Hết cảnh chầu chực chờ khám bệnh
Do đã “ký gửi” dấu vân tay tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định nên mỗi lần cần khám, anh T.V.T. - 42 tuổi, ở quận Bình Thạnh - đi thẳng vào khu khám bệnh, ấn ngón tay vào màn hình điện tử. Chờ hệ thống xác định đúng tên tuổi, mã số bảo hiểm y tế (BHYT), anh bấm chọn phòng khám ngoại tổng quát, máy liền in số thứ tự, sau đó đi đến phòng khám, chờ bảng điện tử nhảy đến số của mình.
Anh so sánh: “Trước đây, do ngán đến bệnh viện nên hễ thấy không khỏe, tôi thường tự đi mua thuốc uống để lướt qua. Lúc đó, tôi phải dậy từ 5g sáng, đem giấy chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm, sổ khám theo rồi đợi hơn 1 giờ mới xong khâu đăng ký khám. Còn bây giờ, mình muốn đi lúc nào thì đi, đến nơi chỉ việc áp tay vào máy là có số chờ khám liền. Như hôm nay, tôi chỉ xin nghỉ nửa ngày làm việc, bởi hơn 10g là tôi khám, lấy thuốc xong rồi”.
|
Bệnh viện Nhi Đồng 1 thông thoáng, không còn cảnh bệnh nhân xếp hàng chờ tới lượt khám |
Đến Bệnh viện Thống Nhất, ông P.V.M.D. - 68 tuổi, ở quận 10 - quẹt chiếc thẻ khám bệnh vào ki ốt, chọn Khoa Tiêu hóa, Nội tiết, rồi chọn bác sĩ quen. Cầm số thứ tự được in ra, ông đi nhanh vào phía trong, thấy bảng điện tử hiện số lượt khám tiếp theo cách số của mình 9 số, ông cười: “May quá, vẫn còn sớm”. Từ khi khám bằng thẻ, ông không cần phải cầm theo sổ khám bệnh, các loại thuốc đang uống, giấy tờ tùy thân nên không sợ quên, sợ mất. Ông nói: “Bác sĩ có sẵn bệnh án của tôi trên máy, con cháu đỡ chạy tới chạy lui khi tôi quên phiếu báo kết quả siêu âm ở nhà. Từ khi vào bệnh viện đến lúc nhận thuốc chỉ mất vài giờ”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định - trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.500-5.000 lượt khám. Đến nay, đã có hơn 20.000 người đăng ký khám chữa bệnh BHYT bằng dấu vân tay. Việc nhận dạng bệnh nhân bằng dấu vân tay vừa chính xác, vừa giúp người bệnh đăng ký, lấy số khám bệnh nhanh, giúp nhân viên y tế xác định người bệnh có thuộc đối tượng ưu tiên hay không để mời vào khám trước. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng kiểm soát được thời hạn thẻ, đối tượng sử dụng, kịp thời phát hiện các trường hợp giả mạo, trục lợi BHYT.
Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thống Nhất - cho biết, trung bình mỗi ngày, khu khám bệnh BHYT tiếp nhận khoảng 2.000-2.500 bệnh nhân, còn khu khám bệnh theo yêu cầu tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân. Do mỗi người bệnh khám ở nhiều chuyên khoa khác nhau nên có khoảng 4.000 lượt khám/ngày. Đa số bệnh nhân là người cao tuổi, mắc các bệnh mạn tính, cần phải tái khám định kỳ hằng tháng.
Theo ông, các cụ lớn tuổi thường hay quên nên trước đây, khi họ làm mất sổ khám bệnh hoặc kết quả xét nghiệm, các bác sĩ khó nắm được lịch sử, khiến người bệnh phải đăng ký khám lại từ đầu, tốn kém chi phí xét nghiệm, chụp chiếu, kéo dài thời gian điều trị. Từ khi số hóa, thông tin bệnh sử của bệnh nhân được lưu trữ trên hệ thống, giúp người bệnh chăm đi khám bệnh hơn, bác sĩ cũng quản lý bệnh tốt hơn, điều chỉnh thuốc phù hợp, phòng tránh được nguy cơ lạm dụng thuốc, hạn chế tình trạng dị ứng thuốc, phản ứng thuốc.
Với bệnh nhân đến khám lần đầu hoặc bị mất thẻ khám bệnh, người bệnh có thể mang căn cước công dân, thẻ BHYT đến quầy tiếp nhận để được nhân viên bệnh viện giúp đăng ký và hướng dẫn sử dụng thẻ. Mỗi lần tái khám, bệnh nhân chỉ cần quẹt thẻ mà không cần phải làm thủ tục lại từ đầu.
Hướng tới khám bệnh không giấy tờ, không dùng tiền mặt
Khi vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám, chữa bệnh, bệnh nhân không phải đi tới khoa này đến khoa khác, xếp hàng đóng tiền mà chỉ cần thực hiện theo quy trình tiếp nhận, khám bệnh, xét nghiệm, kê đơn, lãnh thuốc, thanh toán trong 1 lần. Đó là nhờ bệnh viện áp dụng quy trình khám bệnh “một điểm dừng”, phát hành thẻ khám bệnh thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động khám bệnh từ xa, hoạt động phẫu thuật, kê đơn thuốc, giám sát tồn kho.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng áp dụng phần mềm quản lý thiết bị, giúp bác sĩ biết được số lượng giường bệnh, máy thở ở từng khoa để linh hoạt bố trí bệnh nhân khi quá tải. Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc bệnh viện - nhận xét: “Không chỉ kịp thời cứu người, những ứng dụng này còn giúp bác sĩ, nhân viên y tế được giải phóng khỏi nhiều công việc thủ công để có thời gian tập trung vào chuyên môn và nghỉ ngơi”.
|
Đến với Bệnh viện Thống Nhất, người bệnh có thể quẹt thẻ đăng ký và chọn bác sĩ khám |
Bên cạnh đó, bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 không cần phải chép tay y lệnh, toa thuốc mà gõ trên máy vi tính. Khi nhận dữ liệu, điều dưỡng dễ dàng chăm sóc cho người bệnh, không cần phải lục tìm hồ sơ và tránh được nhầm lẫn thuốc. Bác sĩ trưởng khoa, giám đốc bệnh viện cũng có thể xem bệnh án bất kỳ lúc nào, ở đâu. Thông qua bệnh án điện tử, khi tiếp nhận bệnh nhân từ tỉnh chuyển tới, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ biết toàn bộ quá trình điều trị ở tuyến tỉnh.
Theo Sở Y tế TPHCM, chuyển đổi số trong công tác khám, chữa bệnh, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến tại các bệnh viện là 2 trong số những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế TPHCM trong năm 2024-2025. Đây cũng là nội dung được UBND TPHCM đề cập trong đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Đến nay, nhiều bệnh viện ở TPHCM đã chuyển đổi số hiệu quả, mang lại lợi ích không chỉ cho người dân mà còn cả nhân viên y tế. Việc cần làm của các bệnh viện là chuẩn hóa thông tin, dữ liệu và hình thành kho dữ liệu cho công tác quản lý, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người bệnh, nhập liệu kết quả khám, hướng tới mô hình khám chữa bệnh không giấy tờ, không xếp hàng và không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, ngành y tế TPHCM cũng quan tâm xây dựng bệnh án điện tử bởi đây là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Triển khai bệnh án điện tử đồng bộ giữa các cơ sở y tế giúp tạo ra một hệ thống dữ liệu y tế liên thông, giúp cho việc quản lý và chăm sóc sức khỏe cộng đồng hiệu quả hơn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý y tế, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, đến nay, đã có 54/55 bệnh viện của TPHCM triển khai hệ thống dữ liệu quản lý bệnh viện, hệ thống thông tin phòng xét nghiệm, và 49/55 bệnh viện tuyến thành phố và tuyến quận, huyện đã triển khai hệ thống dữ liệu chẩn đoán hình ảnh, hệ thống lưu trữ và chuyển ảnh. Đây là những hệ thống thông tin quan trọng để tích hợp và liên thông, nhằm hướng tới việc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử cho bệnh nhân.
TPHCM - thành phố của chúng tôi luôn không ngừng nỗ lực chăm lo sức khỏe cho nhân dân không chỉ ở thành phố này mà cho cả nước.
Phạm An
Theo thể lệ, từ ngày 1/1/2025, cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” đã dừng tiếp nhận bài dự thi. Tuy nhiên, Báo Phụ nữ TPHCM vẫn tiếp tục đăng tải những bài dự thi có chất lượng tốt. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố trên báo điện tử Phụ nữ TPHCM (phunuonline.com.vn). | |
Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html |