Gõ vào cửa sổ chat với cái nick Tran Duy trên facebook, bạn bè phải hỏi ngay “ai trả lời đó, Nga hay Trân?”. Thật ra, hỏi vậy để mà dễ xưng hô với người trực tiếp gõ máy, chứ bạn bè đều biết rằng ở đâu và lúc nào, Trân - Nga cũng đang bên cạnh nhau và nói chuyện với cái tên nào thì cũng chỉ là nói chuyện với một - người - đôi mà thôi.
Hình ảnh đôi vợ chồng “gắn với nhau như sam” trên mọi cung đường của cuộc sống ấy đã trở thành quen thuộc với bạn bè đến mức hình như cái sự thiếu hụt đi một thiên thần bé nhỏ trong cuộc sống chung của họ chưa bao giờ trở thành nỗi băn khoăn.
Hai nửa đen - trắng
Câu chuyện tình yêu của đôi vợ chồng Duy Trân - Bích Nga bắt đầu từ một kỷ niệm dễ thương. Hồi đó, Nga làm ở phòng tư liệu cho một cơ quan nhà nước. Một buổi, cô ra ngồi trực giùm người bảo vệ, anh Trân đến cơ quan Nga làm để xin “chân” bảo vệ còn đang thiếu người. Xách cái xe chạy thẳng vào cổng cơ quan, anh bị cô bảo vệ chặn lại, la hét rầm trời.
Kỷ niệm ấy khiến anh chàng Trân vốn nhút nhát và kém tự tin chú ý, thích thú và cuối cùng là nhất quyết đeo đuổi cô gái có phong cách hippy với mái tóc bồng bềnh xoăn tít, những bộ quần áo bụi bụi và tính tình mạnh mẽ, quyết liệt.
Lần đầu tiên đưa Trân về ra mắt gia đình, mẹ của Bích Nga và mấy bà hàng xóm đã kêu lên, chẳng hiểu vì sao mà Nga lại yêu một anh chàng… xấu thế. Bởi Nga vốn là cô gái xinh xắn, trong khi đó thì Trân đen thui và thô ráp, hơn nữa lại có vẻ khắc khổ và vất vả.
Sự đối lập ngoại hình đã khiến hai người mỗi lần đi uống nước, ăn cơm cùng nhau ngoài quán là được các cô bé bưng bê chạy bàn rất tự nhiên gọi: chú Đen - cô Trắng. Lâu dần, hai cái tên đó trở thành nick name của hai vợ chồng, hai cái nick không thể tách rời khỏi nhau.
Sự đối nghịch tính cách cũng làm nên sự gắn bó kỳ lạ của đôi vợ chồng. Họ đúng là hai cực của một khối nam châm, hút nhau chính vì những điều khác biệt, những điều khác biệt khiến họ có thể “cài răng lược” vào nhau. Mạnh mẽ và phóng khoáng đến mấy, người phụ nữ cũng cần một người đàn ông biết yêu thương và chăm sóc. Đó là điều mà Nga tìm thấy ở người đàn ông chị đã chọn.
Cũng như Trân, dù có chịu đựng mọi khó khăn, dám nhận những phần thua thiệt của cuộc sống về mình đến nào, anh vẫn không thể thiếu được sự ủng hộ hết lòng, chấp nhận và hiểu con người anh như là anh sinh ra. Họ hòa vào nhau rất tự nhiên, như tìm được phần thiếu, phần bổ sung cho con người và cuộc đời của mình.
Hơn 20 năm gắn bó, trải qua những vất vả khó khăn trong mưu sinh vì cả hai đều nặng gánh gia đình, đều chung tính cách e ngại những tranh giành, ngại chuyện phải nỗ lực để mưu cầu vật chất, cuối cùng họ cùng nhau rời bỏ những công việc ổn định, rời bỏ những tính toán thiệt hơn, chọn một cuộc sống tự do mưu sinh theo sở thích, đam mê của mình: chụp hình, viết báo. Điều quan trọng nhất của họ là lúc nào cũng được ở bên cạnh nhau, nhìn thấy nhau và người này hiểu rằng người kia đang vui, thế là đủ.
Hạnh phúc không cần "dấu cộng"
Hơn 20 năm chung sống, không ít lần có người hỏi họ: “Sao hai người không chữa chạy, để có một đứa con”. Nghe những khuyên giải, vợ chồng Duy Trân - Bích Nga chỉ cười nhẹ nhàng. Thay vì thanh minh hay giải thích, họ kể cho những người quan tâm và yêu thương họ nghe những khó khăn của họ trong suốt những năm tháng cùng nhau.
Đó là những ngày Trân mất việc, chạy xe ba gác kiềm tiền. Là những khó khăn khi họ sống trong mái nhà chung đông anh em với những phức tạp nảy sinh. Là những xoay xở để có một chỗ ở riêng. Là gánh nặng hiếu đễ với cha mẹ già hai bên. Tất cả những lo toan ập vào hai người trẻ không mấy giỏi thu xếp và tính toán khi bắt đầu rảnh rang mọi việc, để nghĩ đến cuộc sống của chính mình thì tất cả đã thành nếp.
Hạnh phúc với họ lúc đó là được bình an bên cạnh nhau, không phải chạy vạy từng đồng, không phải lo lắng cho người này người khác và bắt đầu được làm những gì mình thích, đơn giản nhất có khi chỉ là chở nhau đi đến những nơi có cảnh đẹp, chụp vài tấm hình, viết thêm vài bài báo cộng tác để có tiền cho những chuyến đi tiếp theo.
“Mình đã chọn cách sống: nếu thấy nặng nề và mệt mỏi quá thì buông, nên chuyện con cái lúc đó sẽ là quá phức tạp. Dù sao chỉ có hai người, nhu cầu sống cũng đơn giản và dễ dàng hơn”. Cứ thế mà họ đi qua những năm tuổi trẻ mà chưa kịp có một đứa trẻ trong nhà.
“Đến khi có chút thảnh thơi để lo cho mình thì… tuổi cả hai đứa cũng khá lớn. Nghĩ rằng cố gắng để có đứa con… lỡ rồi nó bị bệnh hay gì đó thì sao? Mình cũng lớn tuổi rồi, cha già con mọn, cuộc sống bất định quá, lỡ có chuyện gì, người này còn một mình sao nuôi nổi con… Thôi, cứ hai đứa thế này với nhau cũng vui, được chăm sóc nhau, yêu thương nhau đã là đầy đủ. Cuối cùng thì hạnh phúc là gì? Một đứa con, ngoài việc “nối dõi tông đường” (mà nhà Trân đã có các cháu làm việc đó tốt rồi) thì theo như người ta nói, cũng là để vợ chồng ngày càng thêm gắn bó, yêu thương nhau.
Nhưng điều đấy thì hai vợ chồng đang có được, thì thôi, cố gắng làm chi, kiếm tìm, vật vã làm chi nữa, cuộc sống đang yên đang lành mà. Thôi thì có ai đó thấy mình ích kỷ thì mình chịu vậy. Ai đó nói mình ngại khó, mình chịu luôn. Cứ để cuộc sống bình yên như hiện tại…”.
Có một lúc nào đó, trên những con đường đầy hoa thơ mộng của Đà Lạt, trên những đồi cát đẹp như vẽ của Phan Thiết mà thấy một đôi vợ chồng người đen thui, người trắng bóc vác máy đi chụp hình cho những đôi trẻ đang làm đám cưới, nếu thấy một đôi vợ chồng cùng phong cách bụi bặm đang lăn lê bò toài để chụp những nhánh cỏ hay đuổi theo để chụp một gánh hàng rong rồi sau đó chia sẻ với nhau những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống mà họ giữ lại trên máy ảnh của mình, thì chắc hẳn đó là vợ chồng Duy Trân và Bích Nga.
Song Văn