Chuyển động mới ở nhà hát cải lương Trần Hữu Trang

28/09/2024 - 07:43

PNO - Tối 28/9, đoàn 2 - nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sẽ tái diễn vở cải lương mang màu sắc liêu trai Truyền thuyết hồ đoạt mệnh (soạn giả: Hoàng Song Việt) với nhiều đổi mới về thành phần diễn viên, đặc biệt là sự xuất hiện của các gương mặt trẻ.

“Trẻ hóa” lực lượng diễn viên

Truyền thuyết hồ đoạt mệnh là một trong những vở cải lương có sức sống bền bỉ nhất gần 20 năm qua. Vở tái diễn đều đặn hằng năm và luôn thu hút lượng khán giả ổn định. Vở cũng gắn liền với tên tuổi lứa diễn viên trưởng thành từ nhóm Thắp sáng niềm tin (TSNT) từng đoạt Huy chương Vàng triển vọng Trần Hữu Trang, các diễn viên trẻ triển vọng (giai đoạn 2004-2012) như: Lê Tứ, Tú Sương, Lê Hồng Thắm, Lam Tuyền, Thy Trang, Hà Như, Điền Trung, Võ Minh Lâm…

Lần tái diễn này có nhiều sự đổi mới về thành phần diễn viên. Trong đó, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Tú Sương lùi lại, nhận vai thứ hỗ trợ các đàn em. Thay thế Tú Sương vào vai đào chánh, hát cặp cùng NSƯT Lê Tứ là nghệ sĩ Lê Thanh Thảo. Các vai diễn quan trọng khác đều là các gương mặt mới như: Nguyễn Văn Mẹo, Nhật Nguyên, Trọng Hiếu, Trúc Phương.

Sau nhiều năm, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Văn Hợp và Hoàng Hải mới có cơ hội đảm nhận vai chính trên sân khấu đoàn 2  - nhà hát cải lương Trần Hữu Trang trong vở Ngai vàng và tội ác - Nguồn ảnh: Fanpage nghệ sĩ Hoàng Hải
Sau nhiều năm, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Văn Hợp và Hoàng Hải mới có cơ hội đảm nhận vai chính trên sân khấu đoàn 2 - nhà hát cải lương Trần Hữu Trang trong vở Ngai vàng và tội ác - Nguồn ảnh: Fanpage nghệ sĩ Hoàng Hải

Trước đó, vở cải lương Đời Như Ý trở lại hồi cuối tháng Tám cũng chỉ có NSƯT Võ Minh Lâm và NSƯT Lê Hồng Thắm diễn lại vai cũ, còn lại đều thay mới, ưu tiên cho các diễn viên lâu nay ít cơ hội thể hiện. Đặc biệt, vở Ngai vàng và tội ác đổi mới nguyên dàn diễn viên khi những Nguyễn Văn Hợp, Hoàng Hải, Nguyễn Văn Mẹo, Nhã Thy, Trúc Phương… được tin tưởng thay thế các đàn anh đàn chị.

Trong 2 tháng qua, đã có một sự chuyển động mạnh mẽ tại nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, đặc biệt là ở đoàn 2, khi các gương mặt trẻ được chú ý nhiều hơn. Nghệ sĩ Điền Trung - Phó trưởng đoàn 2 - xác nhận đây là định hướng lâu dài nhằm củng cố lực lượng, bồi dưỡng đội ngũ mới của đơn vị. “Thẳng thắn mà nói, nhà hát luôn muốn ra những sản phẩm chỉn chu nhất nên vẫn thường tin tưởng vào nền tảng sẵn có hơn là những người trẻ, đòi hỏi các diễn viên trẻ phải nỗ lực nhiều hơn. Người làm công tác quản lý cũng phải trăn trở nhiều hơn, thực sự quan tâm để nhìn nhận được khả năng từng diễn viên và thấy sự phát triển của họ; từ đó mới mạnh dạn đề xuất kế hoạch, tạo điều kiện cho các bạn trẻ cọ xát các vai diễn khó để dần trưởng thành” - ông chia sẻ.

Còn nhiều khó khăn

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang có lực lượng diễn viên trẻ khá đông đảo. Trong đó, không ít cá nhân đã gặt hái được các danh hiệu ở giải thưởng Trần Hữu Trang, cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc, Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng, Tài danh tân cổ, Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền… và cả huy chương từ các kỳ hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Tuy nhiên, sau các danh hiệu, không phải ai cũng có cơ hội bật lên, thậm chí có người ngày càng nhạt nhòa và thụt lùi so với chính mình.

Vở cải lương nổi tiếng Đời Như Ý dành nhiều đất diễn cho các diễn viên trẻ - Ảnh: Mạnh Hảo.
Vở cải lương nổi tiếng Đời Như Ý dành nhiều đất diễn cho các diễn viên trẻ - Ảnh: Mạnh Hảo.

Có một thực tế dù là “diễn viên trẻ” nhưng phần lớn đã có thâm niên hoạt động trên dưới 10 năm, nhưng đến nay rất khó để khán giả mộ điệu gọi được tên 1 vai diễn. Các “chuông vàng”, “chuông bạc” đang gắn bó với nhà hát ít nhiều để lại ấn tượng với khán giả như Hoàng Hải, Thanh Toàn hay Văn Hợp chủ yếu nhờ việc tìm kiếm cơ hội ở bên ngoài, thậm chí tự lập sân khấu, tự đầu tư tác phẩm để biểu diễn. Sau nhiều năm, Văn Hợp và Hoàng Hải mới có vai diễn chính trên sàn diễn nhà hát trong vở Ngai vàng và tội ác.

Nhiều người vẫn nhớ, nhờ sự quyết tâm của soạn giả Hoàng Song Việt, sự hết lòng hỗ trợ của Ban giám đốc nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (khi đó đứng đầu là cố nghệ sĩ Phan Quốc Hùng) giúp nhóm TSNT hoạt động mới có được những Lê Tứ, Mỹ Hằng, Quỳnh Hương, Tú Sương, Lê Hồng Thắm, Lam Tuyền, Điền Trung, Võ Minh Lâm, Lê Trung Thảo, Lê Thanh Thảo, Nguyễn Minh Trường… của hôm nay.

Ngày trước, nhóm TSNT kiên trì giữ lịch diễn cố định hằng tuần, dù gió mưa, dù mở màn chỉ với 1 hàng ghế khán giả vẫn cứ diễn. “Nghề này, muốn tiến bộ nhanh thì chỉ có trui rèn liên tục trên sàn diễn. Có giai đoạn, tôi bắt các em phải hát 3 suất trong tuần. Có những lần nhìn trên sân khấu diễn viên còn muốn đông hơn khán giả bên dưới nhưng vẫn cứ hát. Cứ kiên trì như thế suốt từ 2004-2008 thì các em thực sự cứng cáp và có sức hút riêng để TSNT có được lượng khán giả ổn định” - soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ.

Thực tiễn sàn diễn hiện nay cộng với việc không có một “ông bầu” sẵn sàng bù lỗ như Hoàng Song Việt đối với nhóm TSNT như trước đây thì thực sự là quá khó để các nghệ sĩ có thể duy trì một lịch diễn cố định. Việc có quá ít suất diễn càng khó để nghệ sĩ có thể tiến bộ hay để lại dấu ấn.

Nghệ sĩ Điền Trung thẳng thắn nhìn nhận đây là vấn đề nan giải, đòi hỏi đơn vị và các nghệ sĩ cùng đoàn kết để tổ chức lại hoạt động biểu diễn ổn định, từ đó xây dựng trở lại cho khán giả thói quen đến rạp xem cải lương. “Ông bà ta có câu “mưa lâu thấm đất”. Hiện tại, mình cứ cố gắng làm, cố gắng quảng bá rộng rãi hơn, nhất là đẩy mạnh quảng bá ở các mạng xã hội để tiếp cận khán giả. Có thể chưa thành công nhưng có nỗ lực sẽ có tiến bộ” - nghệ sĩ Điền Trung tâm sự.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI