Chuyên đề 'Đừng bất lực với bạo lực trẻ em': Mẹ không muốn nơm nớp khi gửi con đến trường

09/12/2017 - 06:00

PNO - Những "địa ngục mạo danh" sẽ phải đóng cửa, bạo hành trẻ có thể bị phạt tù. Nhưng sau đó thì sao?

Bạo hành trẻ em chưa bao giờ là câu chuyện cũ với các bậc cha mẹ và xã hội. gần đây, nhiều vụ trẻ bị hành hạ, tước đi mạng sống ngay trong gia đình và trường học khiến dư luận bất bình, phẫn nộ. Làm thế nào để chặn đứng vấn nạn này?

Chuyen de 'Dung bat luc voi bao luc tre em': Me khong muon nom nop khi gui con den truong
Ảnh mang tính minh họa. shutterstock

Mấy ngày rồi, mỗi sáng, sau khi đưa con vào cổng trường mầm non, mẹ quày quả đi làm, phía sau khẩu trang, mẹ khóc. Con gái của mẹ mới gần hai tuổi, bé bỏng, yếu ớt. Con không muốn đi học, sáng nào cũng khóc. Trong ánh mắt con có nỗi bơ vơ hoảng hốt. Con đâu biết mẹ cũng khóc, vì bất lực, bế tắc.

Mẹ đã nhờ bà ngoại, bà nội giúp đỡ, nhưng cũng chỉ được vài tháng, các bà còn phải về quê lo cho ông và nhà cửa vườn tược. Người trông trẻ chảnh chọe đòi hỏi điều kiện nọ kia. Con được hai mươi tháng, mẹ phải đưa đến trường.

Buổi sáng ba mẹ chở hai anh em đến trường, buổi chiều, mẹ nơm nớp canh giờ chạy về đón con, về đến nhà là giở áo, cởi tất, vạch tóc con săm soi, hỏi han. Dù không có vết bầm tím, nhưng ngày nào mẹ cũng lo sợ. 

Mẹ từng thấy một người mẹ mắt đỏ hoe, rưng rưng: “Nếu biết trước con bị đánh đập như vậy, tôi đâu có gửi con vô đây làm gì”. Mẹ hiểu nỗi lòng của cô ấy, vì không gửi con vô đó, thì gửi ở đâu? Trường công thì khó, đồng lương eo hẹp, không có hộ khẩu thành phố. Những người mẹ phải gửi con vào ngôi trường mầm non "địa ngục", hẳn cũng như mẹ: lo bươn bả mưu sinh, không còn lựa chọn nào khác. 

Những cái tặc lưỡi, lắc đầu ngao ngán, thở than “biết vậy…” luôn muộn màng, khi vụ việc đã xảy ra. Đòn roi, đau đớn trẻ đã nhận lãnh. Bạo hành trẻ cứ dăm bữa nửa tháng lại có một vụ. Thêm nạn nhân mới, thêm xôn xao dư luận, bất bình, phẫn nộ. Nhưng sau tất cả, khi đã lắng lại, là cái chép miệng “ở đâu cũng vậy thôi!” như một nếp nghĩ đã hình thành, ăn sâu vào quan điểm của mọi người, rằng chẳng thể dẹp hết nạn trẻ bị bạo hành, chẳng thể kiểm soát, giảm bớt được.

Ở đâu cũng sẽ có chuyện hành hạ trẻ con, trẻ bị đánh vào mặt, đập vào đầu, đạp lên người? Các con sẽ không có lối thoát, nhất là khi cha mẹ nghèo, buộc phải gửi con vào các nhóm trẻ tự phát? Con sẽ bị đánh đập, chịu những sang chấn tâm lý vĩnh viễn, hằn sâu thành ký ức bạo lực? Rồi sẽ ra sao khi nỗi kinh hoàng ấy chuyển thành bản tính hung hãn, suy nghĩ tiêu cực trong quá trình hình thành tính cách của con? 

Những "địa ngục mạo danh" sẽ phải đóng cửa, bạo hành trẻ có thể bị phạt tù. Nhưng sau đó thì sao? Mẹ trông mong vào những chiếc camera vô cảm? Trông mong vào thiện tâm của người giữ trẻ? Hay trông mong con - sẽ ngoan, nghe lời, đừng chọc giận cô, để khỏi hứng lấy những cơn điên giận? 

Bao nhiêu nhà nhốt trẻ, chỉ có cái vỏ vui tươi xanh đỏ bề ngoài, chỉ được nụ cười nặng mùi học phí trước cổng, còn trong lớp, trong phòng học là những vụ bạo hành, những góc tối nhốt trẻ nhưng không ai lên tiếng, bị bỏ qua. Những vụ trẻ bị bạo hành vẫn liên tục xảy ra nhưng chưa thấy một cơ quan, tổ chức quản lý nào đứng ra chịu trách nhiệm.

Thùy Thương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI