Chuyên đề 'Đừng bất lực với bạo lực trẻ em': Phát hiện không khó, nhưng sau đó làm gì?

09/12/2017 - 10:00

PNO - Bạn phát hiện có những biểu hiện cho thấy con bị bạo hành ở trường. Xót xa, phẫn nộ, bạn sẽ làm gì để bảo vệ con, ngăn chặn việc trẻ tiếp tục bị hành hạ?

Hai bà mẹ cùng công tác trong ngành giáo dục, chị Hoàng Hà (Trường đại học RMIT) và chị Triệu Thị Vẽ, giáo viên văn chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này. 

Chuyen de 'Dung bat luc voi bao luc tre em': Phat hien khong kho, nhung sau do lam gi?
Ảnh minh họa

Phóng viên: Mọi người chia sẻ nhiều thông tin, kỹ năng làm sao phát hiện con trẻ bị bạo hành. Các chị có kinh nghiệm gì về vấn đề này?

Chị Hoàng Hà: Thông tin và kỹ năng đều không thể thay thế được quan tâm sát sao cha mẹ dành cho con. Tôi không kiểm soát và bắt con trả lời những câu "tra khảo" hằng ngày hòng tìm kiếm dấu hiệu của bạo hành. Với bạo hành về thể chất, bạn có thể kiểm tra cơ thể con để tìm ra, còn bạo hành về tinh thần, bạn có thể cạy miệng một đứa trẻ đang độ tuổi dậy thì để hỏi không?

Con tôi từng bị bạn bạo hành tinh thần nhưng ba tháng sau tôi mới biết. Phần vì sĩ diện tuổi mới lớn, phần là đứa trẻ kiệm lời, con hầu như không tâm sự gì. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó, con ít cười đùa, hay cáu gắt, ánh mắt thất thần, ăn uống không nhiệt tình như trước.

Tôi không thể theo con đến trường để giải quyết thay, cũng không thể gạn hỏi, nên đành dành thời gian gợi chuyện để con kể về những việc linh tinh trong ngày, chuyện nọ bắt sang chuyện kia, cuối cùng tôi cũng tìm ra "từ khóa" khám phá ra chuyện con bị bạo hành tinh thần. Phát hiện trẻ bị bạo hành không khó, nhưng làm sao để giúp con đối phó mới là vấn đề.

Chị Triệu Thị Vẽ: Theo tôi, quan trọng nhất là dành thời gian "chất lượng" cho con. Mình tắm cho con, chơi trò chơi, ôm ấp sẽ dễ phát hiện những dấu tích bạo hành nếu có trên thân thể con. Ăn cùng con, đọc sách hay trò chuyện với con sẽ nhận ra trẻ có bị bạo hành không? Với sự nhạy cảm của một người mẹ, tôi nghĩ chúng ta sẽ phát hiện được.

* Phụ huynh rỉ tai nhau “kinh nghiệm” để con mình được chú ý hơn ở trường: biếu tiền, quà cáp những ngày đặc biệt cho cô giáo, thậm chí phải vào được hội cha mẹ học sinh. Phải chăng nhờ thế, trẻ sẽ được cô yêu chiều?

Chị Hoàng Hà: Cha mẹ nào cũng thương con nên dù bằng cách nào, miễn con  được yên vui là họ làm. Tôi không làm thế, vì sợ rằng, khi lớn lên, hiểu chuyện, các con sẽ không tôn kính cô giáo, thậm chí cả mẹ, khi biết để mình bình yên, cha mẹ phải như thế. Tôi luôn cố tìm cho con mình một môi trường lành mạnh, không có bạo hành.

Chị Triệu Thị Vẽ: Lớp có 40 cháu, phụ huynh nào cũng dấm dúi tiền, quà cho cô thì con ai sẽ được ưu tiên? Phải chăng là cháu mà ba mẹ biếu cô nhiều hơn? Phụ huynh có quyền mưu cầu điều tốt nhất cho con mình, họ không đáng trách khi phải làm vậy.

Vấn đề nằm ở giáo viên. Thầy cô giáo phải là người nuôi giữ tâm hồn trong sáng, công bằng khi đối xử với trẻ. Quy định học sinh phải mặc đồng phục, không phải chỉ để cho đẹp, mà còn là khát vọng nhân văn: mọi đứa trẻ đều có quyền bình đẳng như nhau.

* Là bà mẹ có con nhỏ và làm về giáo dục, theo chị, làm thế nào để chấm dứt nạn bạo hành trẻ em?

Chị Hoàng Hà: Con tôi chưa bao giờ gặp trường hợp bị bạo hành về thể chất vì trường con học đều tử tế, quan tâm đến trẻ. Thêm vào đó, nếu cha mẹ không tin tưởng giáo viên thì vô tình sẽ tạo năng lượng xấu trong mối quan hệ giữa con và cô.

Khi con lớn của tôi học lớp Năm, cháu bị một bạn gái trong lớp bắt nạt về tinh thần. Ỷ thế làm cán bộ lớp, cô bé kia đã chụp mũ con tôi mà không sợ thầy cô phát hiện. Khi phát hiện tôi đã tìm một ngôi trường an toàn hơn cho cả hai con. 

Chị Triệu Thị Vẽ: Một chữ thôi: cái tâm của nhà giáo. Tôi nhớ khi được hỏi về bí quyết nấu ăn ngon, người chiến thắng trong cuộc thi Vua đầu bếp đã trả lời: "Tôi không có bí quyết gì. Mỗi lần nấu ăn, tôi nghĩ mình đang nấu cho người yêu thương nhất". Trước một đứa trẻ, trước áp lực của bản thân, nhà giáo chỉ cần nghĩ được đây là con cái mình thì sẽ không còn tồn tại những chuyện đau lòng. 

* Xin cảm ơn hai chị.

Lan Khôi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI