Chuyển đổi số để giảm kẹt xe

09/09/2022 - 06:31

PNO - Giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại các đô thị lớn ở Việt Nam là vấn đề đã được đặt ra từ khá lâu, nhưng các giải pháp như mở đường, phân luồng, cấm xe máy, tăng cường phương tiện giao thông công cộng… vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

 

Kẹt xe vào giờ cao điểm là hình ảnh thường thấy ở TPHCM. Trong ảnh: Kẹt xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh
Kẹt xe vào giờ cao điểm là hình ảnh thường thấy ở TPHCM. Trong ảnh: Kẹt xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) 

Từ ngày khai giảng năm học mới đến nay, lại xảy ra tình trạng kẹt xe ở TPHCM, Hà Nội. Nhiều phụ huynh phải dậy từ tờ mờ sáng để đưa con đến trường và tranh thủ trốn việc để về sớm vào buổi chiều để đón con tan học. 

Nhưng ùn tắc giao thông không chỉ xảy ra vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều. Có những khu vực, ùn tắc giao thông còn xảy ra vào buổi trưa do lượng người đổ ra đường quá nhiều.

Tình trạng kẹt xe đầu năm học khiến chúng ta nhớ lại giai đoạn giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 vào năm ngoái. Khi đó, người dân đô thị hạn chế ra đường, đường sá luôn thông thoáng, thênh thang. 

Việc quản lý xã hội trong thời gian dịch bệnh vừa qua cho thấy, có thể hạn chế sự di chuyển không cần thiết của cư dân đô thị vào các giờ cao điểm. Chẳng hạn, cơ quan công quyền có thể giao hồ sơ đến tận nhà dân, nhân viên giao nhận (shipper) có thể đi chợ thay cho bà nội trợ, trang web hành chính có thể là kênh để người dân làm giấy tờ mà không cần trực tiếp đến cơ quan công quyền…

Từ câu chuyện trên, có thể thấy, giữa kẹt xe và chuyển đổi số có mối liên quan đến nhau. Giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại các đô thị lớn ở Việt Nam là vấn đề đã được đặt ra từ khá lâu, nhưng các giải pháp như mở đường, phân luồng, cấm xe máy, tăng cường phương tiện giao thông công cộng… vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Vậy, chuyển đổi số - một quá trình xã hội đang vận hành nhằm thay đổi phương thức sản xuất, quản lý sang công nghệ số liệu - có giúp giải được bài toán kẹt xe?

Nhiều năm trước, Công ty X. của nước ngoài có văn phòng tại TPHCM thuê cho nhân viên bốn chỗ trong một văn phòng dùng chung (co-working space) trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, chi phí gần 6 triệu đồng/chỗ/tháng. Sau gần một năm giãn cách xã hội do dịch COVID-19, nhận thấy việc thuê chỗ cho nhân viên là không cần thiết, công ty này đã cho phép nhân viên làm việc tại nhà như khi giãn cách xã hội. Mỗi tuần, nhóm nhân viên này họp một lần ở quán cà phê, nếu trời mưa thì họp online.

Việc thay đổi cách thức làm việc đã giúp công ty tiết kiệm được 24 triệu đồng/tháng, bốn nhân viên cũng tiết kiệm được chi phí di chuyển và tránh được cảnh khổ sở trên đường. Cách làm việc mới cũng đạt hiệu quả tương đương với việc tới văn phòng, quẹt thẻ tính giờ.

Hiện nay, nhiều trường đại học cũng áp dụng phương thức học online đối với một số môn nên sinh viên và giảng viên cũng tiết kiệm được khá nhiều thời gian và chi phí cho việc di chuyển. 

Như vậy, chuyển đổi số đã mang lại những hiệu quả nhất định trong việc kéo giảm lượng người di chuyển trên đường và đây có thể là hướng tiếp cận mới để góp phần kéo giảm nạn kẹt xe ở các thành phố lớn.

Bản chất của chuyển đổi số là khai thác các thành tựu công nghệ số như internet vạn vật (internet of things - IoT), điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big-data) vào các hoạt động xã hội. Không khó để các nhà quản lý có thể thu thập các dữ liệu, như “người dân ra đường để làm gì, họ đi đâu mỗi ngày, vì sao họ di chuyển nhiều trên đường, vì sao cư dân đô thị ở Việt Nam thích dùng phương tiện cá nhân”… Những con số thống kê từ nguồn dữ liệu ấy chính là cơ sở để đưa ra các quyết định quản lý phù hợp.

Với mức độ số hóa như hiện nay, ngay từ bây giờ, từng cơ quan nên sắp xếp để hạn chế việc yêu cầu công dân liên hệ trực tiếp, từng cá nhân và hộ gia đình cũng nên sắp xếp để bớt ra đường mà vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động, sinh hoạt. Có như thế mới góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Tin vui là mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã chính thức đưa cổng thông tin chuyển đổi số vào hoạt động để phục vụ nhu cầu của người dân cũng như của các tổ chức, doanh nghiệp… TPHCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số; trong đó, hiện thực hóa các mục tiêu như: kinh tế số đóng góp 15% GRDP của thành phố, 85% người dân có smartphone, 70% hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng…

Hy vọng, cùng với sự phát triển hoàn thiện về hạ tầng giao thông, sự chuyển đổi số mạnh mẽ cũng sẽ góp phần kéo giảm nạn kẹt xe. 

 Phan Văn Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI