1. Học cách tôn trọng
Trước hết, phải tôn trọng đối tượng giao tiếp: trong một cuộc trò chuyện, bé cần xác định bé là ai, vai vế như thế nào đối với người đối diện. Ngay cả trước khi biết đến những phép “dạ, thưa” thông thường, trẻ cần được xác lập thái độ giao tiếp với những nhóm người cụ thể, tạm chia thành: người lớn hơn (thì phải lễ phép), bạn bè hoặc người nhỏ tuổi hơn (tôn trọng, lịch sự).
Tôn trọng không gian giao tiếp là điều quan trọng không kém. Trẻ cần được hiểu, ở mọi nơi đều có những quy tắc chung cần phải tuân thủ. Đến bất kỳ nơi đâu, trẻ cần biết quan sát xem không gian đó có yêu cầu đặc biệt gì không, rồi hành xử trong khuôn khổ những nguyên tắc đó.
2. Trân trọng bản thân
Phụ huynh thường xuề xòa với trang phục của con nhỏ khi ra đường. Rõ ràng, việc người lớn mặc đồ ngủ ra đường là không hay, thì chúng ta cũng nên tập cho trẻ bảo vệ hình ảnh của mình từ nhỏ . Việc lựa chọn trang phục là tù y vào sở thích, nhưng trẻ cần biết kiểm tra lại trang phục, tóc tai trước khi ra đường. Những câu hỏi như: “Con soi gương chưa? Con thấy mình ổn chưa?” trước khi ra đường là cần thiết để tập cho trẻ thói quen ấy.
Nụ cười là “trang phục” thứ hai, thể hiện thái độ của trẻ với mọi người. Một đứa trẻ cần được dạy rằng, tươi tắn chính là trạng thái đẹp và thân thiện nhất.
3. Những điều căn bản
* Quan sát: Để có những hành xử phù hợp ở một môi trường lạ, trẻ phải có thói quen quan sát. Khi dùng một vật dụng bất kỳ, trẻ cần ghi nhớ vị trí của nó nhằ m để lại chỗ cũ sau khi dùng xong. Những biển báo như “không giẫm lên cỏ”, “giữ yên lặng” phải được tuân thủ. Hoặc khi qua đường, trẻ phải học cách đi đúng vạch dành cho người đi bộ.
* Xếp hàng: Trẻ em thường thiếu kiên nhẫn, đó là lý do những bà mẹ đi cùng trẻ em thường... bất chấp nguyên tắc xếp hàng. Tuy nhiên, xếp hàng là điều trẻ có thể học và phải có ý thức từ bé. Trẻ cần hiểu người đến trước thì sẽ được phục vụ trước, để biết được tầm quan trọng của việc xếp hàng.
|
Trẻ phải được học nguyên tắc xếp hàng từ bé |
* Tương tác: Tươi tắn, mỉm cười và tương tác với người đối diện là điều kiện để duy trì cuộc giao tiếp. Với những trẻ nhỏ, mọi người đều có thể trở thành người phục vụ của bé trong một tình huống nhất định. “Tình huống phục vụ” vì thế khá phổ biến, bé cần được dạy rằng mọi sự phục vụ đều mang tính chất giúp đỡ, chứ không phải hiển nhiên, và bé phải biết ơn vì điều đó để tránh thái độ sai bảo, đòi hỏi. Khi yêu cầu, trẻ cần biết sử dụng mẫu câu: “Anh/chị/ba/mẹ có thể giúp em/con...?” và cảm ơn khi được đáp ứng.
Ví dụ, vào nhà hàng, cũng như người lớn, bé cần tương tác với người phục vụ. Nếu được người phục vụ kéo ghế, bé phải cảm ơn. Khi nhận thực đơn, cần mỉm cười và cảm ơn lần nữa...
* Nói: Giọng nói là điều quan trọng trong giao tiếp. Phụ huynh cần nhắc trẻ nói to vừa đủ, phát âm rõ chữ, tránh nói lòe nhòe, thiếu tự tin. Nói trước đám đông phải thẳng đầu, mắt nhìn thẳng, tươi cười, nhìn vào mọi người để bày tỏ ý kiến.
* Đùa giỡn: Trẻ cần biết quan sát xem nơi mình đang đến có cho phép chạy nhảy, đùa giỡn không. Nếu không, trẻ phải tuyệt đối tôn trọng. Phụ huynh nên bỏ thói quen để mặc con trẻ chạy nhảy trong đám tiệc, nhất là khi mọi người đang làm lễ. Trẻ cần được thông báo rằng, đó là buổi lễ quan trọng, trẻ cần giữ yên lặng và tham gia vỗ tay.
* Ăn: Từ khi biết điều chỉnh các động tác, trẻ đã có thể học cách ăn khép miệng, không phát ra âm thanh. Nếu ăn chỗ đông người, trẻ phải được giải thích để ăn nhanh nhẹn, gọn gàng, tránh không được đổ đồ ăn vương vãi trên bàn.
* Xả rác: Một mẩu rác nhỏ cũng cần được trẻ cân nhắc khi để ra một nơi nào đó. Dùng khăn giấy xong, trẻ không được xả vương vãi dưới sàn. Hã y dặn dò “Mặc dù có người dọn nhưng vẫn phải để gọn gàng để người giúp con được thuận lợi”.
* Ngôn ngữ cơ thể khác: Để tập cho trẻ phong thái tự tin, phụ huynh cần gợi ý trẻ nhìn vào mắt người khác khi trò chuyện. Khi ngồi, phải ngồi thẳng vai. Khi đi, chân phải tập nhấc cao, bước chân sải dài, giữ thẳng người. Đi thẳ ng nhưng tay thả lỏng, đánh tự nhiên.
4. Ứng xử trước đám đông
Đầu tiên, trẻ cần cất hết mọi thiết bị điện tử khi đến chỗ đông người, để có cơ hội giao tiếp. Tuy nhiên, trước khi hòa nhập vào đám đông, trẻ cần trang bị kiến thức để phân biệt được đó có phải là một đám đông nên hò a nhập. Khi xác định được đó là một đám đông an toàn, trẻ có thể bắt chuyện với một ngườ i hoặc nhóm người trong đó.
Nếu không biết cách bắt chuyện, trẻ cần nghĩ xem tại sao mình lại muốn bắt chuyện với người đó/đám đông đó. Chắc chắn là vì một điều thú vị gì đó thu hút trẻ, vì vậy, hãy chia sẻ điều đó với họ. Chia sẻ ấy (vô tình) cũng là một lời khen ngợi, ví dụ: “Chị làm cái này hay quá”, “Trông chị xinh quá”. Chính lời khen là điều dễ dàng mở ra một cuộc trò chuyện nhất.
Trong một đám đông, trẻ cần tránh những biểu hiện ủ rũ, mệt mỏi để không bị tách biệt, không ai muốn đến gần.
5. Ứng xử với bạn bè
Trong thực tế, hầu hết trẻ em đều có đôi lần rơi vào tình trạng khủng hoảng tình bạn. Để có bản lĩnh vượt qua điều đó, trẻ cần nhận thức được rằng, tình bạn được gắn kết tự nguyện bằng sự hòa hợp, đồng điệu, yêu quý nhau. Một đứa trẻ được bạn bè yêu quý thường là một đứa trẻ vui vẻ, thân thiện, biết chia sẻ và giúp đỡ.
Với trẻ nhỏ, phụ huynh có thể đặt những câu hỏi: “Con có thích mẹ cười với con không?”, “Vậy con thích gần gũi với người cau có không?”. Rồi đề nghị: “Con phải vui vẻ để người khác thích gần con”.
Phụ huynh không nên “chỉ đạo” trực tiếp trên từng mối quan hệ của con, mà chỉ cần đưa ra những quan điểm chung nhất. Với những nhận thức cơ bản về tình bạn, trẻ cần được tự nhiên chọn bạn và chọn cách chơi với bạn.
Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường (CEO Công ty Giáo dục phát triển tài năng Talent De)
Minh Trâm (ghi)