Theo mẹ đi học, Thảo dạn dĩ hơn, biết trò chuyện với mọi người và đặc biệt không “quậy” trong lớp.
Tiếng khóc nhói lòng
Mang thai đứa con đầu lòng, chị Dương Mỹ Phương ăm ắp niềm vui làm mẹ, hình dung ra mái ấm hạnh phúc, vợ chồng yêu thương nhau cùng nuôi dạy những đứa con ngoan. Ngày nào, chị cũng săm soi bụng bầu, với bao lời chúc lành cho con.
Bỗng sau một chuyến về quê lên, chồng chị loanh quanh ấp úng rằng vợ chồng mới lấy nhau, kinh tế chưa ổn định, vẫn chưa mua được nhà… Chồng, bộ đội phục viên, vừa xin được việc làm tại văn phòng của một trường đại học. Vợ, công nhân, đồng lương chỉ đủ sống tiết kiệm. Cuối cùng chị cũng hiểu ý anh, muốn bỏ đứa con đầu lòng. Phương sốc, khóc, rồi lại hơi xiêu lòng trước sự thuyết phục của chồng, bởi chị không muốn vợ chồng mới cưới nặng nhẹ nhau.
Chị không muốn thấy cảnh con sinh ra trong thiếu thốn. Phương lên công ty, xin giấy giới thiệu đi bệnh viện, mọi người thăm hỏi, chị khóc, kể. Lời khuyên can của chị em đồng nghiệp tiếp sức cho Phương đủ mạnh mẽ, bảo vệ đứa con. Đến tháng thứ ba, Phương bị động thai, nhập viện, bác sĩ khám, chỉ định nạo thai. Phương chỉ biết khóc, không nói được lời nào dù rất muốn xin bác sĩ cứu con. Nước mắt của người mẹ làm các bác sĩ phải suy nghĩ lại. Với Phương, những ngày chờ quyết định của bác sĩ là những ngày dài vô tận. Chị chỉ còn biết gửi hy vọng vào các xét nghiệm, vào mũi chích thuốc giữ thai, tự nói với mình, nói với con “Mẹ phải có con”…
|
Chị Mỹ Phương và Thảo |
Sinh non, bé Thảo chỉ được 2kg, người nhỏ xíu, chỉ có khóc là lớn. Sự hồi hộp, hoang mang tiếp tục bám theo chị trong quá trì nh nuôi con. Những đêm mất ngủ, nhìn con khóc, chị thấy mình có lỗi vì “mẹ không cảm nhận được con bị làm sao, con đau ở đâu”. Những dỗ dành, nâng niu, ôm ấp dành cho con nhiều hơn.
Giữa những bộn bề lo âu của lần đầu làm mẹ, chị còn phải chịu đựng nỗi cô đơn. Đau đớn nhất là chồng tuyên bố chia tay, chờ con một tuổi sẽ nộp đơn ra tòa. Nuôi con ai chẳng mong đến ngày thôi nôi, nhưng với chị đó là khoảng thời gian mà chị sợ mỗi ngày qua đi. Tiếng khóc của con bé càng lớn, chị càng nghe nhói lòng. Nó bé bỏng, yếu đuối như thế, lẽ nào ba nó lại không muốn bên cạnh để bảo vệ…
"Con đừng sợ, mẹ đây!"
Sau những níu kéo mệt mỏi, đau quá, chị cũng phải buông. Con gần hai tuổi, cuộc hôn nhân của chị thật sự chấm dứt. Còn lại một mình, chị học cách vừa làm mẹ, vừa làm cha cho con. Đứa con trở thành mục đích sống của chị. Nhưng, con càng lớn, chị càng lo, cái gì con cũng chậm: lẫy, bò, trườn… những gì vốn thuộc bẩm sinh của trẻ nhỏ nhưng con chị lại quá vất vả, khốn khổ. Chị lo nhất là con cứ “ngơ ngơ”, gương mặt vô hồn. Bạn bè thương, an ủi nó còn nhỏ, lại yếu quá, nên không lanh như con người ta.
Chị nhớ lại: “Có con, tôi mới biết bệnh viện ở đâu, phòng khám chỗ nào gần nhà, bác sĩ nào chịu khó thức khuya… Con uống đủ thứ thuốc: nóng sốt, ho, tiêu chảy…”. Chị thành người quá quen của các bệnh viện nhi. Phương choáng khi nghe bác sĩ kết luận: “Con chị bị bệnh tim bẩm sinh”. Chị lại khóc, nước mắt cố nén trào ra, chị nghĩ ngay đến tiền, có tiền thì con mới có thể sống sót.
Cơ quan Phương có đợt xét tuyển công nhân đi lao động nước ngoài, chị may mắn có tên trong danh sách vào phút cuối. Phương vừa mừng, vừa lo. Con nhỏ, chị không nỡ xa, nhưng không đi thì tiền đâu lo cho con. Chia sẻ với Phương, ba mẹ chị đồng ý chăm sóc cháu ngoại. Chị yên tâm ra đi. Những năm tháng ở Hungary, chị cố gắng làm việc, thời gian rảnh chạy chợ, buôn bán thêm: “Suốt mấy năm trời ở nước ngoài, tôi chẳng biết chỗ nào ngoài phân xưởng làm việc. Tối về, nhớ con, khóc. Rồi ráng ngủ, mơ thấy con khóc, cười. Thấy mình luôn nói với con: con ơi, đừng sợ! Mẹ đây!”.
Ngày về, Phương mua được căn nhà, mua cho con nhiều áo quần, đồ chơi… mong bù đắp phần nào sự thiếu thốn của con. Thế nhưng, Thảo đã lớn, mà chẳng chịu khôn: “Chẳng nhà trẻ, mẫu giáo nào chịu giữ một đứa không biết chơi, không thuộc tên mình, chẳng trường cấp I nào chịu dạy một đứa trẻ chậm chạp, ở nhà chỉ biết ăn cơm với canh, nuốt trọ ng, không biết nhai…”. Chị lại bế con đi khắp các bệnh viện, khám, kiểm tra đủ thứ. Cuối cùng bác sĩ khẳng định: “Con chị bị chậm phát triển trí tuệ dạng nặng”.
Chị đôn đáo chạy tìm nơi chữa bệnh cho con. Vào những năm 1990, ngành y chưa đủ điều kiện chăm sóc và điều trị cho trẻ thiểu năng. Một vài nơi nhận nuôi trẻ khuyết tật, nhưng phải diện mồ côi. Thương chị, một nhà trẻ của các nữ tu nhận giữ dù con chị đã quá tuổi đi nhà trẻ, để bé Thảo có môi trường giao tiếp. Loay hoay tìm kiếm, rồi chị nhận ra chẳng ai có thể chịu khó, chịu thương dạy dỗ một đứa con thiểu năng tốt bằng mẹ nó.
Thời đó, tài liệu về trẻ thiểu năng rất ít, chị dạy con bằng tình thương, kiên nhẫn và hy vọng. Bản năng làm mẹ thật mãnh liệt, giúp chị phá vỡ suy nghĩ “nó không biết gì”. Phương trò chuyện với con như thể con là đứa trẻ bình thường. Thi thoảng, ánh mắt của con mới dừng lại trên mặt mẹ, lâu lắm mới nhìn vào mắt mẹ. Chừng đó thôi, cũng đủ để chị cảm nhận được “con hiểu mẹ, chỉ là con không biết cách thể hiện”.
Thảo lên 10, biết cài khuy áo, biết thay đồ đẹp khi ra khỏi nhà, biết cầm chổi quét nhà… là cả một kỳ công của mẹ. Cùng với những vận động cần thiết đó, Thảo biết và nhớ tên mình, tên của mẹ, biết phát âm: Thảo muốn ăn cơm, Thảo lấy nước cho mẹ… Biết con thích xem ti vi, Phương biến cái ti vi thành công cụ học tập. Mỗi tối, chị cùng con khám phá cuộc sống: đố Thảo đây là con gì, kia là cái gì… Mẹ phải kiên trì lắm, mới có một ngày, đưa con đến sở thú, Thảo chỉ tay, nói “con cọp”. Cũng có lúc, Thảo cáu, bướng, như thành một đứa trẻ khác, chị chỉ biết chờ đợi. Rồi chị nhận ra, đó cũng là một cách giao tiếp của con, cần, đòi nhu cầu về ăn, uống, chơi… Chị thương con, nhưng cũng không chiề u con.
Dần dần, Thảo biết làm những việc khó hơn, tự tắm, lau nhà, phơi đồ… Dù mẹ phải làm lại, nhưng đó là bước tiến đáng kể của Thảo.
Tạo lại mái ấm
Một người đàn ông để ý thương chị, thương hình ảnh “đi đâu mẹ cũng tha con theo”, thương tính nhẫn nại, hy sinh của người phụ nữ vắt hết tuổi xuân cho con. Nhưng chị vẫn tính cho con “một mái ấm gia đình vẫn tốt hơn”.
Như chị mong đợi, có người đàn ông trong nhà, gia đình đỡ chông chênh. Sợ ba, nên Thảo ăn, ngủ đúng giờ. Chị sinh thêm một bé trai, tuổi chị em cách nhau một con giáp. Chị cảm động khi Thảo biết thương em. Em trai học mẫu giáo, Thảo có thêm một “giáo viên” dạy học. Phương bật cười khi nhớ hình ảnh: “Thằng bé cầm cây thước, chỉ vào bảng đen, bảo chị đọc chữ A, chữ B…”. Có em, Thảo vui hơn.
Con tiến bộ, chị tự tin tìm trường cho con. Thảo có mặt tại Tương Lai, Bình Minh, Niềm Tin… là những ngôi trường dành cho trẻ khuyết tật. Ở đó, Thảo vẽ nhiều hơn viết, cười nhiều hơn nói… Đến năm 19 tuổi, Thảo hết tuổi đến trường, tiếp tục học với mẹ và em trai. Thảo biết tự làm việc nhà, không đợi mẹ nhắc, nhà dơ lấy chổi quét, biết nhặt rau, rửa rau để mẹ nấu canh…
Chồng chị Phương vừa qua đời vì bệnh ung thư. Nhà còn lại ba mẹ con. Thảo vẫn như trẻ lên bảy, rất ngoan, thích xem phim hoạt hình, thích chơi với thú nhồi bông, và biết thương em. Ba ruột của Thảo thỉnh thoảng cũng đến thăm con gái.
Ngoài công việc mưu sinh, chị Phương luôn tìm đến những khóa học nhằm nâng cao sức mạnh tinh thần. Chị tâm sự: “Có con, tôi cảm thấy mình được tiếp thêm sức sống. Mọi người hay nói rằng, trời cho tôi đứa con trai lanh lợi, khỏe mạnh như bù đắp cho đứa con gái thiểu năng. Nhưng tôi không nghĩ thế. Với tôi, đứa con nào cũng mang đến cho tôi hạnh phúc, dù chúng như thế nào đi nữa, thì vẫn là con tôi. Khi chúng mở mắt chào đời, con chấp nhận ngay tôi là mẹ, thì lẽ nào tôi lại không chấp nhận con tôi”.
Trường Sơn