Chị Hạnh Dung kính mến,
Vợ chồng em cưới nhau được 4 năm, đang chuẩn bị có con đầu lòng. Thời gian qua, em ở chung với ba má chồng, dự định khi sinh con cũng nhờ vào ông bà nhưng bây giờ nhiều việc khiến em buồn và bối rối, không biết nên tiếp tục ở chung hay dọn ra riêng.
Tết vừa rồi, vợ chồng em đưa ba má đi du lịch. Em nghĩ mình sắp có con nhỏ, một thời gian dài chắc rất khó đi đâu, nhiều lần nghe ba má kể chuyện bạn bè ông bà đi chỗ này chỗ kia nên tranh thủ lần này đi chơi để cả nhà vui vẻ.
Em mua tour đi 10 ngày. Ban đầu, ba má nói không muốn đi, má sợ đi dài ngày không đảm bảo sức khỏe. Nhưng sau đó, mọi người đều thuyết phục nên ba má đồng ý đi.
Chuyến đi bắt đầu rất vui, chồng em chụp hình đăng lên nhóm của cả nhà, ai cũng thích, khen ông bà hạnh phúc, khen vợ chồng em tổ chức chuyến đi ý nghĩa.
Tới ngày thứ sáu, khi lên ga đi cáp treo, má lọng cọng bị té, chân sưng vù không đứng được, đưa vô bệnh viện chụp thì thấy bị gãy xương. Vậy là cả nhà phải hủy chuyến. Bệnh viện nói chân má phải mổ, cả nhà lại phải đưa má về thành phố điều trị. Chi phí đội lên tới mấy lần, tốn kém mà lại bị trách, em buồn hết sức.
Từ tết tới nay, những lúc bị đau, má lại than trách chuyện em bày đặt du lịch này nọ; từ chỗ thương con thương dâu thành giận dỗi, oán trách.
Hiện tại, má vẫn chưa đi lại được, vợ chồng em phải thay nhau nghỉ làm ở nhà chăm má. Em sắp tới ngày sinh, chưa biết tính sao. Mấy anh chị chồng không chia sẻ, nói ai bày ra thì ráng mà gánh.
Em rối quá, nhà có người già bệnh nằm một chỗ, không khí rất nặng nề, em có nên chuyển ra ngoài ở riêng chuẩn bị sinh con?
Hà Thảo (TPHCM)
|
Ảnh minh họa |
Em Hà Thảo thân mến,
Vợ chồng em có ý rất tốt khi tổ chức chuyến đi cho ông bà nhưng thật lòng, đoàn 4 người mà có 2 ông bà già và 1 bà bầu gần đến ngày sinh, đi tới 10 ngày cũng là hơi… liều.
Đi chơi thì ai cũng thích nhưng phải lượng sức, điều kiện sức khỏe, rủi ro… Những tấm hình đi du lịch thường đẹp lung linh nhưng phía sau đó là sự mệt nhọc. Người trẻ ít mệt mỏi hơn nhưng người già rời khỏi nhà là ăn không ngon ngủ không yên, mình phải tính hết.
Giờ chuyện đã xảy ra, trong đó cũng có một phần lỗi của em. Em cứ nghĩ như thế để không cảm thấy bực bội, bớt trách móc chuyện xui rủi, tính cách thu xếp cho trọn vẹn.
Chắc má chồng em cũng rất mệt và tù túng khi phải bất động trên giường, vậy nên má có trách móc, nói tới nói lui gì thì em cố gắng bỏ qua, đừng đối đáp.
Vợ chồng em nên động viên má ráng dưỡng cho chân mau khỏe, tập đi lại để chủ động sinh hoạt. Nếu cần, có thể thuê người chăm sóc riêng cho má.
Về phần mình, em cần tập trung giữ gìn sức khỏe để sinh nở mẹ tròn con vuông. Nếu được, em bàn với chồng phương án để em về nhà ngoại sinh con hoặc nếu sinh ở đây thì tìm người giúp đỡ chăm sóc mẹ và bé sau sinh.
Việc này nên quyết định và chuẩn bị sớm để em được yên tâm. Nói chung, bây giờ cần ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe của người bệnh và sức khỏe của bà bầu. Em có thể nhờ anh chị, bạn bè giúp đỡ, nếu cần thì vay mượn tiền bạc để vượt qua giai đoạn này.
Ra riêng bây giờ chưa hẳn là giải pháp tốt. Ba má ở nhà một mình, đang bệnh, nếu không tích cực chữa trị thì sẽ mệt mỏi kéo dài. Vợ chồng em ra riêng cũng một mình, em lại sắp sinh nở.
Nên đợi khi em sinh nở xong xuôi, em bé cứng cáp, chân của má đã đỡ hoặc bà có thể rời khỏi giường, đi lại… lúc đó mình sẽ tính tiếp. Khi má chồng em khỏe lên, bà sẽ bớt trách giận, bớt nói tới nói lui; sẽ nghĩ lại cho em.
Giai đoạn này dù khó khăn nhưng sẽ không kéo dài. Mọi chuyện sẽ qua, vợ chồng em cần cố gắng. Chúc mẹ con em vuông tròn, gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc đón thành viên mới.
Hạnh Dung
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Minh An (Huyện Bình Chánh, TPHCM): Má sợ mình trở thành gánh nặng cho con cái
Đọc qua câu chuyện bạn kể, tôi rất hiểu và thông cảm vì cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Mẹ tôi cũng bị vấp té khi đi du lịch nước ngoài, lúc đó bà cũng than trách chuyện con cái bày đặt đi chơi này nọ.
Vậy nhưng sau khi chân khỏe hẳn, đi đâu bà cũng khoe vì được con cái đưa đi chơi. Cũng nhờ chuyến đi đó mà bà ít nhiều thay đổi suy nghĩ, biết tận hưởng cuộc sống hơn, sáng nào cũng mặc quần áo đẹp ra ngoài ăn sáng, gặp gỡ bạn bè thay vì chỉ ăn cơm nguội như trước.
Người già khi đau bệnh có tâm lý rất lạ - vừa sợ mình trở thành gánh nặng nhưng cũng rất sợ bị con cái bỏ rơi, không chăm sóc.
Tôi nghĩ má chồng bạn trở nên hay hờn trách là do thấy mình đang trở thành gánh nặng hoặc cảm nhận được việc con cái đang xem mình là gánh nặng. Do đó, bạn không nên dọn ra ngoài vào thời điểm này.
Tôi tin rằng một khi chân bà khỏe hẳn, không khí gia đình sẽ trở lại như trước kia. Má bạn sẽ nhớ lại những kỷ niệm vui trong chuyến đi và thầm cảm ơn bạn.
Thanh Phước (TP Thủ Đức, TPHCM): Đưa má ra ngoài để bà thay đổi tâm trạng
Bạn là người chăm sóc, tiếp xúc với má hằng ngày, bạn buồn hay bực bội trong lòng, má đều cảm nhận được, chỉ là không nói ra. Nếu bạn dọn ra ngoài ở, có thể sẽ khiến má buồn thêm.
Vợ chồng bạn nên thay đổi không khí gia đình bằng cách bài trí không gian sống với những gam màu tươi vui, mua sách cho má đọc, mở phim hay cho má xem, tạo cho má kênh TikTok hoặc Facebook để má lướt mạng, nhờ anh chị chồng thường xuyên lui tới trò chuyện cùng má…
Hiện tại, má không đi được nhưng vẫn ngồi được, nếu để má ở nhà cả ngày thì bà sẽ tù túng, còn nếu nhờ vả con cháu chắc chắn má sẽ ngại.
Bạn nên bàn với chồng mượn/thuê hoặc mua cho má chiếc xe đẩy, chiều chiều thay nhau đưa má ra ngoài dạo mát để má tiếp xúc thiên nhiên, trò chuyện với hàng xóm.
Thấy được sự chăm sóc tận tình của con cái, chắc chắn má sẽ rất vui và mau chóng bình phục, không khí nặng nề sẽ sớm được cải thiện.
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn