“Chỉ tình yêu mới cần đạo đức, còn tình dục thì chủ yếu là bản năng thôi!” - khá nhiều bạn trẻ đã phát biểu như vậy khi tôi ngồi trên “ghế nóng” tư vấn về tình bạn - tình yêu - hôn nhân.
|
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK |
Hợp pháp liệu có hợp luân lý?
Thời buổi công nghệ thông tin, các thành viên gia đình ở ngay trong nhà vẫn có thể phạm tội hoặc gặp “tai nạn tình dục” như thường. Con cái yêu sớm, phụ huynh lo ngay ngáy không biết “con gái mình “post” gì lên mạng và con trai mình tải xuống từ mạng cái gì”.
“Hươu” chạy theo “sói”, vượt rào, mang thai tuổi vị thành niên, những đứa trẻ không được sinh ra hoặc bị gạt sang bên lề để những bà-mẹ-trẻ-con tiếp tục đến trường.
Những video nhạy cảm bị tung lên mạng xã hội khi đường tình đôi ngả, nạn nhân tan nát danh dự trong khi thủ phạm ung dung “ngoài vùng phủ sóng”.
Những góc khuất của “người thứ ba”. Những vụ đánh ghen mà bà vợ vạch mặt, bôi xấu tình địch chưa kịp hả dạ thì đã bị “nạn nhân” lôi ra tòa đòi bồi thường vì tội “bôi nhọ danh dự, xúc phạm thân thể người khác”…
Lớp trẻ cho rằng yêu đương là quyền tự do của mỗi người, miễn việc họ làm không vi phạm pháp luật, nhưng đời sống tình dục của con người ngoài bản năng còn có sự kiểm soát của ý thức, các quy phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục…
Người trong cuộc phải chắc chắn rằng hành vi tình dục của mình đúng với tính người và hợp với tình người, tức đúng và đủ bốn tiêu chuẩn, không thể thiếu một tiêu chuẩn nào dưới đây.
Tình dục là tự nguyện
Phát sinh hành vi tình dục không theo ý nguyện bản thân và của người kia là hành vi không mang tính đạo đức, là xâm phạm quyền tự do cá nhân của người khác.
Dù là nam hay nữ, khi không “yes” là có ý “no”, nghĩa là không được phép “xâm nhập” khi chưa được sự đồng ý của đối tượng. Đừng chủ quan cho rằng “im lặng là đồng ý” (nhỡ người ấy đang không kiểm soát được vì bị chuốc rượu say, mất khả năng tự vệ do thuốc ngủ, không nói được vì đang bị “khóa môi” hoặc nhét giẻ vào miệng, bị dọa dẫm hoặc khống chế…).
Năm trường hợp sau không được coi là tự nguyện:
• Nữ sinh bị thầy dụ “đổi tình lấy điểm”. Nhân viên “gạ tình” sếp để xin việc làm hoặc được tăng lương.
• Cô gái chấp nhận “vượt rào” để chứng minh tình yêu hoặc vì sợ mất người yêu, dù thực lòng không muốn quan hệ. Dùng chuyện “giường chiếu” để níu kéo một mối quan hệ yêu đương đang có chiều hướng xấu đi. Chủ động dùng “bẫy tình” hoặc cố tình có thai để ràng buộc chàng trai.
• Chàng trai cố thuyết phục bạn gái trao “cái ngàn vàng” cho mình “để làm tin”, “đằng nào chẳng của nhau”, “yêu là cưới”. Lấy lý do “quá yêu” để ép bạn gái quan hệ dù cô ấy khước từ và muốn “giữ mình” đến khi kết hôn.
• Thách đố nhau làm “chuyện người lớn” để chứng tỏ “đẳng cấp”, để khoe khoang “chiến tích” trong tình trường.
• Trong hôn nhân, người vợ buộc phải “chiều” chồng khi đang đau yếu, mệt mỏi, công việc ngập đầu, tâm trạng không hứng thú; chồng đang say xỉn hoặc cơ thể không sạch sẽ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, tăng nguy cơ nhiễm bệnh và dễ dẫn đến có thai ngoài ý muốn; chồng bị ép “trả bài” vì bị nghi “dành vốn cày ở ruộng xa”…
Đừng gây tổn thương cho mình, cho người
Một thiếu nữ tình nguyện làm “bồ nhí” của người đàn ông đang có gia đình mà không đòi hỏi danh phận gì, người đàn ông cũng không ruồng rẫy vợ con để kết hôn với cô ấy, hành vi tình dục của họ dù đạt tiêu chuẩn đầu tiên là “tự nguyện”, nhưng họ đang vi phạm pháp luật, đang đối xử bất công với vợ con của người đàn ông kia và với người thanh niên sau này sẽ làm chồng của cô gái.
Một nữ sinh sống buông thả nhằm “cảnh tỉnh” phụ huynh vô trách nhiệm; một cô gái “ngủ” với người khác để trả thù sự phản bội của người yêu; một người chồng cặp bồ để “dằn mặt” vợ… trước khi đạt được mục đích, họ đã tự gây tổn thương cho mình, tổn thương các mối quan hệ.
Không chấp nhận bạo lực tình dục
“Tình dục tử tế” không chấp nhận việc gây tổn thương cho bạn tình, cho bản thân và tổn thương đến người thứ ba cả thể xác lẫn tinh thần.
Bạo lực tình dục có nhiều hình thái, nhưng thường có các biểu hiện cơ bản: chửi mắng, xúc phạm, nhục mạ, đánh chửi bạn tình vì ghen tuông, nóng giận, vì không được đáp ứng.
Ngoài ra, người chồng hoặc vợ tìm thú vui ở bên ngoài, “ăn bánh trả tiền”, làm tổn thương người bạn đời, có thể lây bệnh cho bạn đời cũng chính là bạo lực tình dục.
|
"Tình dục tử tế" không chấp nhận việc gây tổn thương cho bạn tình- Ảnh minh họa |
Đừng chối bỏ trách nhiệm
Trước khi có hành vi tình dục, hai bên cần xem xét các biện pháp tránh thai. Nếu không, phải xác định có đủ trách nhiệm yêu thương và chăm sóc cho kết quả của quan hệ ấy hay không, bởi rất có thể sau lần quan hệ này sẽ là một đứa con.
Mỗi một sinh linh đều có quyền được sống và quyền được yêu thương. Người nào từ bỏ trách nhiệm yêu thương và chăm sóc con cái là đi ngược lại nguyên tắc sống cơ bản của nhân loại.
Nhiều chàng trai sau quan hệ đã bỏ rơi người bạn gái đang mang thai. Trai gái yêu đương và quan hệ tình dục trước hôn nhân, dẫn đến có thai ngoài ý muốn, phải phá thai, cho con đi…
Nhiều người chồng “vô tư” không cần biết về các biện pháp tránh thai và không chịu áp dụng, coi “đẻ đái là nhiệm vụ của đàn bà”.
Nhiều cha mẹ bỏ rơi, không nuôi dạy con cái hoặc không thực hiện chu cấp nuôi con sau ly hôn.
Ái ân không phải là giải trí
Hành vi tình dục là sự hòa quyện toàn tâm toàn ý giữa hai con người, phải có chung mục tiêu phấn đấu và đầy ắp lòng yêu thương nhau. Đừng coi mỗi lần ân ái như là trò vui chốc lát, hãy coi đó là dịp để người ấy biết mình được yêu thương đến thế nào.
Nếu quan hệ nam nữ vì say rượu, bị thách đố, lợi dụng, cưỡng ép; vợ hoặc chồng chỉ coi người kia là phương tiện thỏa mãn nhu cầu sinh lý của mình thì không thể nói là “vì yêu” được.
Cho dù bạn là ai, giới tính nào, lứa tuổi nào, nghề nghiệp nào, tôn giáo nào, trình độ văn hóa nào, độc thân hay tình trạng hôn nhân ra sao… thì khi “phát sinh một hành vi tình dục” phải đảm bảo các tiêu chuẩn đạo đức.
Bác sĩ Lan Hải