Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển văn hóa đọc

30/10/2024 - 07:27

PNO - Văn hóa đọc đang được quan tâm hơn bao giờ hết. Sách sẽ được trang bị miễn phí, các không gian văn hóa đọc mới sẽ được khánh thành, các nhà làm sách tham gia ngày càng tích cực trong công tác chuyển đổi số.

Đa dạng không gian văn hóa đọc

Trong khuôn khổ Tuần lễ sách và chuyển đổi số (diễn ra từ ngày 25 - 31/10 tại Đường sách TPHCM), Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã chính thức công bố thiết kế 3 không gian văn hóa đọc/đường sách mới, dự kiến khánh thành từ tháng 3/2025. Theo đó, thành phố sẽ có thêm Đường sách Nguyễn Đổng Chi (quận 7), Không gian sách quận Bình Tân và Không gian sách huyện Củ Chi. Bên cạnh các gian hàng, sân khấu giao lưu, khu vui chơi - đọc sách - sáng tạo dành cho thiếu nhi…, các không gian văn hóa đọc mới đều được chú trọng yếu tố chuyển đổi số (thư viện thông minh, giới thiệu xuất bản phẩm điện tử…).

Bạn đọc trải nghiệm nghe sách nói miễn phí tại Tuần lễ sách và chuyển đổi số - Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM
Bạn đọc trải nghiệm nghe sách nói miễn phí tại Tuần lễ sách và chuyển đổi số - Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM

“Chuyển đổi số” đã trở thành từ khóa quan trọng trong xu thế phát triển tất yếu của thời đại mới. Cuộc hội ngộ của 24 nhà làm sách/công ty công nghệ trong Tuần lễ sách và chuyển đổi số lần này cho độc giả được trải nghiệm hơn 3.000 tựa sách điện tử (ebook), sách nói (audio book). Trong kế hoạch lan tỏa văn hóa đọc của thành phố sắp tới, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM sẽ triển khai chương trình “Trang bị 5 triệu quyển sách cho cơ sở”, bao gồm các xuất bản phẩm điện tử cung cấp miễn phí cho học sinh, sinh viên. Cùng với đó là việc xây dựng 50 thư viện thông minh trong nhà trường.

Không gian văn hóa đọc đã và đang được phát triển đa dạng với nhiều hình thức. Không chỉ là việc mở rộng các địa điểm, tạo sân chơi tương tác trực tiếp mà còn có những phương thức tiếp cận đa chiều thông qua các không gian trực tuyến. Trong suốt Tuần lễ sách và chuyển đổi số, bạn đọc được tự do trải nghiệm những phương thức đọc mới thông qua các ứng dụng công nghệ của Phương Nam Books, Voiz FM, Bookas…

Từ một vài đơn vị thử nghiệm làm ebook/audio book vài năm trước, nay đã có hơn 20 nhà làm sách/phát hành được cấp phép xuất bản và phát hành sách điện tử (theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành). Nhu cầu bạn đọc (thể hiện qua việc mua sách trên các nền tảng trực tuyến/đọc ebook/nghe sách nói) cũng cho thấy chuyển đổi số đang góp phần rất tích cực trong việc phát triển văn hóa đọc.

Chuyển đổi số hiện được xem là “mũi nhọn” trong hướng đi phát triển đầy tiềm năng của ngành sách. Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - nhấn mạnh: việc tạo ra những không gian trực tuyến là một phần trong định hướng phát triển chuyển đổi số của ngành xuất bản, in và phát hành trong thời gian tới.

Không ai đứng ngoài cuộc

Chuyển đổi số tạo thách thức nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội cho nhà làm sách và có lợi cho bạn đọc. Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Giám đốc chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tại TPHCM - nói: trước yêu cầu của thời đại mới, kể cả đơn vị làm sách truyền thống và có thể gọi là “anh cả” ngành sách như Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng cần thay đổi và thích nghi. Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện số hóa sách giấy mà còn là việc ứng dụng công nghệ vào công tác xuất bản. Sử dụng các phần mềm biên tập/quản lý bản thảo; xây dựng, nâng cấp sàn thương mại điện tử, phát hành xuất bản phẩm điện tử/tài liệu phục vụ học tập nghiên cứu… là những việc mà Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã và đang làm.

Anh chuyendoiso 2: Hàng ngàn xuất bản phẩm điện tử cùng nhiều tư liệu về chuyển đổi số được trưng bày, giới thiệu với bạn đọc tại Đường sách TPHCM đến hết ngày 31/10
Hàng ngàn xuất bản phẩm điện tử cùng nhiều tư liệu về chuyển đổi số được trưng bày, giới thiệu với bạn đọc tại Đường sách TPHCM đến hết ngày 31/10

Nhìn thấy được tiềm năng của sách nói, Sbooks - đơn vị làm sách tư nhân có thể nói còn khá trẻ trong ngành sách - đã đồng sáng lập ứng dụng sách nói Bookas (vừa ra mắt trong khuôn khổ Tuần lễ sách và chuyển đổi số). Hàng ngàn mã nghe sách miễn phí đã được đơn vị trao tặng cho bạn đọc. Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Sbooks - cho biết, nhờ AI (trí tuệ nhân tạo), Bookas đã có thể sản xuất hơn 1.000 xuất bản phẩm điện tử trong vòng 4 tháng. Cũng trong khoảng thời gian ấy, gần 8.000 clip truyền thông về ứng dụng mới này được đăng tải trên mạng xã hội, thu hút gần 100 triệu lượt xem.

“Sbooks có lượt tiếp cận vào giỏ hàng sách mỗi tháng gần 200 triệu lượt. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, chúng tôi đã phát hành ra thị trường hơn 2 triệu bản sách” - ông Nguyễn Anh Dũng cho biết thêm. Trong đó, bộ 2 cuốn Tư duy ngược và Tư duy mở đã phát hành đến 500.000 bản - con số rất lớn đối với thị trường sách Việt Nam hiện nay.

Ở vai trò đơn vị phát hành, FAHASA hiện chưa triển khai cung cấp xuất bản phẩm điện tử, nhưng theo bà Phạm Thị Hóa - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (FAHASA) - đó sẽ là hướng đi trong tương lai gần. Các công ty công nghệ WEWE (với ứng dụng sách nói Voiz FM), Fonos… đã đi trước, đón đầu xu thế từ nhiều năm trước. Bạn đọc cũng có nhiều lựa chọn hơn với audio book từ các nền tảng KOMO (Phương Nam Books), Waka, Bookas…; với ebook từ Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM (sachweb.vn), Nhà xuất bản Trẻ (Ybook), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (sachquocgia.vn), Comicola Ebook…

Nhà làm sách/phát hành đứng trước cơ hội phát triển cũng như tác giả/bạn đọc đều chủ động và thuận tiện hơn trong việc kết nối và tiếp cận với sách. Thông qua chuyển đổi số, kỳ vọng văn hóa đọc tiếp tục được lan tỏa nhanh chóng, mạnh mẽ hơn trong phạm vi cả nước.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI