PNO - Mỗi buổi sáng, trước khi rời khỏi nhà, cậu con trai 13 tuổi chào tạm biệt mẹ bằng cái ôm thật chặt và hôn thật sâu lên má, cho đến khi nào mẹ kêu lên “đau quá”, cậu mới chịu buông mẹ ra để đi học.
Hai mẹ con cùng cười rạng rỡ, vui vẻ chia tay. Hơn tám năm qua, đều đặn mỗi ngày hai mẹ con chị N.P.L. (giảng viên trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) tạm biệt nhau bằng “thủ tục” ngọt ngào như thế. Đó không chỉ là cách thể hiện tình yêu mẹ con, mà còn là một trong những phương pháp chị giúp cậu bé tìm lại giọng nói.
Ray rứt…
Ngày cất tiếng khóc chào đời, bé Ké (tên ở nhà) hoàn toàn khỏe mạnh, các chỉ số về cảm xúc, trí thông minh, thể lý được kiểm tra đều đạt kết quả tốt. Nhưng gần bốn tuổi, bé chỉ ngọng nghịu được hai từ “con cá”, “bông hoa”, phải chú ý rất kỹ mới nghe được. Chị đưa con đi khám khắp nơi vẫn không tìm ra được nguyên nhân, bởi sức khỏe thể chất và khả năng nghe của bé hoàn toàn bình thường.
Kể về quá trình diễn biến bệnh của con, chị L. mắt ngân ngấn. Trong hồi ức của chị, chuyện xảy ra lúc con trai tròn 10 tháng tuổi vẫn còn in đậm. Hôm ấy, chị có việc phải đi vắng ba ngày. Sau khi trở về, con không thèm bú mẹ, thấy con bỗng dưng bỏ bú, nhân đó để tiện cho công việc của mình, chị cai sữa cho con mà không hề tìm hiểu nguyên nhân. Mấy ngày sau, trên người bé xuất hiện những mụn đỏ, chị đưa con đi khám nhưng không tìm ra bệnh. “Mà lạ lắm, nếu được mẹ ôm ấp, vỗ về thì mụn sẽ biến mất, nhưng nếu mẹ bận rộn ít quan tâm thì nó lại nổi rộ lên. Sau này tôi mới hiểu, bé bỏ bú là thể hiện thái độ hờn giận mẹ. Bé muốn được mẹ ôm ấp nhưng tôi đã không hiểu, còn vô tình đẩy con ra xa khiến bé rơi vào tâm trạng hụt hẫng…” - chị L. rấm rứt kết tội mình.
Ảnh mang tính minh họa: Internet
Đến khi con trai tròn 12 tháng, chị L. đi học thạc sĩ ở Hà Nội. Sau ba tuần đầu xa nhà, trở về chị ríu rít gọi con. Thằng bé quay sang nhìn mẹ nở nụ cười thật tươi, ánh mắt lấp lánh niềm vui, nhưng khi chị đưa tay bế thì nó né tránh. Bé đến nấp sau cánh cửa, len lén nhìn mẹ, chị tiến một bước con lại lùi một bước. Trước phản ứng của con, chị hụt hẫng hoang mang. Cả ngày hôm đó, chị cố gắng làm quen lại với con, mãi đến chiều mới ôm được con vào lòng.
Sau đó, chị quyết định đưa con ra Hà Nội cùng mình, nhưng miền Bắc đang vào mùa rét, bé ra đến nơi thì bị bệnh liên tục, buộc lòng chị phải gửi con về. Chị bảo, sai lầm thứ hai của mình là lúc này lại thường xuyên thay người giúp việc, chị cứ tìm kiếm, mong muốn một người giúp việc theo tiêu chuẩn của mình mà quên mất con cần sự quen thuộc. Sau đó, công việc, học hành lôi cuốn, chị L. ít khi có thời gian dành cho con, mãi đến khi Ké gần bốn tuổi chỉ ngọng nghịu được vài từ chị mới giật mình, hốt hoảng, thấy cuộc sống của mình không còn ý nghĩa gì nữa. Chị gác công việc, dành toàn bộ thời gian quan tâm, chăm sóc, đưa con đi chữa trị khắp nơi và kiên trì tập cho Ké nói.
Gian nan nhất là giai đoạn bé đến tuổi đi học. Chị L. không muốn cho con đến trường, vì lo sợ sự kỳ thị sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con. Nhưng cũng không thể giữ Ké ở mãi trong nhà, cuối cùng chị quyết định đi học cùng con. Bất chấp những cái nhìn ái ngại, chị vào lớp ngồi bên cạnh kèm con học. Sau một thời gian, người mẹ mừng rỡ nhận ra con đã tiếp thu được tất cả bài vở thầy cô dạy. Bé làm được phép tính, viết đúng tên các sự vật, hiện tượng nhưng nói thì sai. Bé biết bố đang rửa xe, lại nói "bố tắm cho xe”. Bé qua được các kỳ thi và lên lớp, dù khả năng nói vẫn không tiến bộ nhiều.
Bé Ké năm sáu tuổi
Học nói cùng con
Năm Ké vào lớp 6, khi mọi thứ đang diễn ra tương đối ổn định, thì bố em có việc phải đi xa, em lại bị mất khả năng ngôn ngữ thêm một lần nữa, việc học lúc này bắt buộc phải dừng lại. Nhìn con sống trong im lặng, lòng chị L. đau như xát muối, càng oán trách mình. Nỗi đau - tình yêu thương - sự day dứt và khát khao bù đắp cho con giằng xé, thôi thúc chị quyết tâm tìm bằng được nguyên nhân căn bệnh của con, chị nghĩ như vậy mới có thể chữa trị tận gốc. Sau nhiều đêm trăn trở, xâu chuỗi lại toàn bộ sự việc, chị nhận ra những lần con có phản ứng lạ và cả lần mất khả năng ngôn ngữ này, tất cả đều rơi vào giai đoạn vợ chồng chị xa con. Từ phát hiện đó, chị tập trung nghiên cứu bệnh của con về mặt tâm lý học.
Chị chia sẻ với chồng suy nghĩ của mình và quyết định bỏ hết công việc để ở nhà trị liệu cho con. Việc đầu tiên, chị xây dựng chương trình dạy tiếng Việt đặc biệt, tìm kiếm một giáo viên dạy tiểu học có kinh nghiệm để thực tế hóa chương trình dạy. Kế đến, kết hợp với một chuyên gia âm ngữ trị liệu. Chị còn vạch ra một số nguyên tắc cần được tuân thủ nghiêm ngặt trong quá trình dạy Ké như: thỏa mãn mọi mong muốn của con, cùng con thực hiện tất cả hoạt động: đi bơi, xem ti vi, đọc truyện, và trò chuyện về những việc mà bé quan tâm.
Khi bé đã nói được chút ít, chị L. chuyển sang phương pháp hỏi đáp: “Con đang làm gì đó?” - “Chơi game” - “Con chơi như thế nào?” - “Nhảy lên” - “Nhảy là như thế nào?” - “Nhảy là mẹ chụm chân bật lên”… Cứ vậy, chị không cho con diễn tả bằng hành động mà gợi ý cho con giải thích bằng lời nói. Chị L. nhớ lại: “Ngày nào cũng vậy, tôi phải huyên thuyên suốt với con. Thấy con làm cái gì thì hỏi cái đó. Tôi nghĩ, cách này không chỉ giúp con học nói và phản xạ, mà qua đó con sẽ cảm nhận được tình cảm của mẹ dành cho mình”.
Với phương pháp đáp ứng mong muốn của con, mỗi ngày chị đều hỏi bé “hôm nay con muốn được ba mẹ làm gì cho con?”. Chị cười giải thích: “Bé cần thỏa mãn những nhu cầu của bản thân, cơ bản là nhu cầu được yêu thương mà bé đã bị hụt hẫng trong giai đoạn ấu thơ. Tôi nghĩ, phương pháp này giúp bé giải tỏa được những khát khao dồn nén”. L. không hạn chế con xem ti vi, chơi game mà yêu cầu con phải kể lại cho chị nghe sau khi xem xong.
Cứ vậy, chị bền bỉ, kiên nhẫn bên con từ ngày này qua ngày khác, lòng luôn tràn ngập hy vọng đến khi con có thể líu lo như các bạn. Nỗi khát khao đó khiến chị quên mất bản thân mình, thế giới của chị chỉ có mẹ và con. Ngay cả công việc, chị cũng sẵn sàng từ bỏ những cơ hội tốt chỉ vì con muốn mẹ ở nhà. Chị cười: “Mình kiếm tiền để lo cho con, nhưng con không nhận thì kiếm làm gì?”
Và ngày hạnh phúc đó đã đến như một phép màu, Ké đã nói trở lại. Thậm chí, khi nói em còn sử dụng câu từ súc tích, sắc sảo hơn các bạn cùng độ tuổi: “Mẹ nấu món này hương vị rất hòa quyện”; “Mẹ phản ứng với con hơi “lố” rồi đấy”,”Mẹ có biết thất tình nghĩa là gì không?”… Đặc biệt, kết quả học tập cuối năm lớp 6 vừa qua của em khiến mọi người bất ngờ. Ké được xếp loại giỏi, đứng đầu lớp và thứ nhì toàn khối. Điểm môn toán, Anh văn, ngữ văn hoàn toàn thuyết phục. Chị L. cười nghẹn ngào: “Rất hạnh phúc! Tôi như vừa tìm lại được gia tài quý báu”.
Niềm vui to lớn đó vẫn không xóa đi được sự dằn vặt và nỗi lo lắng mơ hồ trong lòng người mẹ. L. biết mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để dìu dắt con đến ngày trưởng thành, vì đó chỉ là kết quả bước đầu. Nhắc đến chương trình trị liệu đặc biệt của mình, chị chia sẻ: “Không có chương trình trị liệu nào hoàn hảo nếu không có tình yêu thương. Phương pháp chỉ là một phần, bởi nếu giao đứa trẻ cho một chuyên gia mà cha mẹ bỏ mặc thì chắc chắn sẽ không có kết quả như mong đợi. Chỉ có người mẹ mới hiểu con muốn gì, cần gì. Và chỉ có tình yêu thương mới chữa lành được tất cả”.