Chuyên đề Cho con cơ hội: Học kỳ hạnh phúc của Gạo và Nếp

27/07/2019 - 15:17

PNO - 'Về ngoại không có máy lạnh, không có khu trò chơi đẹp, không trung tâm thương mại; chỉ có đồ chơi tự mình làm, tắm sông, lội bùn sình… thôi nghen con', tôi nói với Gạo và Nếp.

Trước khi nhập học, tôi cho các con (Gạo, Nếp - 2 bé sinh đôi 7 tuổi) về quê ngoại ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang “xõa” một tuần. Tôi lo cuộc sống thiếu tiện nghi ở quê sẽ làm con buồn chán nên làm công tác tư tưởng trước: “Về ngoại không có máy lạnh, không có khu trò chơi đẹp, không trung tâm thương mại; chỉ có đồ chơi tự mình làm, tắm sông, lội bùn sình… thôi nghen con”. Có lẽ hai bé chẳng hình dung được điều tôi nói, mà chỉ nghĩ được đi chơi nên rất hào hứng. 

Về quê, Gạo, Nếp nhanh chóng kết thân cùng các bé hàng xóm. Một nhóm 5 đứa trẻ rủ nhau ra hiên nhà chơi trốn tìm, làm tượng rồi vớt lục bình ở sông lên chơi đồ hàng… Các bé lấy đoạn lục bình thân màu xanh làm ổ bánh mì, thân màu đen làm lạp xưởng, thịt, lấy lá lục bình xắt nhuyễn làm rau… Và còn xịt nước tương (giả vờ) y như bán bánh mì thật.  

Chuyen de Cho con co hoi: Hoc ky hanh phuc cua Gao va Nep
Gạo, Nếp đang coi hát bội trong lễ cúng Kỳ Yên ở quê

Những ngày tiếp theo, hai con tôi được các bạn dẫn ra đồng ở sau nhà. Các bé bắt bướm, bắt chuồn chuồn, bắt dế bỏ vô lon coi bọn dế choảng nhau và gáy vang trời. Chơi chán, tụi nhỏ kéo xuống sông tắm - (bé nào chưa bơi giỏi thì mặc áo phao), bơi đua và vớt những trái mận, trái trâm, cà na trôi trên sông ăn. Đứa nào đứa nấy mê tít thò lò. 

Một tuần trôi qua nhanh chóng. Khi tôi xếp đồ chuẩn bị về thì hai con đến bên cạnh (sau lưng là những người bạn mới) thỏ thẻ: “Mẹ ơi, con có thể ở lại được không?”.

Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì bé Nếp nói: “Ở ngoại vui lắm mẹ, tụi con có nhiều bạn và nhiều trò chơi mà ở nhà mình không có”. 

Gạo cũng lên tiếng: “Con với Nếp về các bạn ở đây buồn lắm đó mẹ, mẹ cho tụi con ở lại đi. Bà ngoại cũng muốn tụi con ở lại nữa”. 

Lúc đầu tôi không đồng ý, vẫn quyết đưa tụi nhỏ về. Hai con tôi còn có những khóa học kỹ năng sống, tiếng Anh, vẽ, múa ba-lê đang chờ. Tuy nhiên, nhìn sự ủ rũ của con khi mẹ không cho ở lại và nhớ lại ánh mắt vui sướng và những tiếng cười giòn tan của con khi chơi với các bạn tôi không nỡ từ chối. Tôi nhờ má và các chị trông chừng hai đứa nhỏ và tôi đã làm điều mà tôi chưa từng làm: để hai con ở lại quê.

Tôi về mà trong lòng đầy lo lắng, bất an. Sợ con bỏ qua những khóa học sẽ thua sút bạn bè, sợ con ở dưới quê không an toàn, cả sợ con khóc vì nhớ mẹ… Thế nhưng, mỗi lần tôi gọi điện thoại Gạo, Nếp đều rất vui, líu lo kể về những trò chơi mà tôi nghĩ thế hệ con mình không bao giờ được trải nghiệm: cỡi trâu, đu dây ra sông, làm chú rể cô dâu, tắm mưa, tát nước bắt cá… Các con đã và đang trải qua những gì tuổi thơ của tôi đã trải qua với niềm hạnh phúc y như mẹ ngày xưa. 

Chuyen de Cho con co hoi: Hoc ky hanh phuc cua Gao va Nep
Chơi trò làm tượng

Một lý do quan trọng khác khiến tôi quyết định cho bé nghỉ hè ở quê ngoại là tôi muốn hai con được tiếp xúc với những người bạn quê. Bởi các bé ở quê rất độc lập và có kỹ năng sống rất tốt, một cách tự nhiên - mà những đứa trẻ ở thành phố năm nào cũng đi học - như con tôi vẫn không có được. 

Những đứa trẻ 3 tuổi ở quê đã tự xúc ăn, 5 tuổi đã biết rửa chén, quét nhà, buộc tóc… Cô bạn Su, 7 tuổi của con tôi, biết làm đủ kiểu tóc: từ buộc hai sừng trâu đến tết tóc bím cho hai con gái tôi. Những người bạn quê này xử lý tình huống rất “cừ”. Khi đi ngang một nhà có nhiều chó dữ sủa inh ỏi, hai con gái tôi sợ đứng khóc thì cô bé Trà Sữa, 5 tuổi, gọi to: “Bà ơi (bé không quen thân với nhà này nên không biết gọi ra sao - chỉ thấy lấp ló người lớn tuổi là kêu cứu), bà kêu chó vô đi bà. Con sợ lắm”. Vậy là tụi nhỏ được giải thoát.

Có lần tụi nhỏ ra chợ chơi, một cô lớn tuổi thấy bọn trẻ dễ thương nên kêu lại nhà cho trái cây (nhà cô có vườn trái cây). Hai con tôi nghe vậy mê tít, quên lời mẹ dặn không được theo người lạ. Khi đó, bạn BuBu, 6 tuổi, đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Nhà bà có chó không? Nhà bà ở đâu?” và bé Su chốt lại “làm sao con biết bà nói thiệt hay nói chơi, bà cho tụi con thì đem lại đây đi”. 

Đến khi đó hai con tôi mới sực tỉnh và nhớ lời mẹ dạy nên nói: “Mẹ con nói không được theo người lạ. Bà gọi điện thoại cho mẹ con đi. Mẹ cho tụi con mới đi”. Và hai con tôi đọc số điện thoại của tôi. Tôi nhận ra người hàng xóm quen nên cho tụi nhỏ đến nhà bà chơi.

Chuyen de Cho con co hoi: Hoc ky hanh phuc cua Gao va Nep
Gạo, Nếp và các bạn tắm sông

Những thực tế này đã trở thành những bài học thực tiễn cho hai con tôi - nó hiệu quả hơn nhiều lần tôi ra rả bằng lý thuyết “con nhớ không được theo người lạ” - và khi gặp người lạ thì ứng xử như thế nào? 

Tính đến nay, Gạo, Nếp đã có mùa hè quê suốt một tháng và vẫn chưa chịu về thành phố. Điều tôi bất ngờ nhất không phải là con học được cách buộc dây thun, quét nhà, làm vương miện bằng lá cây… mà là con trở nên rất tự tin, hoạt bát khi gặp người lạ. Hai con đã có một mùa hè trọn vẹn, với bao nhiêu cuộc vui và những điều mới mẻ. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI