Chuyến đi "chờ đợi" của một trí thức dấn thân

27/04/2020 - 06:54

PNO - Ở cái khoảng cách thời gian gần nửa thế kỷ, có những chiến công đã lưu danh, có một thế hệ mãi mãi là niềm tự hào và cũng có những con người trí thức hồn nhiên, tin yêu, nhiệt huyết. Nếu không có họ, sức mạnh chính nghĩa của cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam nói chung, thành phố Sài Gòn nói riêng đã không trọn vẹn và đầy kiêu hãnh như thế!

Chiều mùng Tám tết Mậu Thân, năm 1968, trên chiếc xe Honda cũ kỹ, một nữ giao liên cầm lái, đã đưa một trong những trí thức hàng đầu của Sài Gòn vào thẳng vùng chiến khu miền Đông Nam Bộ. 

Rời Sài Gòn, ông để lại cho con gái 25.000 đồng, tính ra chỉ đủ mua gạo cho cả nhà trong một tháng và hai bao tải truyền đơn. Cuộc đi mà ông “chờ đợi khám phá, mong mỏi tìm tòi” ấy, những tưởng chỉ đôi ba tháng, rốt cuộc là 7 năm.

Thanh Nghị - tức Hoàng Trọng Quị - Phó chủ tịch Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam
Thanh Nghị - tức Hoàng Trọng Quị - Phó chủ tịch Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam

“Đã tới vùng giải phóng” - giọng cô giao liên bình tĩnh, cũng là lời chào tạm biệt khi cô vừa hoàn thành nhiệm vụ. 

Và giây phút đầu tiên ấy, “chỗ đất tôi đương đứng, khoảng đất tôi mới đặt chân vào là của mình, của đất nước tôi. Ấn tượng này rất mong manh, rất chua xót trong bao nhiêu năm tôi sống ở Sài Gòn. Mỗi lần tôi đi trên đường phố, những đường phố vô cùng thương yêu đối với tôi, nhà của tôi ở đó, nơi các con tôi lớn lên, những bạn bè, những người thân thuộc, bao nhiêu kỷ niệm buồn vui mà mỗi lần như thế, tôi vẫn cảm thấy như là của người khác, của ai khác, những đường phố, những phần đất nghẹn ngào và tủi nhục”. 

Ông là Thanh Nghị, tức Hoàng Trọng Quị, Phó chủ tịch Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình - là lực lượng thứ hai (bên cạnh lực lượng thứ nhất - Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thành lập năm 1960), ra đời mấy tháng sau tết Mậu Thân, nơi tập hợp nhiều nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo nhằm mở rộng hơn nữa các mặt trận đấu tranh chống Mỹ cứu nước. 

Và hẳn nhiên, còn một “khoảng lặng lịch sử” nữa cần phải nhắc đến, ấy là lực lượng thứ ba, tập hợp một số tổ chức chính trị, xã hội đòi hòa bình, hòa giải dân tộc, mà trong thư gửi Trung ương Cục miền Nam, tháng 8/1972, Tổng bí thư Lê Duẩn có viết: “Phải kịp thời tập hợp các phe nhóm tán thành hòa bình, độc lập, dân chủ, hòa hợp dân tộc, hình thành lực lượng thứ ba để phân hóa hơn nữa các thế lực phản động, cô lập và chĩa mũi nhọn vào Thiệu cùng các phần tử thân Mỹ hiếu chiến nhất...”. 

***

Năm 1940, ở tuổi 23, Hoàng Trọng Quị cùng em trai là Hoàng Trọng Miên đã phụ trách một loạt tạp chí lớn của Sài Gòn như Trong khuê phòng, Người mới... đây cũng là những tạp chí đăng sớm nhất thơ của Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Địch, Thúc Tề, Chế Lan Viên..

Năm 1949, Thanh Nghị soạn Pháp Việt tiểu từ điển; năm 1954, ông soạn tiếp Việt Nam tân từ điển; năm 1959, ông soạn Anh Việt Pháp từ điển, rồi Việt Nam tân từ điển minh họa - 1964, Pháp Việt tân từ điển; năm 1966, Khai Trí Sài Gòn

Gia tài đồ sộ ấy, mãi đến ngày ông nằm xuống, 29/4/1988, một ngày sau, tức đúng kỷ niệm 13 năm giải phóng Sài Gòn, nhà thơ Chế Lan Viên đã ghi lại: “Hãy nghĩ những quyển từ điển trên in năm 1951, dưới sự kiểm soát của giặc Pháp, một từ điển tiếng Việt ra tiếng Việt, thứ khó nhất, gần đây ta mới hoàn thành. Một từ điển duy nhất chỉ có một người làm, không phải làm ra bởi một viện có viện trưởng, nhiều viện phó và vô số nhân viên!”. 

Ở thời điểm ấy, nhà thơ Điêu tàn đã tìm thấy tên mình được Thanh Nghị xếp ở trang 2, phần Tên và biệt danh viết tắt, ở đấy Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều… được xếp cùng và cạnh những Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Yến Lan, Bích Khê, Tố Hữu... Với Thanh Nghị, là danh nhân văn hóa, là dòng thơ lãng mạn hay ngọn cờ tiên phong của thơ văn cách mạng thì cũng chung dòng huyết thống dân tộc. 

Chế Lan Viên tra tiếp từ điển do Thanh Nghị biên soạn như sau: Đế quốc chủ nghĩa: “Đế quốc chỉ là cái phần phụ của chủ nghĩa tư bản, không thể có cái này mà không có cái kia”, Cộng sản chủ nghĩa: mở đầu bằng định nghĩa: “Chủ nghĩa tin rằng muốn tạo ra một nền hòa bình cho nhân loại, nghĩa là tránh chiến tranh, giành quyền lợi và tài sản, cần phải căn cứ trên một công lý hợp lý”…

Đặt để những diễn giải, định nghĩa từ ấy vào trong những cuốn từ điển xuất bản công khai ngay giữa lòng Sài Gòn đang bị Pháp rồi Mỹ chiếm đóng, kiểm soát mới thấy một nhãn quan tư tưởng, một thái độ dấn thân của Thanh Nghị. Vì việc này, chính quyền Sài Gòn đã cho đóng cửa và tịch thu toàn bộ sự sản nhà in của Thanh Nghị. 

***

Trở lại Tháng ngày tôi sống với những người cộng sản (tập ký của Thanh Nghị, nhà xuất bản Trẻ, năm 1989), nơi trái tim luôn nồng ấm một tình yêu đất nước, một niềm tin sáng trong vào sự lựa chọn lý tưởng phụng sự của đời mình, một nhân cách người-yêu-nước trong tầm hiểu biết của một bậc trí giả, đặt tất cả vào đấy những thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến tranh khốc liệt tại miền Nam, hay cuộc chiến đấu đầy quả cảm trên chiến trường Đông Nam Bộ; và cả một góc yên ả, bình lặng nơi vùng giải phóng sẽ thấy, không chỉ ông mà có cả một thế hệ trí thức Sài Gòn, hoặc từ các vùng đô thị, từ khắp năm châu đã hội tụ một tình yêu Tổ quốc bất biến, vô biên. Có tiếng gọi trở về. Có lời vọng lại tự trong tim, trong óc. Có sự thúc giục anh, tôi và bao người yêu nước lên đường, dấn thân cách mạng. 

Giữa rừng, ngay trong vùng lõi căn cứ, Hoàng Trọng Quị được gặp lại Tôn Thất Dương Kỵ, lần đầu chạm mặt và chung một tuyến đường với bác sĩ Dương Quỳnh Hoa. Trong không khí đoàn tụ ấy, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát đã nói: “Độc quyền yêu nước là một khái niệm vô cùng sai lầm. Công cuộc chống đế quốc Mỹ xâm lược là nhiệm vụ và là tình cảm của cả dân tộc. Chúng tôi được cái may mắn là những người đi trước. Chúng tôi đánh giá rất cao sự đóng góp của các anh, các chị...”. 

Một trong những “người cộng sản” mà Thanh Nghị tận mắt nhìn, tận tai nghe là một cậu bộ đội, chừng 20 tuổi, được đơn vị bầu là chiến sĩ thi đua, trước toàn thể cơ quan, cậu kể lại “chiến tích” của mình bằng giọng nói thật thà, bình dị: tổ chiến đấu của cậu được chỉ thị mở một mũi dùi đâm thọc vào cánh trái đồn địch. Phải phá hủy một ổ đại liên ở đó trước khi trời sáng. Nhưng địch nã đạn liên tục, còn gọi máy bay tới thả bom. Cậu và một đồng đội nữa tiến lên mở đường. Khi đúng vào tầm bắn, cậu đứng phắt dậy, nã B40 vào tháp bố trí đại liên. Trúng phóc. Bom vẫn thả nhưng đạn từ đồn địch đã loạn xạ và yếu dần. Nhưng cậu đã bị thương, anh em đang tràn lên để tiêu hủy đồn địch, cậu cố sức bám theo.

Bỗng dưng cậu nghe tiếng rên rồi tiếng kêu cứu. Trời mờ sáng, cậu định vị tiếng kêu rên, rồi cào đất, nhìn thấy cái đầu đội nón sắt, là một người lính Việt Nam cộng hòa. Đứng một hồi, khi tiếng súng đã dịu bớt, cậu tìm cách kéo tên lính dậy, xốc lên vai, cõng ra khỏi khu vực đồn về hướng đơn vị cứu thương. 

Kết thúc câu chuyện, cậu bộ đội đứng yên, cả hội trường cũng lặng phắt. Có tiếng hỏi, rồi thằng lính đó sao. Cậu cười kể tiếp: “Hắn bị thương nặng. Phải mổ. Hôm rồi tui có vào thăm hắn. Buồn cười là mỗi lần trông thấy tui, hắn đều khóc. Hắn chẳng nói gì cả. Hắn còn non quá. Chừng 16, 17 tuổi. Tui cũng có một đứa em trai trạc tuổi hắn”. 

Nữ sinh văn khoa Sài Gòn, Hoàng Thị Hạnh (bìa phải) ái nữ của nhà văn Thanh Nghị bên cạnh cô Ba Định và chị Chín Nghĩa (ảnh tư liệu - 1973)
Nữ sinh văn khoa Sài Gòn, Hoàng Thị Hạnh (bìa phải) ái nữ của nhà văn Thanh Nghị bên cạnh cô Ba Định và chị Chín Nghĩa (ảnh tư liệu - 1973)

Ngày thoát ly, gửi lại cho con 25.000 đồng là cậy vào sự vén khéo, chu toàn của con, thay cha lo cho anh chị em; giao lại 2 bao tải truyền đơn cho con cũng là tin vào sự lựa chọn của con, đi trên con đường yêu nước, yêu hòa bình, chống sự bất công, nô dịch. Đêm đầu tiên ở chiến khu, trời vừa ráng chiều, lòng ông nhớ bầy con da diết. Ông viết: “Chưa có lúc nào ba chia tay với các con, lần này ba phải đi lâu, ba không thể làm khác, ba quý các con, chắc các con hiểu nhưng còn đất nước, đất nước của ba và cũng là đất nước của các con”. 

Chưa đầy một năm sau, con gái ông, nữ sinh văn khoa Sài Gòn Hoàng Thị Hạnh bị bắt, địch đưa về giam tại Tân Hiệp, qua Thủ Đức. Từ chiến khu, ông hay tin con gái mình được kết nạp Đảng ngay trong lao tù, “dì Ba làm lễ cho con”.

Đứa con gái thứ hai, Hoàng Thị Thương thì đang ở nhà lao Côn Đảo. Ông nghe kể lại, Thương bị chỉ điểm, địch truy bức về cha và chị, Thương tỉnh bơ, đó là những người mà tôi sẽ noi theo.

Năm 1973, Hoàng Thị Hạnh ra tù, mất hết liên lạc. Ông hay tin, lòng như lửa đốt, nhờ tổ chức tìm mọi cách đón con gái vào cứ. Đêm đầu tiên gặp lại con sau bao năm, cha con chưa kịp nói chuyện nhiều thì rơi vào đợt địch tăng cường bắn phá, chúng dội bom chụp, bom đìa đủ loại, cả B52. Dưới hầm trú ẩn, cha nắm lấy tay con, như thể dồn hết vào đấy sự che chở, bảo bọc có thể. Và rồi ông nghĩ: “Nỗi đau thương nhiều của mình vì những đau thương của những ai thân yêu. Cả những nỗi lo lắng, buồn vui cũng từ ruột thịt Tổ quốc mà ra”. 

Và ngày Tổ quốc đoàn viên, cha từ chiến khu trở về, con gái Hoàng Thị Hạnh từ Hà Nội trở lại, con gái Hoàng Thị Thương ra khỏi nhà tù Côn Đảo, ba cha con về nhà chung một ngày, sum họp. 

Đã bao lần, cứ mỗi khi về Nguyệt Biều, quê ngoại, tôi lại đi trên con đường nhỏ mang tên ông - Thanh Nghị. 16 tuổi rời Huế, phong trần, hào hiệp, dấn thân, lý tưởng, ông đã cống hiến không mệt mỏi bằng tất cả tình yêu trong trẻo, tâm huyết, tri thức. Có lẽ, ngày ấy, Huế chật chội với tài văn, nhiệt huyết lẫn chí tang bồng nơi anh em dòng Hoàng Trọng, nhưng chưa bao giờ cái rẻo đất mang hình dáng bầu trăng ấy (tức Nguyệt Biều xưa, Thủy Biều ngày nay) lại thiếu vắng trong ký ức văn chương Thanh Nghị. 

45 năm rồi, đất nước tôi thanh bình. Ở cái khoảng cách thời gian gần nửa thế kỷ ấy và cả những chiều kích không gian, nơi ta thử nhìn thành phố này qua cuộc chiến giành lấy tự do, thống nhất đất nước ở góc nghiêng lẫn phương thẳng đứng, ở tầng cao lẫn chiều sâu để “diễn dịch” một cách công bằng và trọn vẹn nhất về những con người đã góp mình vào cuộc chiến, trong ấy, có những chiến công đã lưu danh, có một thế hệ mãi mãi là niềm tự hào và cũng có những con người trí thức hồn nhiên, tin yêu, nhiệt huyết. Mà nếu không có họ, sức mạnh chính nghĩa của cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam nói chung, thành phố Sài Gòn nói riêng đã không trọn vẹn và đầy kiêu hãnh như thế!  

"Thực là đáng yêu những con người Sài Gòn, những con người của thành phố hiện đại mà nét cổ kính dân tộc vẫn còn rất tươi, rất thắm trong tâm hồn những đứa con chưa bao giờ biết khuất, sẵn sàng nổi dậy, sẵn sàng xuống đường, sẵn sàng lao mình vào những nơi hiểm nghèo nhất" - Thanh Nghị - Tháng ngày tôi sống với những người cộng sản.

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI