Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi phụ nữ tham gia tích cực

18/05/2024 - 10:02

PNO - Đây là khẳng định của Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn thế giới.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương chỉ ra tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong hoạt động Hội
Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương chỉ ra tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong hoạt động Hội

Có khoảng cách giới trong chuyển đổi số

Sáng 18/5, tại Hội thảo quốc gia về Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn thế giới, là yêu cầu cấp thiết, khách quan đối với sự phát triển của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

“Phụ nữ chiếm một nửa dân số, phân nửa lực lượng lao động, vì vậy chuyển đổi số sẽ chỉ thực sự thành công khi phụ nữ tích cực tham gia vào tất cả các trụ cột của chuyển đổi số” - bà Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam trích 1 bài viết trên Diễn đàn kinh tế thế giới tháng 4/2024, theo đó, có khoảng cách giới trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Kết quả nghiên cứu với 25.000 lao động ở 16 vùng địa lý trên thế giới là có tới 59% là lao động nam từ 18-65 tuổi cho biết họ sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh ít nhất 1 lần/tuần, trong khi con số này chỉ là 51% ở phụ nữ cùng nhóm tuổi. Đáng lo ngại hơn khoảng cách giới lại lớn nhất ở nhóm lao động trẻ nhất: 71% nam từ 18-24 tuổi so với 59% phụ nữ cho biết họ sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh hàng tuần.

Một nghiên cứu khác về phụ nữ tham gia các ngành công nghệ ở Đông Nam Á (tháng 10/2020) cho thấy tỉ lệ sinh viên nữ học các ngành công nghệ ở Việt Nam chỉ chiếm 26% (thấp hơn tỉ lệ chung của khu vực là 39%) so với tỉ lệ 54% (tỉ lệ chung khu vực là 56%) ở các ngành học khác. Đây là con số thấp nhất trong 6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).

Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam nhận định: “Rõ ràng khoảng cách giới trong công nghệ và nguy cơ phụ nữ bị tụt hậu trong quá trình chuyển đổi số là những vấn đề hiện hữu và cần được giải quyết sớm, để chuyển đổi số thực sự là công cụ của phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ứng dụng công nghệ thông tin là tiền đề đổi mới hoạt động hội

Xác định là tổ chức tiên phong vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam ý thức được trách nhiệm và vai trò trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới chuyển đổi số.

Chiến lược phát triển tổ chức Hội LHPN Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định “lấy việc ứng dụng công nghệ làm cơ sở, điều kiện, tiền đề để Hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động”; Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII xác định khâu đột phá: “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”.

Gần đây, Hội đã ký kết chương trình phối hợp với C06, Bộ Công an để bổ sung các nội dung hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số trong Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”...

Cùng với Trung ương, các cấp hội cũng có nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số trong tổ chức hội như: nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội ở cơ sở về ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động của Hội; tổ chức thí điểm mô hình thu hút, tập hợp phụ nữ trên không gian mạng; vận động nguồn lực để trang bị máy tính cho 100% cơ sở hội để phục vụ công tác hội.

Bên cạnh đó, cán bộ hội còn tham gia tích cực vào các tổ chuyển đổi số cộng đồng; tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ về tham gia các sàn thương mại điện tử; sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; sử dụng mạng xã hội an toàn, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng...

Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số của các cấp hHội còn đang gặp không ít khó khăn. Cho đến nay, Hội mới đang trong quá trình xây dựng đề án hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số đến năm 2030 để trình Chính phủ phê duyệt nên còn thiếu cơ chế để thực hiện chuyển đổi số. Năng lực cán bộ các cấp chưa đồng đều, nhận thức về chuyển đổi số chưa đầy đủ, cơ sở vật chất hạn chế.

Chính vì vậy, thông qua hội thảo, Hội LHPN Việt Nam mong muốn sẽ có thêm nhiều đóng góp, hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới phương thức hoạt động hội trong bối cảnh mới.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI