|
Chị Phạm Thị Bích Vân (trái) và cháu Thanh Nhã trình bày sự việc tại tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM |
Bị từ chối tiêm ngừa vì không có giấy khai sinh
Không chỉ mất cơ hội được học hành, nhiều năm qua, Nhã cũng bị từ chối quyền được chăm sóc sức khỏe. Chị Phạm Thị Bích Vân - dì ruột của Nhã - kể, có những đợt trường tổ chức tiêm ngừa cho toàn thể học sinh và Nhã cũng có tên trong danh sách. Nhưng đến ngày đưa cháu đi tiêm thì chị nhận được điện thoại báo rằng, Nhã không có giấy tờ tùy thân nên không được tiêm.
“May mắn là bao nhiêu năm qua, cháu chưa gặp chuyện gì nghiêm trọng, chưa phải đến bệnh viện. Nếu trong tình huống cấp bách cần cấp cứu mà cháu bị từ chối vì không có giấy khai sinh thì tôi không biết phải làm thế nào” - chị Vân rầu rĩ.
Chị kể, năm 1995, do làm ăn thua lỗ nên ba chị đã đưa cả gia đình gồm vợ và 3 đứa con (anh trai, chị gái và chị Vân) sang Campuchia sinh sống. Khi đó, chị Vân mới 7 tuổi. Trong hơn 20 năm tha phương xứ người, chị Vân thường xuyên đi làm thuê ở tỉnh khác, thỉnh thoảng mới về thăm gia đình thuê trọ ở Phnôm Pênh. Trong thời gian đó, những người thân của chị Vân lần lượt qua đời. Anh trai mất năm 2011. Đến năm 2014 thì mẹ mất. Năm 2018, ba chị mất vì đột quỵ. Và cũng trong năm 2018, chị gái ra đi sau một thời gian mắc bệnh gan và chịu đựng chứng trầm cảm.
Người thân đều đã ra đi, nhà chỉ còn chị Vân và đứa cháu gái 6 tuổi là con của chị gái. Thương 2 dì cháu bơ vơ xứ người, dì ruột chị Vân khuyên chị sớm đưa Thanh Nhã về Việt Nam để lo giấy tờ cho cháu kịp học hành. Chỉ 3 ngày sau khi chôn cất chị gái thì dì chị Vân từ Việt Nam sang Campuchia đón Thanh Nhã về trước. Còn chị Vân ở lại thu xếp mọi việc, đến năm 2019 mới về hẳn Việt Nam. Chị thuê phòng trọ ở gần nhà cậu ruột tại phường 4, quận 4 và đi phụ quán hủ tíu để có tiền trang trải cuộc sống của 2 dì cháu.
Gian nan hành trình xác nhận danh tính
Về Việt Nam, người thân cũng đã từng ra UBND phường để làm giấy khai sinh cho cháu Nhã nhưng không được, vì cháu không có giấy chứng sinh. Chị Vân cho biết, Thanh Nhã sinh mổ ngày 26/12/2012 tại một bệnh viện tư ở Phnôm Pênh. Khi đó, chị Vân đang đi làm xa nhà nên chỉ có mẹ và dì ruột của chị Vân thay nhau chăm nom chị gái ở bệnh viện.
Chị nhớ lại: “Sau khi chị tôi xuất viện một thời gian, tôi có nghe mẹ và dì bàn tính sẽ mang giấy chứng sinh về Việt Nam để làm giấy khai sinh cho bé Nhã, nhưng không biết quá trình đó diễn ra như thế nào. Cho đến khi mẹ tôi mất, tôi hỏi dì về chuyện khai sinh cho bé Nhã thì mới biết chưa làm, và giấy chứng sinh của cháu cũng thất lạc”.
Không làm được giấy khai sinh cho Nhã, chị Vân liên lạc với những người hàng xóm ở Campuchia nhờ đến bệnh viện nơi sinh bé Nhã để trích lục giấy chứng sinh, nhưng bệnh viện đã giải thể. “Tôi ở Campuchia hơn 20 năm, về đây lạ nước lạ cái nên các dì, cậu chỉ dẫn sao tôi làm vậy, đi đến đâu tôi cũng đi hết. Tôi chỉ mong cháu có được tờ giấy khai sinh để được học tập, được chăm sóc sức khỏe như những đứa trẻ bình thường khác” - chị Vân nói.
Sau khi tiếp nhận câu chuyện của Thanh Nhã, Báo Phụ nữ TPHCM đã chuyển thông tin của bé về Hội LHPN phường 4, quận 4 nhờ địa phương hỗ trợ. Ngày 10/10 vừa qua, UBND phường 4 đã tổ chức cuộc tiếp xúc và trao đổi thông tin cùng với chị Bích Vân liên quan đến việc khai sinh cho Thanh Nhã.
Trong buổi họp, bà Dương Thị Ngọc Thương - Chủ tịch UBND phường 4 - khẳng định: “UBND phường 4 rất muốn làm khai sinh cho cháu Thanh Nhã, tuy nhiên thông tin nhân thân của bé chưa rõ ràng. Mẹ mất (có giấy chứng tử tại Campuchia) nhưng không xác định được cha là ai và giấy chứng sinh của bé cũng không có, do đó, rất khó xác định nhân thân của đứa trẻ. Chúng tôi đề nghị bà Vân cung cấp thêm những thông tin khác có liên quan đến sự việc bà Phạm Thị Bích Tuyền (chị của bà Vân) sinh con tại Campuchia để UBND phường phối hợp cùng các cơ quan liên quan hỗ trợ làm giấy khai sinh cho cháu Nhã”.
Bà Thương cũng khẳng định, trường hợp của cháu Nhã có yếu tố nước ngoài nên không thuộc thẩm quyền đăng ký khai sinh của UBND phường. Tuy nhiên, phường sẽ hỗ trợ, xin ý kiến cấp trên để có hướng giải quyết. Bà Thương đề nghị chị Vân cần quay lại Campuchia để liên hệ, trao đổi với tổ trưởng tại Campuchia - người đã giúp đỡ gia đình bà làm các giấy tờ, thủ tục hành chính trong thời gian sinh sống tại Campuchia để nắm thông tin cháu Nhã đã được đăng ký khai sinh tại Campuchia hay chưa; hoặc tìm cách liên hệ với bệnh viện trước đây - nơi bà Tuyền sinh con - để đề nghị cấp giấy chứng sinh hoặc các giấy tờ khác có xác nhận việc sinh ra cháu Nhã.
Sau buổi trao đổi, chị Vân cho biết, chị sẽ sang Campuchia theo yêu cầu của UBND phường. Tuy nhiên, hành trình trước mắt, với chị hết sức khó khăn vì trong thời gian sinh sống tại Campuchia, chị đi làm thuê ở tỉnh khác nên không sống gần gia đình. Mỗi lần về thăm nhà, chị chỉ tiếp xúc với 1 người hàng xóm. Khi gia đình lần lượt qua đời, chính người hàng xóm đứng ra giúp đỡ làm các thủ tục chứng tử nên chị cũng không biết chính xác “chú tổ trưởng” là ai. Gần đây, khi chị liên lạc lại với người hàng xóm thì được biết, người đó đã chuyển nhà đến địa phương khác sinh sống.
Nguyệt Minh