Chuyên đề dạy kỹ năng sống cho trẻ: Quản lý thời gian và tiền bạc

05/07/2016 - 09:16

PNO - Người ta thường nói “thời gian là tiền bạc”. Câu nói ấy thể hiện thời gian là thứ quý giá của đời người. Dạy cho trẻ kỹ năng sử dụng thời gian và tiền bạc của mình hiệu quả là một trong những điều vô cùng quan trọng.

Dạy con kỹ năng quản lý thời gian

Chuyen de day ky nang song cho tre: Quan ly thoi gian va tien bac
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Để trẻ có khái niệm về thời gian và giá trị của nó, bạn hãy cùng trẻ chơi một trò chơi nhỏ: yêu cầu trẻ nhắm mắt lại và đoán xem kim đồng hồ đã chạy được bao nhiêu phút, cứ mỗi phút trôi qua, bé phải thực hiện động tác vỗ tay, chắc chắn rằng con bạn sẽ vỗ tay nhanh hơn tốc độ trôi qua của thời gian. Kết thúc trò chơi, bạn hãy nói cho trẻ hiểu thời gian là gì, nó trôi qua như thế nào, vì sao một số người luôn có nhiều thời gian còn số khác nỗ lực nhiều nhưng vẫn không làm hết việc, làm thế nào để kéo dài mỗi phút trôi qua. Tùy theo độ tuổi và khả năng nhận thức của bé mà bạn đưa ra những lời lý giải phù hợp.

- Khi trẻ làm bất cứ việc gì, bạn cũng nên nhắc nhở về thời gian để trẻ không quên. Hãy nhắc trẻ thời hạn phải hoàn thành công việc, chẳng hạn “Con chỉ còn 10 phút nữa để chuẩn bị sách vở đến trường”, hay “Đúng 8g con phải mang vở bài tập toán cho mẹ kiểm tra”.

- Hạn chế cách nói ước chừng thời gian kiểu như lát nữa, tí nữa, không lâu nữa...

Các kỹ năng cần thiết để giáo dục trẻ sử dụng thời gian:

- Bạn hãy mua cho trẻ một chiếc đồng hồ để trên bàn học và chỉ cho trẻ cách xem giờ. Nhắc nhở con những mốc thời gian mà trẻ cần biết để làm xong việc này hay việc kia bằng cách chỉ vào những chiếc kim, ấn định thời gian bằng khoảng cách vị trí của các cây kim.

- Mua cho con một cuốn lịch riêng và giúp trẻ tự sắp xếp thời gian học tập, vui chơi, nghỉ ngơi… Giúp trẻ đánh dấu vào lịch những ngày cần làm một việc gì đó hay sẽ có sự kiện nào đó diễn ra mà trẻ mong chờ.

- Giúp trẻ xây dựng kế hoạch làm việc với các công việc cụ thể. Cùng trẻ liệt kê những việc cần làm trong một buổi, một ngày… giúp trẻ ước tính khoảng thời gian cần thiết để làm những việc đó, sau đó thiết lập ra thời khóa biểu cho mọi việc như giờ ăn cơm, giờ học bài, giờ xem ti vi, giờ đi chơi, giờ đi ngủ… Nhắc nhở con thực hiện mọi việc theo đúng giờ giấc đã vạch ra, khen ngợi trẻ khi chúng có thể tiết kiệm thời gian bằng cách hoàn thành sớm hơn quy định. Hướng dẫn trẻ cách thực hiện nếu trẻ không kịp làm việc cần làm trong khoảng thời gian đó.

- Dạy trẻ cách sắp xếp thứ tự những công việc cần được ưu tiên. Trong lịch trình hoạt động của một ngày, sẽ có những việc cần được làm trước, như việc làm bài tập cho ngày hôm sau, nhắc nhở con học trước những môn có bài kiểm tra. Hãy giúp bé lựa chọn ưu tiên cho những việc như học đàn, học bơi, học vẽ, đọc sách… định ra khoảng thời gian để hoàn thành.

- Mua cho trẻ một cuốn sổ ghi nhớ, đánh dấu những việc quan trọng cần làm, bởi ai cũng có thể quên một vài việc nào đó khi có ý tưởng ngẫu hứng thú vị. Ngoài ra, nếu trẻ hay quên, hãy mua cho trẻ những tờ giấy ghi chú nhiều màu, dán lên bàn học, tủ áo quần, tủ lạnh, gương trong phò ng tắm, để nhắc nhở trẻ về thời gian và công việc.

Thái độ của cha mẹ trong khi giáo dục trẻ:

- Cha mẹ cần làm gương cho trẻ bằng cách chính mình phải có lịch trình làm việc, sinh hoạt và tuân thủ theo lịch trình đó.

- Không nên quá khắt khe khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, bị o ép bởi thời gian của chính mình. Hãy cho bé có được những khoảng thời gian ngẫu hứng, hoạt động, vui chơi một cách hợp lý.

Dạy con kỹ năng quản lý tiền bạc

Chuyen de day ky nang song cho tre: Quan ly thoi gian va tien bac
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Cho trẻ tiền tiêu vặt hay không, cho ở độ tuổi nào, cho bao nhiêu vẫn luôn luôn là vấn đề tranh cãi trong nhiều gia đình, thậm chí trong tranh luận của những nhà tâm lý, giáo dục trẻ em. Nhưng không thể phủ nhận được một điều là chúng ta không bao giờ có thể mãi tách rời con trẻ khỏi vấn đề tiền bạc. Một lúc nào đó bạn sẽ phải cho trẻ cầm tiền và tiêu tiền. Nếu bạn không dạy trẻ cách chi tiêu những đồng tiền mình có được thì chắc chắn việc bạn cho trẻ tiền là xấu. Nhưng nếu bạn dạy trẻ ý nghĩa, giá trị của đồng tiền và cách quản lý tiền mình có được, bạn đã chuẩn bị cho bé một hành trang tốt để bước vào cuộc sống tự lập.

Giúp trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền

Trẻ thường chỉ thấy bố mẹ mở ví ra, hay ghé ATM là có tiền. Với chúng, tiền có thể hễ muốn là có. Bạn cần phải giúp trẻ hiểu được điều quan trọng là tiền có thể giúp ta sở hữu nhiều thứ ta muốn, nhưng phải nỗ lực làm việc thì mới có tiền. Để trẻ hiểu được điều đó, có hai cách: trò chuyện với trẻ về công việc của bố mẹ, của những người lao động xung quanh, và hãy để trẻ có cơ hội đổ mồ hôi để có được đồng tiền. Không nên lấy tiền làm phần thưởng khi trẻ hoàn thành những công việc mang tí nh chất nghĩa vụ.

Khi hiểu được những điều này, trẻ sẽ biết quý trọng đồng tiền, tiết kiệm tiền, cất giữ tiền cẩn thận và không lãng phí đồng tiền lao động.

Giúp trẻ quản lý ngân sách Trẻ có thể có tiền từ vài nguồn: tiền tiêu vặt bố mẹ cho, tiền lì xì đầu năm, tiền thưởng vì một thành tích nào đó. Dù ít hay nhiều, bạn hãy giúp trẻ chi tiêu món tiền đó một cách đúng đắn.

Hãy bàn và giúp trẻ lập danh sách những thứ trẻ cần thiết, từ việc ăn các món quà vặt hàng ngày ở trường đến việ c mua sắm một món đồ chơi mà trẻ thích. Từ đó, hướng dẫn trẻ chia tiền của mì nh cho các khoản, tùy theo nhu cầu, mong muốn: khoản nào dành để mua đồ chơi, khoản nào để ăn hàng, chi tiêu hàng ngày. Hãy cùng trẻ cộng trừ nhân chia để xem nếu tiết kiệm bao lâu thì trẻ sẽ mua được những gì, dạy trẻ kiềm chế, sắp xếp mọi mong muốn của mình một cách hợp lý.

Cùng con đi siêu thị mua sắm những gì chúng thích, chỉ cho con cách chọn mua những món hàng cần thiết với giá cả hợp lý hơn, ví dụ gói kẹo lớn nửa ký có thể rẻ hơn những gói chỉ 250g vì người bán bớt đi chi phí vào hộp, gói. Giúp trẻ biết cách đọc các hướng dẫn trên bao bì để tránh những món hàng gần hết hạn hay quá hạn, những món hàng có chất bảo quản độc hại, hóa chất…Giúp trẻ chọn mua những món hàng có khuyến mãi.

Một con heo đất là món đồ chơi bạn rất nên mua cho trẻ. Chúng sẽ có niềm vui tự quản lý món tiền mình tiết kiệm được và niềm vui thấy quỹ của mình được “nuôi, sống và lớn lên” hàng ngày.

Giúp trẻ hiểu được giá trị của sự nỗ lực, tiết kiệm

Thay vì mua ngay cho trẻ một món đồ chơi hay đồ vật nào đó mà trẻ thích, bạn hãy tìm cách để trẻ hiểu được việc phải tiết kiệm, giảm bớt những chi phí khác hay thậm chí nhận làm giúp bố mẹ những việc không thuộc nghĩa vụ trách nhiệm của mình để có thể có tiền mua một món đồ chơi yêu thích. Đó là cách giúp trẻ cân nhắc, so sánh, chọn lựa và sau đó là giữ gìn, quý trọng những gì mình mua được.

Để dạy trẻ những bài học trên, bản thân cha mẹ cũng cần phải làm gương trong việc chi tiêu, mua sắm. Thậm chí hãy cho trẻ tham gia bàn bạc trong việc mua sắm những vật dụng cần thiết và quan trọng trong nhà.

Song Văn (Với sự tham gia tư vấn của TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI