edf40wrjww2tblPage:Content
Chị Cúc Hương và cha
CẢ ĐỜI CÕNG CON
Chị là Nguyễn Thị Cúc Hương, SN 1961, nhà ở ấp Thạnh Quới 2, xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Mấy năm Vị Thanh lên thành phố, cũng là mấy năm chị ngược xuôi từ xã nhà đi thành phố nuôi bệnh cho cháu, cho con. Chị gầy tong teo, già khằn so với tuổi, nhưng chị luôn mỉm cười: “Đời mình vậy, đành chịu vậy thôi!”.
Năm 24 tuổi, ba chị gả chị cho một người đàn ông trông hiền lành, khỏe mạnh ở xóm. Ai cũng bảo Cúc Hương may mắn. Chị vui và yên lòng. Ông Năm Vạn, cha chị nói: “Nó vừa hiền, vừa chịu ở rể là cha ưng bụng…”. Hơn một năm sau, Hương sinh bé Ý, con gái đầu lòng, người chồng bắt đầu tỏ ý không vui. Anh nói, anh cần con trai nối dõi. Hai năm sau, bé Ý bất ngờ bị té ngã ngoài bờ ruộng, may lối xóm đi ngang phát hiện. Nhưng, khi đưa con đến trạm xá, chị Cúc Hương rụng rời tay chân khi nghe kết luận con gái bị động kinh và căn bệnh đó sẽ bám theo suốt cuộc đời của nó.
Nghe con bệnh, cha bé Ý ngồi lặng suốt cả ngày. Hôm sau, anh ta cuốn quần áo bỏ nhà đi. Hàng xóm kể, đã thấy anh xách túi đi từ tờ mờ sớm. Chị Cúc Hương lặng lẽ chờ chồng một tháng, hai tháng rồi năm, bảy năm trời. Cứ nghĩ, chồng có thể bỏ vợ, nhưng cha thì không thể bỏ con, nên chị cứ ngóng trông. Nhưng anh ta chẳng về thăm vợ con một lần nào nữa. Bé Ý bệnh tật triền miên. Cứ mươi bữa, nửa tháng, chị Hương lại nghe có người báo con gái ngất xỉu, đang đi làm thêm chị phải quày quả trở về ôm con ra trạm xá. Hơn 20 năm nuôi nấng, bế bồng, không biết bao nhiêu lần người mẹ côi cút ấy ẵm con ra vào bệnh viện.
Nhìn cháu ngoại, ông Năm Vạn chỉ còn biết thở dài: “Đã động kinh, còn khờ khạo, con Hương phải cõng con đến suốt đời rồi!”. Mười năm nay, sau cơn tai biến, ông chỉ ngồi một chỗ. Đường vô nhà tứ phía đều cầu khỉ, sợ cha té mương, chị bắt cha ở nhà cho an toàn. Chị nói với con gái: “Con ở nhà, chạy nhảy gì cũng ở ngay sân để ông ngoại gọi có người thưa, đỡ buồn”. Nghe lời mẹ, Ý quanh quẩn chơi ở sân cho ông ngoại nhìn thấy bóng cháu. Vậy mà, có khi đi đồng cả buổi, giữa trưa chị Cúc Hương về tới nhà là thấy con gái nằm sùi bọt mép đầu sân, ông ngoại gượng dậy cứu cháu, cũng té nằm ngang võng…
Năm 2009, khi có người mang trầu cau đến hỏi Ý cho con trai người ta, một thanh niên hiền lành, khỏe mạnh, chị ưng liền. Chị khẳng định: “Thằng Nguyễn Văn Mộng con rể tui không chỉ hiền lành, mà nó để ý thương con bé Ý từ hồi nhỏ, dù biết Ý hay bệnh tật. Gia đình bên đó cũng nghèo, chật chội, lại có đứa cháu nội bị bại não, họ bảo cưới xong xin cho Mộng ở rể. Tôi nghe mà mừng muốn khóc!”.
Ngày gả con gái, chị khóc thật. Chị không biết nước mắt ở đâu ra mà nhiều vậy. Thấy cha tủm tỉm cười trong bộ bà ba mới, chị khóc, thấy con gái dễ thương đến ngơ ngác trong bộ áo dài cô dâu, chị cũng rơi nước mắt. Thằng rể quỳ lạy, nước mắt chị cứ thế mà tuôn… Chị nghĩ, chắc là trời hết thử thách chị rồi!
Ngờ đâu…
Chị Cúc Hương và cháu ngoại đang chuẩn bị bữa trưa bằng mớ tôm, cá,ốc chị bắt được ngoài đồng
HỌA VÔ ĐƠN CHÍ
Sau khi có thêm con rể làm thuê làm mướn phụ giúp, nhà chị khá hẳn lên. Vài tháng sau khi về ở rể, Mộng kéo dừa nước về, lợp cho má vợ cái chái bếp, ngăn nhà thành ba phòng, sửa sang lại giường chõng cho ông ngoại. Một năm sau, Ý sinh con đầu lòng. Không sổ sữa, nhưng thằng nhóc Nguyễn Tuấn Hưng trông khỏe khoắn, chắc nịch…
Một ngày, đang bế con đi mò ốc, Ý lại lên cơn động kinh, té ở bờ mương. Thằng cu Hưng bị mẹ đè, ngộp nước suýt chết. Tuy không mất mạng, nhưng đường hô hấp của cu Hưng từ đó “có vấn đề”, suốt ngày cứ khò khè, viêm họng, viêm mũi rồi lậm qua phổi lúc nào không hay. Một năm sau, khi đưa cháu lên TP. Vị Thanh trị bệnh, thằng bé đã chuyển sang viêm phổi mãn tính và suy dinh dưỡng độ hai.
Cháu ngoại xuất viện về nhà được hai hôm thì hung tin lại ập đến. Mộng đi làm thuê, thấy tổ ong, trèo lên lấy, bị ong đốt, té xuống bờ cọc sát dòng sông, bị chấn thương cột sống. Mộng đang nằm viện, ông Năm Vạn lại tái phát cơn tai biến… Ba người trong nhà bệnh cùng một lúc làm thần kinh Ý căng thẳng hơn, cô lại bị những cơn động kinh hành hạ. Thay vì phụ mẹ hái rau, bắt ốc như trước, Ý thẫn thờ ngồi canh chồng. Vì chấn thương quá nặng, Mộng không tự chủ tiểu tiện được, nên lúc nào cũng phải có người phụ giúp. Ý chẳng biết làm gì cho chồng ngoài việc lâu lâu cứ kêu ré lên, báo hiệu Mộng tè dầm để mẹ vào phụ thay tã. Cu Hưng mới ba tuổi, thành giao liên cho ngoại, hễ nghe mẹ hét lên là lật bật chạy ra bờ ruộng, đứng gọi ngoại. Nghe tiếng kêu của cháu, dù chị đang làm cỏ hay nhổ rau mướn cũng phải lật đật chạy về, nếu không phải lo cho cha, cũng là vệ sinh cho con rể… Vì vậy, cũng một ngày công, người khác làm được trăm ngàn, chị chỉ nhận được hơn một nửa số đó… Chị nói: “Cũng may nhiều người hiểu hoàn cảnh nên vẫn mướn mình làm”.
Chị Huỳnh Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh, đưa chúng tôi đến thăm nhà chị Cúc Hương: “Tôi chưa từng thấy người phụ nữ nào bị số phận trêu ngươi như chị Cúc Hương. Nhưng, cũng chính từ việc đồng hành, giúp chị tìm công việc làm, kiếm mớ rau, lon gạo, chúng tôi lại thấy ở chị một nghị lực phi thường mà không phải ai rơi vào nghịch cảnh này cũng có thể vượt qua…”. Nghe chị Yến khen mình, chị Cúc Hương chợt cười xòa, mắt ngân ngấn nước: “Đời nó buộc mình vào cục đá, rồi đẩy mình ra giữa dòng, không bơi chỉ có chìm thôi cô Yến ơi. Giờ tôi không dám bệnh luôn…” - Nghe ngoại nói với khách, cu Hưng lẩm bẩm nói theo: “Không bệnh luôn!”. Nói xong, cu cậu cười ngằn ngặt, tiếng cười trong veo.
HẠNH CHI
Bài 6: Ra sao ngày mai?