Chuyển đổi số, sao phụ huynh vẫn phải đến trường nộp đơn xin nghỉ phép cho con?

04/03/2023 - 06:41

PNO - Ngành giáo dục đang nói nhiều về chuyển đổi số nhưng ở một số trường, để nộp đơn xin phép cho con, phụ huynh phải đến trường nộp trực tiếp.

Đừng nói về những điều to tát quá

Chị T.H. có con học lớp 11, Trường THPT Trung Phú (huyện Củ Chi). Chị bức xúc cho biết, khi con bệnh có làm đơn xin nghỉ nhưng nhà trường không chấp nhận việc xin nghỉ học qua điện thoại, trường cũng không nhận đơn trực tuyến mà yêu cầu phụ huynh lên tận trường, nộp đơn tận tay giám thị. 

Chuyển đổi số cần phải hướng đến giảm tải các thủ tục rườm rà cho phụ huynh học sinh
Chuyển đổi số cần phải hướng đến giảm các thủ tục rườm rà cho phụ huynh, học sinh

“Từ nhà tôi đến trường mất 45 phút, hôm nào con bệnh là phải xin nghỉ làm buổi sáng để chạy đến trường nộp đơn xin nghỉ học cho con. Tôi thấy nhà trường, ngành giáo dục luôn nói về chuyển đổi số, rằng chuyển đổi số trong giáo dục sẽ tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh. Thế nhưng, tôi nghĩ hãy khoan nói về những điều to tát mà cần bắt đầu từ những việc nhỏ, giảm các thủ tục rườm rà cho phụ huynh. Như chuyện xin nghỉ học, làm sao để phụ huynh không phải mất công mất việc chỉ để chạy lên trường nộp đơn…” - chị kiến nghị. 

Trong nội quy học sinh tại một trường THPT ở TP Thủ Đức năm học 2022-2023 cũng có quy định: học sinh xin nghỉ học chỉ được coi là có phép khi có đơn xin phép do cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng mang trực tiếp đến trường. Như vậy, câu chuyện của chị T.H. là thực tế đang tồn tại ở không ít trường trên địa bàn TPHCM. Một mặt các trường luôn hô hào về chuyển đổi số, làm gì cũng “gắn mác” chuyển đổi số song mặt khác lại cứng nhắc trong giải quyết thủ tục hành chính, trong quản trị nhà trường khiến phụ huynh, học sinh gặp khó. Điều này đang đi ngược với chủ trương, quan điểm, làm phụ huynh, học sinh hiểu sai lệch về chuyển đổi số giáo dục.

Trong khi đó, TPHCM xác định, năm học 2022-2023 sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số sâu rộng trong giảng dạy và quản trị nhà trường, với việc ban hành cả một bộ chỉ số chuyển đổi số toàn ngành. Điều này khiến phụ huynh băn khoăn rằng, chuyển đổi số sẽ chỉ là hô hào khi các trường vẫn đang làm khó phụ huynh từ cái đơn xin phép.

Cần bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất

Trao đổi về câu chuyện chuyển đổi số giáo dục, hiệu trưởng một trường THPT tại quận 3 nhìn nhận, trước hết cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Đó là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ cho phụ huynh, học sinh. Cần số hóa từ những thứ đang rườm rà, sau đó mới đến những điều lớn hơn.

“Có vẻ như chúng ta đang lạm dụng về cụm từ chuyển đổi số, điều gì cũng gắn mác chuyển đổi số nhưng lại không đi vào thực chất, chưa làm đồng bộ. Những vấn đề cơ bản, giải quyết nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh lại chưa được nhiều đơn vị thực sự quan tâm. Đơn giản như câu chuyện nộp đơn xin nghỉ học, nhà trường hoàn toàn có thể giải quyết trực tuyến để giảm bớt thủ tục rườm rà” - vị này nhấn mạnh.

Chúng ta có đang lạm dụng và gắn mác về chuyển đổi số?
Chúng ta có đang lạm dụng khi hô hào quá nhiều và mọi thứ đều được "gắn mác" chuyển đổi số?

Vị này cũng cho rằng, đánh giá học sinh cũng cần phải chuyển đổi số. Thực tế hiện nay có những giáo viên, nhất là giáo viên bộ môn đảm nhiệm nhiều lớp, phải đánh giá cả gần 200 học sinh bằng hồ sơ giấy. 

Tiến sĩ Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM - chia sẻ, trước đây, khi nói đến chuyển đổi số thì rất khó bởi nơi này nơi kia than khó khăn, không thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay ngành giáo dục có thuận lợi hơn rất nhiều về cả cơ sở vật chất và nguồn lực con người. Do vậy, cần tận dụng để chuyển đổi số một cách đồng bộ, toàn diện.

Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh cho hay, trong năm 2023 Sở sẽ ban hành bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các trường. Trong đó chỉ rõ những chỉ tiêu về chuyển đổi số dạy và học, chuyển đổi số trong quản trị nhà trường, với yêu cầu trường phải triển khai các dịch vụ trực tuyến hỗ trợ phụ huynh, học sinh.

“Bộ chỉ số sẽ là căn cứ để các trường thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ, bài bản, tạo điều kiện cho phụ huynh học sinh…” - ông Hồ Tấn Minh cho hay. 

Nhiều trường tiểu học sử dụng 18, 20 app (ứng dụng) trong trường để chuyển đổi số

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM - thông tin, trong mục tiêu chuyển đổi số ngành giáo dục, các cơ sở cùng chung tay thực hiện, thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số trường tiểu học sử dụng đến 18, 20 ứng dụng để thực hiện chuyển đổi số khiến thầy cô, phụ huynh học sinh gặp khó khăn và hiểu sai về mục tiêu chuyển đổi số ngành giáo dục. Chuyển đổi số phải giúp giáo viên, phụ huynh học sinh bớt việc chứ không phải thêm việc… “Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường tiểu học rà soát lại việc triển khai app trong đơn vị mình, tránh sử dụng tràn lan, tạo thêm áp lực, khó khăn cho phụ huynh học sinh” - bà nói. 

Quốc Trung

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI