có cái gắp. Ai cần lấy gì đều dùng gắp. Mà cái gắp của họ cũng đẹp. Chỗ tay cầm bọc nhựa hay cao su trông rất êm, đầu gắp cũng thế, không phải trơ “xương” như cái gắp nhà mình, khi rửa không cẩn thận, xước tay như chơi. 

Ông chồng gợi ý: “Chần chừ gì nữa, mai ra siêu thị kiếm mua chục cái gắp thật đẹp về sử dụng. Không chỉ tập thói quen, mà vật dụng mới, xinh xắn, cũng tạo cảm giác thích thú khi ngồi vào bàn ăn”. Ông kết luận: “Tập một thói quen bao giờ cũng khó khi bắt đầu, nhưng đã thành nếp rồi, không có lại thấy thiếu, khó chịu”. 

Như vậy, vấn đề là thói quen và cách nhìn văn minh. Cái gắp là chuyện nhỏ, nhưng từ một thói quen nhỏ, cho dù là muộn, vẫn có thể tạo nếp tốt cho con cái.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quả thật, lần đầu tiên vợ chồng nhà này đồng quan điểm nhanh đến vậy. Những chuyện này nếu xảy ra hồi còn trẻ, có thể ông sẽ buông một câu: “Ôi dào, vẽ chuyện, người xưa sống thế cũng sinh con đẻ cái hà rầm”. Còn bây giờ, ông hiểu, chính sự xuề xòa dễ dãi đã khiến cuộc sống tích tụ những điều khó chịu, mà do cả nể chẳng ai dám nói với ai, rồi đâm ra bực dọc nhau. 

Cậu con trai ngồi gần đấy góp đùa một câu: “Tình hình này dễ khiến mỗi khi đi ăn tiệc con phải đem theo cái gắp”. Cô con gái nghe thế liền bảo: “Anh dùng cái gắp mà người khác dùng đũa riêng vào món ăn chung thì cũng thế thôi. Quan trọng là chuyển động của guồng máy chứ không phải một toa xe”. 

Câu chuyện trên đặt ra một vấn đề trong tình hình dịch bệnh căng thẳng hiện nay, là chúng ta cần kiên quyết từ bỏ hai thói quen khi ăn: gắp đũa riêng vào món ăn chung, và chấm chung một chén nước chấm, cho dù là mâm cơm gia đình, chỉ những người trong nhà với nhau. 

Tuy vậy, để tạo thói quen sử dụng cái gắp thức ăn riêng, không phải chuyện dễ dàng, bởi việc gắp đũa riêng vào thức ăn chung bấy lâu đã ăn sâu vào thói quen người Việt, rất khó bỏ. Dịp tết vừa rồi, tôi có tham dự một bữa tiệc nhỏ ở nhà một người bạn. Cho dù chủ nhân đã cẩn thận đặt từng cái gắp bên cạnh các dĩa thức ăn, nhưng không phải ai cũng ý thức thực hiện triệt để việc sử dụng nó. Cái gắp bị gạt qua một bên, lạc lõng. Thiết nghĩ, giữa tâm dịch bệnh, có lẽ chúng ta cần phải đồng loạt thay đổi thói quen xấu trong ăn uống này đi. Muộn còn hơn không, bắt đầu từ một cái gắp, quá đơn giản mà, phải không? 

Thanh Tuyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI