Chuyên đề Nhà có người ốm: Giường bệnh “đo lòng” người thân

27/11/2020 - 16:04

PNO - Nuôi bạn trong bệnh viện, ở Khoa Nội thần kinh, tôi được chứng kiến những hoàn cảnh “éo le”, những “bất hạnh gia môn” và hiểu thêm về giá trị của gia đình hạnh phúc.

Giường số 5: xác suất 20%

Bà Loan ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, 75 tuổi, sinh được mười người con chia đều tỷ lệ trai - gái và đều đã lập gia đình. Theo quan niệm “út bưng tô” nên khi cưới vợ, gả chồng cho chín đứa con, vợ chồng bà Loan đều cho các con một ít vốn tượng trưng khởi nghiệp, còn thằng út ở cùng cha mẹ thì hưởng của chìm, của nổi. Ông bà giữ niềm tin không đắn đo là vợ chồng thằng út hưởng gần hết tài sản thì phải chịu trách nhiệm chăm sóc ông bà lúc tuổi già. Niềm tin của ông bà Loan tưởng đâu trọn vẹn khi vợ chồng thằng út chung sống hạnh phúc, chí thú làm ăn và rất hiếu thuận với cha mẹ. Nhưng ai ngờ…

Một ngày cuối tháng Ba, bà Loan ngủ dậy, bước xuống giường, bất chợt ngã quỵ và không biết gì nữa. Tỉnh dậy, bà Loan thấy mình nằm trên giường bệnh, ngoài thằng út, chỉ thấy bốn đứa con đứng bên cạnh, năm đứa còn lại viện cớ công việc nên chỉ gọi điện hỏi thăm mẹ. Chăm sóc bà Loan suốt mười ngày nằm viện, chỉ có đứa con gái thứ tám và con dâu út thay phiên ngày đêm, còn thằng út phải ở nhà chăm sóc cha và hai đứa con nhỏ. Khi dần hồi phục, bà thều thào với con gái: “Không ngờ chỉ có con là hiếu thảo”. Rồi nước mắt bà trào ra, ánh mắt vô định…

Giường số 6: “Cơm - phở đổi cữ”

Anh Chiến 47 tuổi, là thợ xây mộ tại một nghĩa trang ở ngoại thành. Anh có ngoại hình cao to, nước da đen bóng lực lưỡng với sức khỏe được so sánh bằng tửu lượng bia tối thiểu hai lần/tuần và một thùng/lần lâm trận với chiến hữu. Sức khỏe tốt đã đành, lại thêm ngôi sao đào hoa chiếu cố, nên mặc dù “nếp - tẻ” ngon lành, anh vẫn “chán cơm thèm phở”. Kết quả là phát sinh “thằng Út Thêm”.

Rồi một sáng kia, sau một đêm “chén phở” ngon lành, về tới nhà, anh ngã quỵ, liệt nửa người, được đứa con gái phát hiện và la làng… Tỉnh dậy, anh thấy mình trên giường bệnh, bên cạnh là đứa con gái 15 tuổi khóc thút thít, còn vợ anh thì liên tục bóp tay chân cho chồng.

Thấy vậy, tôi buột miệng khen cặp đôi hạnh phúc thì chị thở dài: “Tụi em ở chung nhà nhưng ly thân mười năm rồi. Nay anh ấy bệnh thế này, nghĩa vợ chồng em không bỏ được”. Những ngày ở bệnh viện, với bàn tay săn sóc chu đáo của vợ, anh Chiến không giấu được vẻ ăn năn, hối hận.

Nhân lúc vợ anh đi lãnh cơm, tôi khều anh hỏi nhỏ: “Thế phòng nhì có đến thăm anh không?”. Anh Chiến lắc đầu, mắt rơm rớm. Anh bệnh nhân “ác nhơn” ở giường kế bên chợt họa theo như xát muối vào lòng: “Đừng chê “cơm nguội” mùi thiu/ Ham ăn tô phở hẩm hiu nghĩa tình”.

Giường bệnh là nơi do tình yêu thương rõ nhất - Ảnh minh họa
Giường bệnh là nơi do tình yêu thương rõ nhất - Ảnh minh họa

Giường số 8: “Đứa con thiệt thòi”

Bà Cần chồng chết được 20 năm, có ba đứa con tính khí khác nhau một trời một vực: Lan, Hồng và Quốc. Lan mềm mỏng, nhỏ nhẹ biết lấy lòng mọi người nhưng tham lam và nham hiểm. Hồng thì khác chị, rất thẳng thắn, hơi đốp chát, dễ mất lòng nhưng lương thiện và tốt bụng. Hai chị em có điểm giống nhau là tìm được người phối ngẫu y chang tính cách mình nên hậu quả là hai anh “cột chèo” không ưa nhau. 

Trong khi đó, Quốc là em út hiền lành thì có dư mà cương quyết, bản lĩnh thì không đủ. Quốc được bà Cần thương nhất, sống với mẹ, được hưởng nhiều tài sản. Từ khi kết hôn, Quốc khẳng định lập trường “vợ tôi là số một” bất kể đúng sai. Quốc thuyết phục mẹ đưa vợ toàn bộ tiền cho thuê mặt bằng nhà để quản lý, chi tiêu. Bà Cần muốn tiêu vặt gì đều phải thông qua con dâu. Đề nghị bất hợp lý như vậy nhưng bà Cần vẫn vui vẻ chấp nhận, vì thương con và vì chưa học được “chữ ngờ”. Cho đến một ngày…

Bà Cần nằm viện nhưng vợ Quốc chỉ chăm sóc qua loa, không hề xin phép nghỉ việc vài hôm. Cuối tuần thì chạy thẳng về nhà mẹ ruột, phó mặc mẹ chồng cho Lan và Hồng. Quốc có hiếu nhưng nhu nhược, thấy mẹ nằm viện lo lắng đến mức stress. Đến lúc này thì cô em dâu mới nói thẳng với chị chồng: “Giờ em cũng bệnh nên hai chị ráng lo cho má và anh Quốc. Còn em lo cho con và dọn ra nhà trọ ở luôn”.

Suốt thời gian nằm viện đến khi hồi phục chỉ có hai đứa con gái chăm mẹ là chủ yếu. Lan được hưởng khối tài sản lớn, chăm sóc mẹ là lẽ đương nhiên, chỉ có Hồng do thẳng thắn nên thiệt thòi, các cô bác lớn tuổi biết chuyện thì lại bảo: “Con Hồng rồi sẽ có hậu về sau, bởi chữ hiếu không vụ lợi với đấng sinh thành mới là tài sản tích lũy lớn nhất của đời người”.

Từng có một người mẹ ở Long An ra đi mang theo uất hận đối với người con gái bà dứt ruột đẻ ra. Làm việc với công an, người con thừa nhận những hành vi trong clip (đánh đấm, quất bằng chổi, gào thét, chửi tục, gọi bằng mày tao và hất thứ dơ bẩn vào mặt mẹ mình). Nguyên nhân ban đầu, người con khai là do mẹ đã không chia tài sản cho mình, và việc chăm sóc mẹ già quá vất vả, áp lực, đơn độc.

Giường bệnh đã không còn là nơi chăm sóc, thể hiện sự thương quý, lòng hiếu thảo, mà lại là địa ngục đọa đày, báo thù nhau. “Đo lòng” người thân nơi giường bệnh có khi chỉ kịp nhỏ những giọt nước mắt bẽ bàng. Ngay khi “đo được” thì lại là… “mất” quá nhiều. Nhưng cũng có khi câu chuyện quanh giường bệnh mang lại bài học quý, để mọi người thay đổi cách sống, cách ứng xử, nhất là đối với người thân trong gia đình. 

Hiền Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI