Chuyển đổi phương tiện thu gom rác, được vay vốn nhưng... gặp khó

03/12/2019 - 18:25

PNO - Dù chính quyền tích cực hỗ trợ việc chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển của các đường dây rác dân lập bằng chính sách cho vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư; nhưng đã không mấy người chạm nổi nguồn vốn này.

Chiều 3/12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt - thực trạng và giải pháp, hướng đến xây dựng Đề án Chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi hoạt động theo mô hình Hợp tác xã và Doanh nghiệp thu gom rác trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019-2021.

Chuyen doi phuong tien thu gom rac, duoc vay von nhung... gap kho
Hội nghị chiều 3/12 đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi pháp nhân, phương tiện hoạt động thu gom rác dân lập

Có rất nhiều chính sách được đưa ra nhằm hỗ trợ việc chuyển đổi pháp nhân lẫn chuyển đổi phương tiện đối với lực lượng thu gom rác dân lập, như: được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm; hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng, chỗ đậu phương tiện, giảm 50% học phí cho con của người lao động trực tiếp thu gom rác...

Đặc biệt, từ nguồn vốn Quỹ Bảo vệ môi trường, UBND TP.HCM quyết định hỗ trợ tối đa 70% vốn vay tổng giá trị phương tiện đầu tư cho người có nhu cầu. 

Chuyen doi phuong tien thu gom rac, duoc vay von nhung... gap kho
Đại diện Liên minh Hợp tác xã Q.Thủ Đức suy tư, người dân khó chạm nguồn vốn vay

Với hàng loạt chính sách ưu đãi, song hầu hết nhiều người trong cuộc cho rằng, việc thực hiện trong thời gian qua có rất nhiều bất cập, cần được “cởi trói”.

Đơn cử, đại diện Liên minh Hợp tác xã Q.Thủ Đức suy tư: “Nguồn cho vay từ Quỹ Bảo vệ môi trường nhưng Quy định 38 đối với nguồn quỹ này lại phân biệt hộ khẩu”.

Theo đó, yêu cầu để chạm được nguồn vốn này, người thu gom rác dân lập phải có hộ khẩu tại TP.HCM.

“Đa số người thu gom rác dân lập đều có hộ khẩu ở tỉnh, họ làm sao vay được? Khi lập hồ sơ xin vay thì người ta không cho, kêu về tỉnh vay. Họ quay về tỉnh thì tỉnh kêu vay một nơi, hoạt động một nơi thì ai mà cho vay!” - đại diện Liên minh Hợp tác xã Q.Thủ Đức cho biết.

Chuyen doi phuong tien thu gom rac, duoc vay von nhung... gap kho
Bất cập quy định về vốn vay, người dân chẳng mặn mà, vẫn tiếp tục muốn "lưu hành" loại phương tiện thô sơ, ảnh hưởng đến môi trường và trật tự giao thông

"Phát sinh này ai thanh toán?" đang là câu hỏi các đại biểu đặt ra cho chính quyền. Song song, một số đơn vị đã thực hiện xong việc chuyển đổi thì lại đang… kêu trời, do kinh phí nhiên liệu hoạt động của loại xe mới, đúng chuẩn ban hành tăng gấp ba so với phương tiện cũ.

Đại diện Hợp tác xã Nhơn Phú, Q.9 phân tích, chuyển đổi một chiếc xe có dung tích 4m3 tốn ít nhất 810 triệu đồng, nhưng với giá dịch vụ thu gom rác hiện nay, phải gánh thêm các chi phí như thuê mặt bằng, bến bãi, nhiên liệu… sẽ không đủ trang trải.

Liên quan đến giá thu gom rác tại nguồn, UBND Q.9 cho rằng, đã hướng đến mức giá thu từ 30-40 ngàn đồng/ hộ dân, cao gấp đôi so trước đây, hiện đang lấy ý kiến và sắp tới sẽ ban hành. H.Củ Chi sau một thời gian nghiên cứu, cũng đã quyết liệt ban hành đơn giá thu 20 ngàn đồng/hộ.

Chuyen doi phuong tien thu gom rac, duoc vay von nhung... gap kho
Q.12 bày tỏ sự ngạc nhiên về trách nhiệm ban hành đơn giá thu gom rác tại nguồn

Trong khi đó, UBND Q.12 bày tỏ sự ngạc nhiên: “Riêng về giá thu gom thì tôi hết sức ngạc nhiên khi H.Củ Chi đã ban hành, Q.Thủ Đức hướng đến ban hành trong khi quy định ban hành này lại thuộc về trách nhiệm của UBND TP.HCM”.

Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận, hoạt động thu gom rác  thời gian qua gặp phải nhiều bất cập.

“Có những chính sách càng nghiên cứu càng thấy sự cũ kỹ, như ban hành từ năm 2002 đến nay còn áp dụng” - ông Hoan nói, đồng thời khẳng định, dù đánh giá rất cao vai trò của lực lượng thu gom rác dân lập song cần thiết phải đổi mới, cả về phương tiện lẫn pháp danh hoạt động.

Chuyen doi phuong tien thu gom rac, duoc vay von nhung... gap kho
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, cần thiết phải chuyển đổi pháp nhân và phương tiện đối với lực lượng thu gom rác dân lập

Từ thực tiễn này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cần tiếp tục thu nhận ý kiến, thấu suốt các bất cập mới có thể hoàn chỉnh đề án này.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI