Tôi còn nhớ như in một trong những lần đầu tiên con tập đi xe đạp. Chỉ là quãng đường ngắn bằng một sải tay, nhưng con sợ và nhất định không chịu đạp nếu mẹ buông tay.
Mẹ nhất định ép con phải chạy, chỉ một quãng ngắn thôi và con có thể chạy được. Chân con đủ dài để chống trong trường hợp xe nghiêng, và con hoàn toàn có thể làm được. Nhưng rồi con vẫn đứng đó, không chịu đạp.
Đáp lại sự kiên quyết của mẹ là những giọt nước mắt chảy dài. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghĩ về cách làm sao để giúp các con mình vượt qua giới hạn, bước qua nỗi sợ hãi của chính mình.
Không biết tại sao, vì cá tính hay vì mẹ khắt khe, hoặc vì một lý do sâu kín nào mà tạm thời tôi chưa khám phá ra, nhưng điều tôi nhận thấy là bọn trẻ hơi nhút nhát. Con vào lớp Một vẫn không dám tự mình đi vào tiệm mua bánh (mẹ chờ bên ngoài) hoặc khi muốn một điều gì đó nhưng không dám yêu cầu chú hay cô phục vụ giúp đỡ...
|
Ảnh minh họa |
Đến khi con học lớp Bốn, người mẹ là tôi lần đầu tiên mới dám cho con băng qua đường mua bánh tráng trộn. Và khoảng thời gian 10-15 phút đó dài như một thế kỷ, tôi đã phải cố kìm mình để khỏi đứng dậy lao ra công viên, vì không hiểu nổi bà bán bánh trộn cái gì lâu đến như vậy. Cuối cùng đến phút 20, hết chịu nổi vì cảm giác lo lắng, tôi đành tản bộ ra công viên lấy cớ đi ăn bột chiên.
Vừa may, đến đầu hẻm thì gặp con dung dăng dung dẻ ra về. Bà bán bánh tráng đông khách quá nên các con phải đợi. Mẹ đành tiếp tục ra công viên ăn bột chiên vì không muốn con phát hiện ra mẹ đang lo lắng. Sau này tôi nghĩ có thể chính sự lo lắng quá sức của mình vô hình trung đã tước mất của con sự quyết đoán, độc lập...
Cô gái không dám đạp xe ngày nào giờ đã thỉnh thoảng chở mẹ đi chợ bằng xe đạp, cao hứng, hai mẹ con lại đạp xe lòng vòng công viên. Cô ấy cũng là người thuyết phục mẹ hãy cho con đi xe ôm những ngày mẹ bận rộn để con quen dần.
Chàng trai ngày nào vô rạp phim hay đi ăn nhất định không ngồi gần người lạ giờ đã miễn cưỡng ngồi, kèm theo lời giải thích "không phải con sợ mà là con không thích người lạ". Đăng ký một lớp ngoại khóa nào cho anh chàng, yếu tố người lạ luôn được con đặt lên hàng đầu. Và mẹ đành giảng giải, thuyết phục rằng: những người quen, thậm chí bạn thân bây giờ của con, hồi đó cũng từng là người lạ.
Mỗi lần đi ăn, khi con muốn báo với quán con không ăn hành, không ăn giá... mẹ đều "nhẫn tâm" để con tự dặn người phục vụ, vì nếu con ăn khác với mọi người con sẽ phải tự mình thông báo. Con lúc đầu còn bực bội, còn lí nhí, nhưng giờ thì bắt đầu quen. Cậu đồng thời cũng tạo được một số mối quan hệ nhỏ đủ để khi thấy cậu, người bán xôi biết không mỡ hành, không tôm khô, hành phi. Người bán phở biết cậu chỉ ăn phở với trứng và nước, người bán bánh mì biết cậu ưa thích loại rau duy nhất là dưa leo...
Cậu, kẻ than phiền rằng "mẹ hãy làm gì bạn Tường, bạn Chánh đi, con hết chịu nổi rồi, mấy bạn đó chọc con hoài". Mẹ lại lạnh lùng nói: "Mẹ làm thì dễ rồi, nhưng nếu con không tự giải quyết vấn đề của mình, các bạn sẽ còn ăn hiếp con dài dài. Con thử học cách chọc lại các bạn, tảng lờ, nói chuyện hay làm gì đó phù hợp. Mẹ sẽ sẵn sàng lắng nghe và tư vấn cho con...". Cậu vẫn còn phiền bạn nhưng rồi qua cách thức cậu nghĩ về bạn mình, mẹ đã thấy cậu nhẹ nhàng hơn. Cậu vẫn còn nhút nhát, vẫn còn lí nhí trước đông người, nhưng rồi mẹ đã thuyết phục, trấn an, động viên và kêu gọi cậu giúp đỡ mẹ bằng cách xuất hiện trong một đoạn phỏng vấn nhanh, hoặc những hình ảnh cần chèn vô một bài phóng sự.
Khi cậu đồng ý, dù thòng thêm một câu rằng con rất căng thẳng, mẹ cũng biết con mình đã nhích một chút ra khỏi vòng sợ hãi cố hữu.
Mỗi buổi tối, nếu cậu là người đi ngủ sau cùng, cậu sẽ phải tắt các loại đèn và một mình đi lên cầu thang tối. Có lúc cậu năn nỉ mẹ chờ con cùng lên. Có lúc cậu dõng dạc con sẽ tắt đèn, tắt quạt lên sau, mẹ cứ đi đi.
|
Ảnh minh họa |
Có lẽ thành tựu lớn nhất mà mẹ cậu tự hào là chuyện cậu sẵn lòng về quê 4 tuần mà không mang iPad. Đó là cả một sự vượt lên chính mình của cậu, mẹ biết, nhất là khi cậu bắt đầu có dấu hiệu giấu giếm, chơi lố giờ quy định, bất cứ khi nào rảnh tay là quẹt quẹt iPad.
Quyết định không iPad được đưa ra khá chóng vánh, trong bữa tối trước khi về quê một ngày. Cả nhà đi ăn cùng nhau và cậu vẫn quyến luyến thò thụt cầm theo iPad, mẹ lắc đầu không cho mang theo. Cuộc nói chuyện trong bữa ăn hôm đó là iPad đã mê hoặc các con như thế nào. Mỗi lần chơi xong mắt các con mệt ra sao, con nhức đầu như thế nào, con muốn chơi tiếp, chơi thêm chơi hoài ra sao, con thấy iPad đang làm chủ con hay con làm chủ nó...
Câu chuyện bắt đầu từ sự than phiền "tụi con chơi ít giờ hơn các bạn rất nhiều" đã có một cái kết vượt quá sự mong đợi của mẹ. Chính các con là người tự đề xuất ý định này, và không đổi lấy điều gì cả. Rồi mai mốt các con vào lại, ở nhà một mình, rồi lại cầm đến iPad nhưng sẽ có lúc con hiểu ra mình đã có ít nhất một tháng không iPad mà vẫn vui. Con sẽ có thể làm chủ thời gian và sở thích của con hơn.
Cô út cũng vậy, giây phút cô từ bỏ phao tay, biết bơi mà chưa biết thở, cho đến việc bơi đến chỗ mẹ với 1 hơi thở, rồi 2, 3. Lần bơi biển gần nhất cô đã can đảm bơi đến trong khoảng cách 4 hơi thở. Rồi sẽ 5, 7, 10. Rồi mẹ không cần là điểm đến của cô nữa. Cũng như cô bắt đầu chơi xích đu, leo trèo, đu từ cây xà này qua cây kia, thử hết các "món ăn chơi" của những trò chơi vận động. Những trò chơi mà những lần trước khi mẹ đưa đến cô chỉ dám nhìn. "Lần này con thử thách mình chơi hết các trò chơi. Lần sau con sẽ thử thách bằng cách chơi hết các trò chơi này mà không cần mẹ đứng một bên". Cô làm tôi muốn khóc.
Tôi hiểu rằng để có thể giúp con vượt qua chính mình, vượt qua một nỗi sợ, vượt qua một tật xấu, vượt qua rào cản cả về vật lý và tâm lý, các con đều luôn cần có một người lớn bên cạnh mình. Cần một người lớn can đảm buông tay. Và ngày các con vượt lên chính mình, nhích ra khỏi vòng "kim cang" cũng là ngày các con bước ra khỏi vùng an toàn của mẹ. Mẹ cũng cần học vượt lên điều ấy để dũng cảm nhìn con mình bước khỏi tầm tay.
Ban Mai