Chuyển đổi công nghiệp lần này tổng thể, toàn diện hơn

29/07/2024 - 08:13

PNO - “Chuyển đổi công nghiệp - động lực mới cho phát triển bền vững TPHCM” là chủ đề của Diễn đàn Kinh tế TPHCM (Ho Chi Minh City Economic Forum) dự kiến diễn ra từ ngày 24 - 27/9 tới. Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) - xoay quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, có gì đặc biệt khi xem chuyển đổi công nghiệp là động lực mới cho sự phát triển bền vững của TPHCM?

Ông Nguyễn Ngọc Hòa

Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm nay xoay quanh chủ đề là “Chuyển đổi công nghiệp - động lực mới cho phát triển bền vững TPHCM”. Những lần chuyển đổi trước chủ yếu là theo yêu cầu của khách hàng, còn lần này mang tính đồng bộ, toàn diện, hướng tới những nhân tố mới, tập trung vào công nghệ mới, đem lại giá trị gia tăng.

* Những lần chuyển đổi trước đã đem lại những kết quả gì cho kinh tế TPHCM, thưa ông?

- Nhìn chung, mỗi giai đoạn chuyển đổi đều mang lại những kết quả nhất định cho nền kinh tế nhưng những lần trước, việc chuyển đổi chưa thành hoạt động mang tính tổng thể, hỗ tương giữa các ngành mà mỗi ngành đều có giải pháp chuyển đổi riêng. Chẳng hạn ngành thương mại chuyển đổi từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại, hoặc một số ngành khác như dệt may, da giày, cơ khí chuyển dịch sang hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tự động hóa.

Còn lần này, sự chuyển đổi phải được xem là động lực mới, hướng tới công nghệ cao để đem lại giá trị gia tăng và hướng tới những đòi hỏi mới hơn của thị trường, như sản xuất sạch, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Những yếu tố này trước đây chưa xuất hiện hoặc có thể đã xuất hiện nhưng ở mức độ riêng lẻ. Chuyển đổi bây giờ không chỉ là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mà còn phải chuyển đổi kép để mang lại sức mạnh tổng thể, tăng sức bật và sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

* Trong Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ năm - năm 2024 sắp tới, ban tổ chức mong muốn tập trung thu hút các góp ý, hiến kế cho những vấn đề gì, thưa ông?

- Diễn đàn năm nay sẽ có nhiều phiên thảo luận, như xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; chiến lược chuyển đổi công nghiệp TPHCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; vai trò của Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TPHCM gắn với chuyển đổi công nghiệp; vai trò của doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp…

Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TPHCM thành lập C4IR. Chúng tôi kỳ vọng, trung tâm này sẽ trở thành nơi tiếp nhận, chuyển giao, giới thiệu những công nghệ mới thay vì để từng doanh nghiệp tự mày mò, tìm kiếm.

* Đến nay, chính quyền TPHCM đã có chính sách hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp hay chưa, thưa ông?

- Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, chính quyền TPHCM đã có sự hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, như có kế hoạch chuyển đổi 5 khu công nghiệp và khu chế xuất sang khu công nghiệp xanh, hạn chế phát thải khí nhà kính. Trong đó, khu chế xuất Tân Thuận sẽ thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất vi mạch bán dẫn. Với diễn đàn kinh tế sắp tới, chính quyền thành phố tiếp tục nghe thêm kinh nghiệm của bạn bè quốc tế để chọn lọc, đưa những điểm hay vào chính sách.

* Những năm qua, các chính sách của chính quyền TPHCM thường được điều chỉnh theo năm. Điều này có dẫn đến hạn chế gì không, thưa ông?

- Quá trình điều chỉnh chính sách đều dựa vào chiến lược dài hạn và mục tiêu ngắn hạn. Đây là điều hết sức bình thường và không thể nói là tác động tốt hay không tốt. Tuy nhiên, từ diễn đàn kinh tế sắp tới, chính quyền TPHCM sẽ học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm toàn diện hơn để việc điều chỉnh mang tầm tổng thể hơn chứ không riêng lẻ.

* Xin cảm ơn ông.

Mai Ca (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI