Tuần lễ phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 10 (từ ngày 3-9/6 tại Hà Nội và TP.HCM) vừa kết thúc với dấu ấn để lại là bộ phim Người lạ, giống Pháp của đạo diễn Philippe Rostan, nói về nỗi niềm của những đứa trẻ lai Á - Âu, sinh ra trong chiến tranh Đông Dương. Phận đời buồn của những đứa con lai Việt Nam trong chiến tranh đã được nhiều phim đề cập, nhưng Người lạ, giống Pháp là phim hiếm hoi nói đến những đứa bé có cha là lính pháp, mẹ là người Việt Nam.
Chiến tranh luôn để lại những góc khuất trong lịch sử ít người biết mà có khi phải đến hàng chục năm sau, bức màn bí mật đó mới được vén mở. Dẫu đã hình dung phần nào bi kịch của con lai - những đứa trẻ thường không được bên nào thừa nhận - khán giả vẫn bàng hoàng trước những sự thật được đạo diễn Philippe Rostan phơi bày trong Người lạ, giống Pháp.
Đó là tình cảnh của hàng ngàn trẻ em lai Á - Âu - kết quả những mối tình giữa lính Tây, chủ yếu là Pháp và gái Việt (mà không ít người bị xem là gái mại dâm) sinh ra trong thời kỳ Pháp đô hộ Việt Nam. Câu chuyện đời của những nhân vật như Maurice, Jacques, Roger, Rene, Antoine, Yến Noele… trong phim chỉ là phần rất nhỏ trong số 45.000 hoàn cảnh con lai ấy. Khi còn ở Việt Nam, họ bị cách ly khỏi mẹ, không được cung cấp bất kỳ thông tin gì về cha ruột. Những người mẹ của họ, vì không biết tiếng Pháp, đã ký vào giấy từ bỏ quyền làm mẹ, chấp nhận cho Pháp đưa con mình đi, sau khi quân Pháp rút về nước vì thua trận Điện Biên Phủ.
Những đứa trẻ đó trở thành người không quốc tịch, không giấy tờ, không được bên nào thừa nhận, sống trong cảnh không gia đình ở 700 tổ chức nuôi dạy trẻ mồ côi khắp nước Pháp và được gọi chung là trẻ F.O.E.F.I (Federation des Oeuvres Enfants Francis Indochine - Hội trẻ em Pháp gốc Đông Dương).
Những hình ảnh tư liệu trắng đen, ghi lại cảnh những bà mẹ tiễn con lên tàu sang Pháp, cùng lời kể đẫm nước mắt của những người trong cuộc về cuộc ly hương đó, khiến người xem không khỏi xót xa. Trong suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ khi ấy, chuyến đi đơn giản như một chuyến du lịch, nhưng chúng không hề biết, đó là chuyến du lịch không có đường trở về. Khi đặt chân đến Pháp, chúng lại bị chia cắt khỏi gia đình lần nữa - anh chị em ruột bị đưa đến sống ở những nơi khác nhau.
Nhưng điều khiến người xem bàng hoàng hơn cả là thân phận của những con lai nữ giới. Vì sự phân biệt giới tính, phần lớn 45.000 trẻ lai Á - Âu được quân Pháp đưa về quê đều là con trai, chỉ khoảng 20% là nữ. Ở quê cha, những người như Yến Noele phải hứng chịu ánh nhìn kỳ thị từ người bản xứ, bởi theo lời bà, trong mắt họ, những thiếu nữ lai đều là gái điếm.
Để không bị “nhận diện” như thế, bà Yến Noele phải nhuộm tóc đỏ và xoăn sao cho giống người Ý. Nhưng dù ngoại hình giống Tây, trong sâu thẳm tâm hồn, người phụ nữ này vẫn rặt Việt. Bà kể: “Tôi thích ăn xoài, vải, măng cụt, không biết ăn chocolate, sữa, bơ, dù sống nhiều năm ở Pháp”.
|
Đạo diễn Philippe Rostan |
Hoàn cảnh của những đứa trẻ lai nữ như bà Yến Noele vẫn còn may mắn so với những bé gái lai bị bỏ lại Việt Nam. Jeanne - chị gái của Jacques và Roger - trải qua cuộc sống thật khủng khiếp ở Việt Nam: bị lừa bán vào nhà chứa, hết nơi này đến nơi khác, mỗi ngày phải phục vụ nhiều lượt khách. Lời bà Jeanne kể lại trong phim như cứa vào tim người xem: “Hồi trẻ, tôi không bao giờ khóc; nhưng giờ về già, nhiều đêm nằm một mình, nhìn vào khoảng không, nước mắt cứ thế chảy”. Ở tận cùng bi kịch mà vẫn không thể khóc, bi kịch đó còn khủng khiếp hơn nhiều lần.
Tất nhiên, trong phim cũng có những khoảnh khắc đem đến niềm vui, như màn trùng phùng với mẹ ruột sau hơn 40 năm xa cách của Maurice, cuộc gặp gỡ giữa Jacques với chị gái Jeanne, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ xua đi nỗi xót xa của người xem về số phận bi thương của những cuộc đời bị đánh cắp.
Nước mắt người già có sức lay động hơn gấp trăm ngàn lần nước mắt người trẻ. Nhìn những nhân vật trong phim, giờ đã là những người ông người bà, thuật lại cuộc đời đầy éo le của họ trong tiếng nấc, khó ai xem mà không ứa lệ. Đạo diễn Philippe Rostan cũng là đứa con lai Pháp - Việt thời chiến tranh Đông Dương. Roger, Jacques, Jeanne chính là anh chị em họ của anh và thông qua họ, anh mới kết nối được với những nhân vật khác. Nhờ vậy, những người trong cuộc mới chịu trải lòng trước ống kính câu chuyện buồn mà nửa thế kỷ qua họ đều cố lãng quên.
Philippe Rostan tiết lộ, bà Yến Noele từng im lặng cả ngày, không muốn kể chuyện cũ, dù đã đồng ý gặp anh. Bộ phim Người lạ, giống Pháp đã hoàn thành cách đây 10 năm và ra mắt tại Pháp năm 2010, nhưng mãi đến Tuần lễ phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam năm nay, khán giả Việt Nam mới được biết đến.
Chiến tranh luôn đi kèm với đau thương, nhưng không đau thương nào lớn bằng việc thế hệ sau không được biết những góc khuất liên quan đến những thân phận thời chiến. Tác phẩm của Philippe Rostan đã để lại ám ảnh mạnh nơi người xem theo cách như vậy.
Hương Nhu