Chuyến đi “phá băng” của ông Lý Khắc Cường

19/05/2013 - 18:45

PNO - PNO - Chỉ vài tuần sau cuộc “so găng” căng thẳng ở biên giới Trung Quốc-Ấn Độ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 19/5 đã lên đường sang Ấn Độ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Đây là biểu hiện hai...

 Theo kế hoạch, ngay sau khi đến thủ đô New Delhi vào chiều 19/5 (giờ địa phương), ông Lý sẽ gặp Thủ tướng Manmohan Singh trong tiệc tối. Các cuộc hội đàm giữa 2 bên diễn ra vào ngày 20/5. Ông Lý cũng tham dự một hội nghị về kinh doanh ở Mumbai, cùng nhiều hoạt động khác.

Chuyen di “pha bang” cua ong Ly Khac Cuong

Thủ tướng Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Manmohan Singh (ảnh: Top News)

Trung Quốc nói rằng việc ông Lý chọn Ấn Độ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức thủ tướng hồi tháng Ba cho thấy Bắc Kinh coi trọng việc cải thiện quan hệ với New Delhi. “Chúng tôi đánh giá rất cao cử chỉ này bởi theo quan điểm của chúng tôi, những cuộc trao đổi chính trị cấp cao giữa hai nước là một khía cạnh và phương tiện quan trọng để mở rộng sự hợp tác”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin nói.

Ông Jasjit Singh, một chuyên gia phân tích quốc phòng và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở New Delhi, nhận định cuộc đối đầu căng thẳng hồi tháng trước không thể phủ bóng cuộc viếng thăm kéo dài 3 ngày của ông Lý tại Ấn Độ. Đây cũng là chặng dừng đầu tiên của chuyến công du vốn cũng sẽ đưa ông đến Pakistan, Thụy Sĩ và Đức.

Ông Singh nói rằng các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc có thể xem xét lại cuộc đàm phán về biên giới vốn đã không tạo ra sự đột phá trong 10 năm qua bất chấp 15 vòng thảo luận. Hai bên có thể thảo luận việc hợp tác với nhau tại Afghanistan sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này vào năm tới, cũng như việc hợp tác với các nước Đông Nam Á.

Chuyen di “pha bang” cua ong Ly Khac Cuong

Ấn Độ hoan nghênh chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (ảnh: AFP)

Nhưng căng thẳng vẫn dâng cao giữa hai nước. Trung Quốc đã khẳng định chính mình là một cường quốc của châu Á, trong khi Ấn Độ hy vọng sức mạnh kinh tế và quân sự đang gia tăng của mình, dù chưa bằng nước láng giềng, cuối cùng sẽ giúp họ đạt vị thế cao hơn.

Trong khi Trung Quốc nỗ lực củng cố quan hệ với Nepal và Sri Lanka, những nước nằm trong vòng ảnh hưởng của Ấn Độ, New Delhi đang xúc tiến quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á.

Những vấn đề khác gây khó chịu cho quan hệ song phương vẫn đang tồn tại. Trung Quốc là một đồng minh và là nhà cung cấp vũ khí lâu năm cho Pakistan, đối thủ có nhiều “ân oán” với Ấn Độ. Cũng vậy, sự hiện diện của Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, và chính quyền Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ cũng là một nguồn cơn gây thêm căng thẳng.

Trước đó, những vấn đề về biên giới chưa được giải quyết giữa hai nước đã bùng phát. Trong vụ việc hồi tháng trước, Ấn Độ tố cáo lính Trung Quốc băng qua biên giới 2 nước vào ngày 15/4 và cắm lán trại ở thung lũng Depsang thuộc khu vực Ladakh ở phía đông Kashmir. New Delhi đã lên tiếng phản đối về mặt ngoại giao, đồng thời đưa quân áp sát vị trí của lính Trung Quốc. Hai bên sau đó đồng ý chấm dứt tình trạng căng thẳng bẳng cách rút quân về những vị trí ban đầu tại Ladakh.

Ông Gautam Bambawale, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nói rằng hai nước đang đàm phán một thỏa thuận Hợp tác phòng thủ biên giới, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết. Các bản tin truyền thông Ấn Độ nói rằng thỏa thuận trên đề xuất việc ngừng tăng quân tại khu vực biên giới trong lúc hai bên xúc tiến những nỗ lực giải quyết vấn đề.

Chuyen di “pha bang” cua ong Ly Khac Cuong

Binh lính Trung Quốc ở Ladakh hồi tháng 4/2013 (ảnh: India Times)

Tranh cãi về biên giới hồi tháng trước đã khiến dư luận Ấn Độ phẫn nộ và phản đối và giới truyền thông gây sức ép đòi chính phủ đương đầu với Trung Quốc và hủy bỏ chuyến thăm của ông Lý. Tuy nhiên, chính quyền Singh quyết định vẫn để chuyến thăm diễn ra. Điều này cho thấy chính sách của New Delhi cố gắng mở rộng những lĩnh vực hợp tác với Bắc Kinh song song với việc tìm cách giải quyết những sự khác biệt then chốt.

Trung Quốc đã trở thành đối tác làm ăn lớn nhất của Ấn Độ, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 5 tỉ USD vào năm 2002 tăng đến gần 75 tỉ USD trong năm 2011, dù con số tương ứng có giảm xuống còn 61,5 tỉ USD hồi năm ngoái do tác động của sự trì trệ kinh tế toàn cầu. Cán cân thương mại song phương vẫn đang lệch sang phía Trung Quốc, một dấu hiệu lo ngại khác đối với New Delhi.

Hai quốc gia đông dân nhất châu Á từng có một mối quan hệ lạnh giá kể từ sau cuộc chiến đẫm máu năm 1962. Ấn Độ tố cáo Trung Quốc đang chiếm đóng 38.000 km vuông lãnh thổ tại cao nguyên Aksai Chin ở phía tây dãy Himalaya, trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 90.000 km vuông ở bang Arunachal Pradesh.

HUY KHANG (Theo AP, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI